Sáng 10/1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015.
Tại buổi làm việc, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho hay: Điều 71 Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 nêu: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về KTNN thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Còn tại Điều 7 quy định: “Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”.
Cùng với đó, khoản 1 Điều 68 quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước”. Việc không thực hiện các quy định trên đây cần phải được xử lý nghiêm minh để bảo đảm tính răn đe của pháp luật.
Theo Tổng kiểm toán, từ thực tế thực hiện pháp luật về Kiểm toán nhà nước những năm qua, cho thấy đã phát sinh những vi phạm về nghĩa vụ, trách nhiệm hoặc vi phạm quy định về điều cấm của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan như: Cung cấp không đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu; không thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán; cản trở việc kiểm toán; che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, ngân sách...
Chỉ tính riêng năm 2017, có 121 trường hợp không cung cấp tài liệu dẫn tới các Đoàn kiểm toán không thể thực hiện kiểm toán được nội dung theo kế hoạch; nhiều trường hợp chậm cung cấp tài liệu theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước, đặc biệt có trường hợp đơn vị được kiểm toán cố tình cung cấp tài liệu sai sự thật như một số tờ khai hải quan có hiện tượng tẩy xóa giá trị lô hàng nên khi sử dụng tài liệu này Kiểm toán nhà nước không thể so sánh, đánh giá chính xác giá trị của lô hàng giữa giá nhập và giá bán nên đã làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm toán.
Trong thực tế theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán cho thấy, số kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước không được các đơn vị thực hiện còn cao (năm 2015 có 35.7% kiến nghị về tài chính tương ứng số tiền 8.179 tỷ đồng; năm 2016 có 24,4% kiến nghị về tài chính tương ứng số tiền 5.097 tỷ đồng chưa được các đơn vị thực hiện)… làm thất thu ngân sách nhà nước, giảm hiệu quả hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do hệ thống pháp luật về Kiểm toán nhà nước ở nước ta hiện nay chưa đầy đủ và đồng bộ, còn thiếu các quy định về chế tài, trong đó chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước nên không có cơ sở pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm trên của đơn vị được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan mà chủ yếu áp dụng biện pháp nhắc nhở đã làm giảm hiệu lực hoạt động kiểm toán nhà nước nói riêng và tính nghiêm minh của pháp luật nói chung.
Để đáp ứng yêu cầu của luật pháp và thực tiễn, theo Tổng kiểm toán, cần có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước để xóa bỏ “khoảng trống pháp luật” nói trên.
Căn cứ quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, dự thảo Nghị quyết quy định về mức phạt tiền tối đa và giao Chính phủ ban hành Nghị định, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước.