Được ký hợp đồng với Đài phát thanh đã giúp cho Út Bạch Lan tìm được một hướng đi mới cho cuộc đời nghệ thuật của mình. Không còn phải lặn lội những tháng ngày hát rong khắp các ngả đường ở Sài Gòn nữa mà bà đã được đứng trên sân khấu, được ca và được thể hiện nỗi lòng, khả năng vượt trội của mình. Chẳng thế mà chỉ một thời gian ngắn sau đó, Út Bạch Lan đã được mệnh danh là “Đệ nhất đào thương”
Lời căn dặn của Cô Năm Cần Thơ
Sau này, khi đã nổi tiếng, khi mà sự nghiệp của một nghệ sĩ cải lương đã lên đến đỉnh điểm của sự thành công thì Út Bạch Lan vẫn luôn thừa nhận rằng, cuộc đời nghệ thuật của mình thành công được, phần lớn là nhờ vào sự định hướng và lời căn dặn của Cô Năm Cần Thơ.
Dường như cảm mến tài năng thiên bẩm của Út Bạch Lan, ngay trong cái lần đầu tiên ngồi ở một góc nhỏ Chợ Lớn nghe cô bé này ca, Cô Năm Cần Thơ đã khẳng định rằng: Đây sẽ là giọng hát sầu hay nhất miền Nam. Và rồi niềm tin đó đã được chứng minh bằng thời gian sau này, khi mà Út Bạch Lan trở thành “sầu nữ” nổi tiếng và dân miền Nam bất cứ nơi nào cũng biết tới.
Út Bạch Lan là ngôi sao sáng của nghệ thuật cải lương vào thập niên 50 |
Sau khi ký hợp đồng với Đài phát thanh, Cô Năm Cần Thơ dặn dò Út Bạch Lan rằng: Cái nghề ca hoạ cần nhất là ở cái tâm. Hãy hát bằng cảm nhận, cảm xúc, suy nghĩ của mình. Hãy đặt mình vào vị trí của chính nhân vật mình đang thể hiện mà ca, như vậy mới là người hát…
Và rồi, lời căn dặn đó đã như thành một định hướng tư tưởng cho Út Bạch Lan trong suốt quãng đời hoạt động nghệ thuật sau này. Bước lên sân khấu, sau vở dã sử “Đồ Bàn di hận”, người hâm mộ cải lương đã biết đến Út Bạch Lan. Và đến những năm giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, bà đã trở thành một trong những nghệ sĩ có tên tuổi tại miền Nam.
Không ngừng khổ luyện diễn xuất, trau chuốt kỹ thuật ca ngâm, sáng tạo nét mới, Út Bạch Lan đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả qua các vở diễn: Dưới hàng phượng vĩ, Nước mắt kẻ sang Tần, Tình cô gái Huế, Thuyền ra cửa biển, Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Nước chảy qua cầu, Biên Thùy nổi song….
Tiếng tăm của Út ngày càng lan xa, đến năm 1958, nghệ sĩ đã tìm Út Bạch Lan để mời về đoàn hát Kim Chưởng của mình. Suy nghĩ rất nhiều, Út Bạch Lan đã đồng ý vì bà muốn đi hát nhiều hơn, được đứng trên sân khấu nhiều hơn và được cống hiến nhiều hơn cho nghệ thuật cải lương.
Xứng danh “sầu nữ”
Trở thành giọng hát chính của đoàn Kim Chưởng, Út Bạch Lan có những vai xuất sắc qua các vở như Kiều Phi Yến (Nửa bản tình ca), Chiêu Trúc Lệ (Thuyền ra cửa biển)…
Tuy nhiên, giới nghệ thuật cải lương thật sự chấn động với với bài ca cổ "Hoa lan trắng" về cuộc đời của chính Út Bạch Lan do soạn giả Viễn Châu viết riêng cho giọng ca bi ai.
Với những ai am hiểu về nghệ thuật cải lương thì sẽ biết rằng, Út Bạch Lan ca sầu, ca thảm như vậy nó được bắt nguồn bằng cảm xúc thật của chính con người bà, bằng chính những trải nghiệm mà bản thân bà đã trải qua trong cuộc sống.
Út Bạch Lan nổi tiếng nhờ giọng hát rất "sầu" |
Những nhà phân tích nghệ thuật nhận xét rằng, Út Bạch Lan có cách diễn rất thật, rất tự nhiên, và rất cuộc đời. Nếu Hát bội mang tính ước lệ cao, thì Cải Lương lại là môn nghệ thuật rất gần với đời sống thực.
Người nghệ sỹ giỏi là khi bước ra sân khấu phải hát cho thật cho giống cuộc đời, nhưng phải đảm bảo được yếu tố đẹp của nghệ thuật.
Cũng như nhiều nghệ sỹ thời đó, Út Bạch Lan bản thân đã từng trải những thăng trầm của cuộc đời, nên bà đã diễn bằng những gì rất thật, khác với cách diễn theo lối lý thuyết trường lớp của không ít nghệ sỹ Cải Lương thời bây giờ.
Và có lẽ chính nhờ vào giọng hát được xuất phát từ trải nghiệm thương đau của người diễn mà Út Bạch Lan đã ghi lại tên tuổi của mình một cách sâu lắng nhất đối với người nghe.
Cùng thế hệ với những tên tuổi lớn như: Ngọc Hương, Diệu Hiền, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu… Út Bạch Lan chọn cho mình cách sống đơn giản, sau ánh đèn sân khấu là một người phụ nữ bình dị và biết hy sinh.
Và với những ai biết và hiểu Út Bạch Lan thì càng cảm thấy khâm phục bà hơn. Câu chuyện về việc Út Bạch Lan tần tảo nuôi dạy 4 người con riêng của chồng đã trở thành cuốn tiểu thuyết không giấy mực mà bất cứ ai cũng đều cảm thấy một sự trân trọng cao quý…
Còn tiếp