Thương mại điện tử là hình thức kinh doanh trực tuyến sử dụng nền tảng công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của Internet để thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi, thanh toán trực tuyến.
Mô hình kinh doanh thương mại điện tử được xem như một trong những giải pháp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc gia cùng với sự phát triển nhanh chóng của các thành tựu kĩ thuật tiên tiến.
Theo Tạp chí Công thương, báo cáo của Google-Temasek năm 2018, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ bùng nổ vào năm 2025, với doanh thu ở mức 7,5 tỷ USD.
Vai trò của thương mại điện tử cũng dần trở nên quan trọng hơn khi tỷ trọng doanh thu từ thương mại điện tử trên tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước năm 2019 đạt 4,2%, tăng 0,6% so với năm 2018.
Năm 2019, cả nước có 39,9 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, tăng 11,8% so với năm 2018 và tăng gần gấp đôi chỉ sau 3 năm. Giá trị mua sắm trực tuyến bình quân đầu người đạt 202 USD, tăng 8,6%.
Với đa phần là dân số trẻ, Việt Nam nhiều năm liền nằm trong nhóm thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Ngành Bán lẻ vì thế mà có những chuyển đổi mua sắm trực tuyến để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang thay đổi của khách hàng.
Không chỉ với nhu cầu đáp ứng khách hàng, thương mại điện tử còn là động lực phát triển cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Số liệu thông kê từ Tạp chí Công thương, năm 2018, thị trường chứng kiến cuộc đua mạnh mẽ của các kênh bán lẻ online Shopee, Tiki, Lazada, Sendo.
Các ông lớn bán lẻ nước ngoài khi thâm nhập thị trường Việt Nam cũng nhanh chóng thiết lập hệ thống thương mại điện tử riêng như Aeon Mall (Nhật Bản) với website thương mại trực tuyến AeonEshop, Auchan Retail Việt Nam hợp tác chiến lược với Lazada…
Theo Hà Nội mới, năm 2020, thương mại điện tử tại Việt Nam là lĩnh vực hoạt động sôi động nhất trong thị trường kinh tế số dù có bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Trong 10 tháng của năm 2020, tỷ lệ giao dịch hàng hóa qua thương mại điện tử tăng từ 10% đến 30%, có đơn vị tăng 50%.
Diễn biến của thương mại điện tử ngày càng khốc liệt giữa các ông lớn kinh doanh với các khoản đầu tư khổng lồ. Mặt khác đó còn là sự xuất hiện của nhiều công ty công nghệ với các dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp đầu ngành.
Theo số liệu báo cáo Bảng xếp hạng các doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam do iPrice insights cập nhật quý 3/2020 cho thấy Shopee Việt Nam tiếp tục dẫn đầu về lượng truy cập website, đạt trung bình hơn 67 triệu lượt/tháng.
Theo sau lần lượt là Thegioididong với hơn 29 triệu lượt/tháng, Tiki với hơn 22 triệu lượt/tháng, Lazada với hơn 20 triệu lượt/tháng và Điện Máy Xanh với hơn 16 triệu lượt/tháng.
Tuy ngành thương mại điện tử đạt được những hiệu quả bước đầu khi tạo ra hàng ngàn tỉ USD cho kinh tế song khi số lượng các sàn thương mại điện tử tăng nhanh thì việc kiểm quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo Tạp chí Tài chính, việc kiểm soát thông tin về hàng hóa trên các sàn giao dịch và thực tế hàng hóa là vấn đề khó khăn, vì vậy, cơ quan nhà nước khó có thể kiểm soát hết được hàng hoá vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, với 3 loại hình thương mại điện tử là sàn giao dịch, bán hàng trên mạng xã hội và bán hàng trên website, nếu không có kiểm soát tốt thì đây sẽ là mối nguy đối với tình hình gian lận thương mại tại Việt Nam.
Kinh doanh qua mạng xã hội như facebook cũng là một môi trường chưa được kiểm soát hiệu quả, nhất là đối với các mạng xã hội chưa có đại diện pháp luật tại Việt Nam.
Việc giám sát, kiểm tra, quản lý này không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam mà còn có tác động tới quyền lợi của người tiêu dùng. Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng diễn biến phức tạp.
Nhiều trường hợp, hình ảnh hàng hoá là thật nhưng khách lại nhận về hàng giả, hàng nhái. Vi phạm thương mại điện tử cũng diễn ra ngày càng nhiều với các phương thức và thủ đoạn tinh vi.
Thương mại điện tử đang đứng trước nhiều thách thức và cơ hội. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy mục tiêu quốc gia và dự án "Chuyển đổi số Quốc gia" đã được trình Chính phủ với nhiều kỳ vọng đến năm 2025.
Theo Việt Nam & Thế giới, chiến lược đẩy mạnh số hóa được Chính phủ Việt Nam xem là mục tiêu quốc gia và dự án "Chuyển đổi số Quốc gia" đã được trình Chính phủ với nhiều kỳ vọng đến năm 2025, đặt tham vọng: chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia theo WEF thuộc TOP 40 (năm 2020 đạt TOP 50); 50% doanh nghiệp SME chuyển dịch sang nền tảng số (năm 2020 đạt 10%); công nghiệp số đạt ít nhất 25% GDP (năm 2020 đạt 15%); Phát triển ít nhất 80.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.