Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (mã CK: CII) vừa có công bố thông tin về đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ. Cụ thể, theo CII, tổng giá trị các gói trái phiếu phát hành là 500 tỉ đồng. Và tiền thu được sẽ dùng để tăng qui mô hoạt động của công ty và (hoặc) đầu tư vào các chương trình, dự án của doanh nghiệp này.
Kì hạn trái phiếu dự kiến là 24 tháng. Theo CII, đây là loại trái phiếu doanh nghiệp, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền.
Phối cảnh dự án xây dựng cao ốc văn phòng BOT kết hợp BT tại 152 Điện Biên Phủ (phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM). (Ảnh: batdongsanexpress.vn).
Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ đã được soát xét 2019, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp này tính đến 30/6/2019 là 4.324 tỉ đồng (tăng 3,4 lần so với thời điểm đầu năm). Chi phí xây dựng cơ bản dở dang đã đạt đến mức 5.220 tỉ đồng (tăng 909 tỉ đồng).
Cụ thể, trong con số 5.220 tỉ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang gồm có các dự án: dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội, các dự án bất động sản được khai thác từ hợp đồng BT trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án đầu tư xây dựng căn hộ 152 Điện Biên Phủ và dự án xây dựng cao ốc văn phòng BOT kết hợp BT tại 152 Điện Biên Phủ (phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM),...
Vị trí dự án xây dựng cao ốc văn phòng BOT kết hợp BT tại 152 Điện Biên Phủ (phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM). (Ảnh: batdongsanexpress.vn).
Trước đó, trong tháng 8/2019, CII cũng đã phát hành trái phiếu đợt 3 vào ngày 24/7 thành công, thu về 200 tỉ đồng từ các nhà đầu tư trong nước (nắm giữ toàn bộ 2000 trái phiếu có trị giá 200 tỉ đồng).
Con số 200 tỉ đồng, tương ứng với 25% giá trị trái phiếu mà CII dự định phát hành trước đó. Và thông báo phát hành trái phiếu của CII cũng cho hay tiền thu được từ việc chào bán trái phiếu sẽ được dùng để tăng qui mô vốn hoạt động, thực hiện các chương trình đầu tư và cơ cấu lại các khoản nợ.
Nguyên nhân là ngày 10/7 (thời điểm trước khi phát hành 2000 trái phiếu thu về 200 tỉ đồng), CII và đối tác đã đàm phán thành công thỏa thuận đầu tư một trong số các dự án của CII.
"Với thành công của việc đàm phán nói trên, có khả năng CII sẽ hủy đợt phát hành trái phiếu với tổng số tiền 800 tỉ đồng hoặc sẽ tiếp tục phát hành nhưng để thực hiện các thương vụ khác", thông báo của CII tại thời điểm đó nêu.
Tính từ ngày 15/6 cho đến ngày 10/7, CII và các đơn vị thành viên đã hoàn tất đàm phán/ký kết hợp đồng một trong số các dự án của doanh nghiệp này để thu hồi số tiền là khoảng 1.120 tỉ đồng. Và ngày 22/7, CII đã có văn bản thông báo đã nhận được 764 tỉ đồng.
Theo thống kê từ báo Đầu tư, trong khoảng 6 tháng đầu năm 2019, CII đã thực hiện khá nhiều đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Riêng trong tháng 6/2019, công ty này đã thực hiện 2 đợt phát hành trái phiếu.
Đợt thứ nhất, Công ty phát hành trái phiếu 1 năm có qui mô 30 tỉ đồng, lãi suất cố định 10%/năm thanh toán vào ngày đáo hạn. Đợt thứ hai, Công ty phát hành trái phiếu 3 năm, qui mô lên tới 300 tỉ đồng, lãi suất thả nổi, với lãi trong 2 kì tính lãi đầu tiên là 11%/năm (mỗi kì 6 tháng). Lãi suất cho mỗi kì tính lãi tiếp theo là lãi suất tham chiếu cộng 3,5%, trong đó, lãi suất tham chiếu là lãi suất tiền gửi kì hạn 12 tháng của Ngân hàng TPBank.
"Tuy nhiên, "điểm nhấn" đáng chú ý nhất của CII trong cuộc chơi với trái phiếu phải kể đến lần phát hành 1.150 tỉ đồng trái phiếu hồi tháng 3/2019, kì hạn 10 năm, lãi suất 7,2%/năm. Đây là đợt phát hành trái phiếu khá chuyên nghiệp được CII thực hiện thông qua tư vấn của Công ty Chứng khoán Techcombank và được GuarantCo bảo lãnh thanh toán.
