Bush 'cha' sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton | |
Người phụ nữ chuyên đóng vai Hillary Clinton là ai |
Trước ngày bầu cử 8/11, hai ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Hillary Clinton sẽ bước vào các vòng tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Đây được coi là ba trận quyết đấu có ý nghĩa quyết định ở chặng cuối của cuộc đua vào Nhà Trắng.
90 phút đối đầu đầu tiên giữa đại diện hai đảng sẽ được tổ chức tại Đại học Hofstra ở Hempstead, bang New York ngày 26/9. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh bà Clinton đang tạm dẫn trước cựu ngôi sao truyền hình thực tế trong hầu hết các cuộc bỏ phiếu thăm dò.
Sau khi gặp sự cố về sức khoẻ, ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton đang chịu áp lực thể hiện sự mạnh mẽ trước đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump trong vòng tranh luận trực tiếp vào tuần tới. Đây có thể là khoảnh khắc tạo nên bước ngoặt cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Các chính trị gia cho rằng, bà Clinton cần thể hiện được khả năng vận hành đất nước trong thời điểm bất ổn và cho thấy sự tương phản đối với đối thủ Trump - người được cho là thiếu kinh nghiệm và chưa qua thử thách. Về phần mình, Trump cần phải thuyết phục những người hoài nghi rằng ông đã sẵn sàng để trở thành người đứng đầu nước Mỹ.
Cơ hội thay đổi cục diện
Lịch sử nước Mỹ cho thấy, chỉ cần một sự thể hiện tồi trong vòng tranh luận này cũng có thể làm thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng.
Lượng khán giả đón xem các buổi tranh luận sắp tới dự kiện đạt mức kỷ lục, dễ dàng vượt qua con số 46,2 triệu gia đình xem cuộc chạm trán đầu tiên giữa Tổng thống Barack Obama và ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney năm 2012.
Cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos thực hiện mới đây cho thấy, khoảng 20% cử tri Mỹ vẫn chưa quyết định ủng hộ ông Trump hay bà Clinton. Con số này cao hơn nhiều so với mức 12% trong kỳ bầu cử cách đây 4 năm.
Ứng viên hai đáng Dân chủ và Cộng hòa cần phải thể hiện hết mình nhưng khéo léo trong các vòng tranh luận trực tiếp vào tuần tới. Ảnh: Reuters |
Anita Dunn, người từng giúp Tổng thống Barack Obama chuẩn bị cho cuộc tranh luận trực tiếp với ứng viên đảng Cộng hòa John McCain năm 2008, nói rằng ông Obama chiến thắng ngay trong buổi tranh luận đầu tiên nhờ liên tục chuyển hướng về vấn đề nền kinh tế Mỹ, dù chủ đề của lần đối mặt trực tiếp đó tập trung vào chính sách ngoại giao.
Anita dự đoán bà Clinton sẽ tìm cách khai thác điểm yếu của Trump và làm nổi bật điểm mạnh của mình trong buổi tranh luận sắp tới.
"Sự tương phản giữa hai ứng viên là điều chúng ta muốn thấy", bà Anita nói.
Theo Reuters, buổi tranh luận sẽ là cơ hội tốt nhất cho hai ứng viên, vốn đang không thể giành trọn vẹn sự tin tưởng từ cử tri, chứng minh mình xứng đáng giành chiến thắng vào ngày 8/11.
Tương tự các kỳ bầu cử trước đây, ngôn ngữ cơ thể của các ứng viên trong các buổi đối đầu trên sóng truyền hình cũng được quan sát kỹ lưỡng.
Brett O'Donnell, người từng hỗ trợ Tổng thống George W. Bush trong cuộc tranh luận năm 2004 và McCain năm 2008, cho biết ông Bush đã quá bất cẩn trong cuộc tranh luận đầu tiên với John Kerry và nhanh chóng bị đẩy vào thế phòng thủ. Sau lần thể hiện không thành công đó, Bush đã nghiêm túc hơn trong những buổi sau.
Cựu ngoại trưởng Clinton từng có một phần thể hiện "run rẩy" trong chương trình Commander-in-Chief do đài NBC tổ chức hôm 7/9 khi được hỏi về bên bối email cá nhân. Hôm 20/9, bà Clinton tuyên bố trên chương trình phát thanh The Steve Harvey Morning Show: "Tôi sẽ làm hết sức để truyền đạt rõ ràng và không sợ hãi khi đối mặt với những lời lăng mạ và tấn công, bắt nạt và cố chấp từ đối thủ".
Ráo riết lên kịch bản
Reuters cho hay, bà Clinton đã dành phần lớn thời gian trong tuần này để chuẩn bị cho vòng tranh luận trực tiếp cùng với các cố vấn hàng đầu tại nhà riêng ở Chappaqua, New York. Theo đội ngũ cố vấn, nữ chính trị gia kỳ cựu đang chuẩn bị cho 2 viễn cảnh: đối thủ Trump có chuẩn bị kỹ lưỡng và nghiêm túc, hoặc ông ta sẽ trả lời theo phong cách tự phát và cố công kích đối thủ như thường lệ.
Tỷ phú Trump dùng mọi chiêu công kích để đánh bật các ứng viên khác trong các buổi tranh luận nội bộ đảng Cộng hòa. Ảnh: Reuters |
Trong các buổi tranh luận với ứng viên nội bộ đảng, tỷ phú Trump đã hạ gục 16 đối thủ bằng các đòn công kích mạnh mẽ. Trump từng gọi Jeb Bush là "thiếu năng lượng", ví Ted Cruz là "kẻ nói dối" và Marco Rubio là "nhỏ bé". Ông cũng nhiều lần gọi bà Clinton là "người hay quanh co"
Theo Chris Collins, nghị sĩ đảng Cộng hòa đại diện bang New York và ủng hộ Trump, ông trùm truyền thông cần thể hiện phong thái của một tổng thống trong các buổi đối đầu sắp tới.
Cựu nghị sĩ đến từ New York, Rick Lazio, nhận định bà Clinton là một đối thủ "khó nhằn". Là người từng đối mặt với nữ ứng viên 68 tuổi trong một cuộc tranh luận tại Thượng viện Mỹ năm 2000, ông khuyên Trump cần thận trọng trước đối thủ. Lazio cũng được xem là người có phong cách giống Trump, nhưng đã thua trong các cuộc tranh luận và bầu cử.
Còn cựu Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Judd Gregg, người từng đối đầu với các ứng viên Al Gore, John Kerry trong cuộc tranh luận năm 2000 và 2004, đánh giá vòng tranh luận trực tiếp đóng vai trò hết sức quan trọng trong tổng tuyển cử. Trước đây, Tổng thống Bush đã chuẩn bị cho quá trình này rất kỹ lưỡng với hai buổi tập/ngày. Ông Gregg cho biết Trump đang tập luyện cho vòng tranh luận chăm chỉ hơn như vậy.
Trong khi đó, một nguồn tin phía đảng Cộng hòa cho hay, giám đốc điều hành của hãng Fox News Roger Ailes hiện là người hướng dẫn Trump luyện tập cho cuộc đối đầu trực diện sắp tới, dù bản thân Trump không muốn chuẩn bị quá kỹ.
Còn Jason Miller, người phát ngôn của tỷ phú New York, nói tỷ phú Trump đang chuẩn bị cho vòng tranh luận nhưng "không có ai đóng vai bà Clinton" để thực hành.