GuarantCo là công ty dịch vụ bảo lãnh đa quốc gia thuộc PIDG (Private Infrastructure Development Group - PIDG). GuarantCo được tài trợ bởi 5 cường quốc thuộc nhóm G12 là Anh, Australia, Thụy Sỹ, Thụy Điển và Hà Lan. GuarantCo được tổ chức Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm AA- và Moody's xếp hạng A1. Bởi vậy, khi được GuarantCo bảo lãnh thanh toán trái phiếu, trái phiếu đó nghiễm nhiên sẽ có hệ số tín dụng tương đương hệ số của GuarantCo.
Trước đó chưa lâu, hồi tháng 2/2019, CII cũng đã phát hành 370 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 3 năm, lãi suất cố định 9%, trả lãi mỗi năm 1 lần", tờ báo thông tin.
Việc liên tục thực hiện các đợt phát hành trái phiếu đã góp phần đáng kể sự gia tăng vay nợ của doanh nghiệp.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ đã được soát xét 2019 của CII, tính đến 30/6/2019, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này là 19.036 tỉ đồng, tăng 4.478 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm 2019. Trong đó, nợ ngắn hạn là 8.460 tỉ đồng (tăng 1.958 tỉ đồng so với đầu năm 2019) và nợ dài hạn là 10.575,8 tỉ đồng.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của CII tính đến 30/6/2019 là 8.722 tỉ đồng, tương ứng 45,82% tổng nợ phải trả.
Số liệu của Ủy ban Chứng khoán cho biết, có khoảng 60.000 tỉ trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hành trong nửa đầu năm 2019. Còn theo Công ty chứng khoán MB (MBS), con số này khoảng 70.000 tỉ đồng. Trong đó, hơn một phần ba lượng phát hành thuộc về nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Cuộc đua phát hành trái phiếu được đẩy nhanh trong hai năm gần đây, không chỉ gia tăng về qui mô những đợt phát hành, mà mức lãi suất cũng lên cao đột biến. Trong khi phát hành trái phiếu của các nhà băng chỉ dao động quanh ngưỡng 7-8%, thì trái phiếu những doanh nghiệp bất động sản chào lãi suất 11-13%, cá biệt có những đợt phát hành gần 14,5%.
"Các doanh nghiệp chấp nhận chi phí vốn tới 14,5%, chưa kể phí tư vấn phát hành và các khoản phí khác, thì họ phải tạo ra tỉ suất sinh lời cao hơn con số này, hoặc nếu không, vòng xoáy vay nợ phải diễn ra liên tục để có nguồn trả lãi cho trái chủ", một chuyên gia bình luận trên VnExpress và cho rằng, sự sụp đổ dây chuyền "theo kiểu domino" là điều khó tránh, nếu tình trạng này không được kiểm soát.
Nói với VnExpress, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô Công ty chứng khoán BIDV (BSI) cho rằng, lý do khiến các công ty bất động sản đẩy mạnh kênh trái phiếu "tín chấp" này do những quy định phát hành được "nới lỏng" hơn trước (phát hành riêng lẻ) và việc siết vốn kênh tín dụng khiến các công ty phải tìm nguồn thay thế. So với những điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng theo Luật chứng khoán, phát hành dưới hình thức riêng lẻ theo Nghị định 163 có phần "dễ thở" hơn.
"Các chuyên gia cũng nhìn nhận, hình thức này được sử dụng như một cách để "lách" các quy định chặt hơn khi phát hành ra công chúng.
Trong văn bản mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đánh giá làn sóng phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp địa ốc là dấu hiệu của "cơn khát vốn". HoREA cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản, dẫn đến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế.
Báo cáo của MBS cho rằng, những thay đổi như tăng hệ số rủi ro cho vay bất động sản từ 200% lên 250%, giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và áp dụng hệ số rủi ro cao hơn với các khoản vay mua nhà trên 3 tỉ đồng đã trực tiếp ảnh hưởng tới thị trường.
"Các chính sách này sẽ gây ảnh hưởng tới các chủ đầu tư có mức vay nợ cao cũng như nhắm vào thị trường bất động sản cao cấp", báo cáo của MBS viết", VnExpress viết.