Happy House: Ngôi nhà Hạnh phúc cho trẻ tự kỷ | |
Giải mã 6 dấu hiệu bất thường của trẻ tự kỷ |
Cần được can thiệp sớm
Nền tảng cơ bản, quan trọng nhất và có chứng cứ khoa học trong điều trị tự kỷ là can thiệp hành vi và giáo dục. |
Tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh phức tạp có biểu hiện lâm sàng là những khiếm khuyết hành vi đặc trưng trong ba lĩnh vực gồm tương tác xã hội; giao tiếp bằng lời và không lời; hành vi, sở thích, hoạt động rập khuôn, lặp đi lặp lại.
Ths.BS Phạm Minh Triết - Trưởng khoa Tâm lý (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết: “Cho đến nay, chưa có phương pháp điều trị cụ thể có thể chữa lành hoàn toàn rối loạn tự kỷ. Nền tảng cơ bản, quan trọng nhất và có chứng cứ khoa học trong điều trị tự kỷ là can thiệp hành vi và giáo dục”.
Nhiều nghiên cứu cho thấy việc can thiệp sớm cho trẻ dưới 36 tháng tuổi có thể cải thiện khả năng phát triển của trẻ tự kỷ. Ở những trẻ có nguy cơ mắc tự kỷ hoặc có các vấn đề về phát triển, can thiệp sớm cũng có thể giúp cải thiện sự phát triển cho dù chưa có chẩn đoán xác định. “Việc phát hiện sớm được xem là cơ hội vàng để trẻ được can thiệp sớm”, bác sĩ Triết nói.
Vị bác sĩ cho biết, hàng năm tại khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 tổng lượt khám khoảng 9.300 trường, trong đó tổng số lượt đánh giá tự kỷ khoảng 2.500 trẻ, tương đương khoảng 1.000 - 1.200 bệnh nhân được chẩn đoán tự kỷ hoặc theo dõi mắc tự kỷ. Khoảng 60% số bệnh nhân tự kỷ đến khám là ở các tỉnh từ Bình Định kéo dài đến Cà Mau.
Số lượng cơ sở y tế có thể đánh giá trẻ tự kỷ còn ít. |
Bác sĩ Triết thông tin thêm, hiện tại số lượng cơ sở y tế có thể đánh giá trẻ tự kỷ còn ít, đặc biệt tại các tỉnh, chỉ vài bệnh viện như Đắk Lắk, Cần Thơ, Đồng Tháp có bác sĩ đến học tại khoa Tâm lý về đánh giá và định hướng can thiệp trẻ tự kỷ. Trong khi đó các bệnh viện tâm thần tỉnh, các bác sĩ có thể đánh giá được trẻ tự kỷ thì người nhà bệnh nhân ít tiếp cận.
Lý do được bác sĩ đưa ra, cha mẹ không nghĩ con mình mắc bệnh liên quan đến tâm thần. Nếu có nghĩ đến thì e ngại quan niệm xã hội còn kỳ thị các bệnh tâm thần. Bên cạnh đó, các bác sĩ tại bệnh viện tâm thần thường quen với việc khám và điều trị cho người lớn nên việc đánh giá tự kỷ ở trẻ nhỏ còn nhiều thách thức.
Một lực lượng khác có thể đánh giá được trẻ tự kỷ là các chuyên viên tâm lý lâm sàng, các giáo viên chuyên ngành giáo dục đặc biệt, chủ yếu tập trung ở các trường chuyên hoặc phòng khám tâm lý tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, phụ huynh thường ít đưa trẻ đến các cơ sở trên để được đánh giá.
Không chấp nhận con bị tự kỷ
Phụ huynh thường có khuynh hướng đưa trẻ đi nhiều cơ sở khác nhau để so sánh kết quả đánh giá. |
Bác sĩ Triết thông tin, ngay cả khi tiếp cận được nơi có nhân lực có thể đánh giá trẻ tự kỷ thì có thể bệnh nhân vẫn không được đánh giá và can thiệp phù hợp. Một trường hợp được chẩn đoán xác định tự kỷ, nếu thực hiện đầy đủ theo qui trình theo đề nghị của các chuyên gia nước ngoài có nhiều kinh nghiệm cần ít nhất hai ngày.
Trên thực tế tại khoa Tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 1 việc đánh giá mỗi lần chỉ có thể kéo dài tối đa 30 phút. Ở những cơ sở có thời gian khám ít hoặc không sử dụng các công cụ, chất lượng chẩn đoán có thể bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, việc chuẩn đoán tự kỷ giữa các cơ sở y tế với nhau, tâm lý và giáo dục còn nhiều khác biệt. Phụ huynh thường có khuynh hướng đưa trẻ đi nhiều cơ sở khác nhau để được đánh giá, việc đưa ra chẩn đoán khác nhau giữa các cơ sở không phải là điều hiếm gặp.
Nguyên nhân hoạt động đào tạo chẩn đoán tự kỷ không được hướng dẫn trong chương trình học chính quy, chủ yếu học từ chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện ở dạng hợp tác.
Tại bệnh viện Nhi Đồng 1 vẫn có không ít những trường hợp đã được chẩn đoán theo dõi tự kỷ nhưng đến vài năm sau mới trẻ mới được can thiệp phù hợp. Một trong những lý do thường gặp là phụ huynh cho con được điều trị hoặc can thiệp ở nơi mà trẻ được chẩn đoán là không mắc tự kỷ.
Do đó, cần có một qui trình đánh giá tự kỷ thống nhất bắt buộc áp dụng tại tất cả các cơ sở có thực hiện công tác chẩn đoán. Bác sĩ Triết nêu ví dụ, nếu trẻ được bác sĩ ở tuyến cơ sở nhận thấy có dấu hiệu nghi ngờ tự kỷ, cho dù chưa có chẩn đoán chắc chắn, trẻ vẫn nên được can thiệp sớm, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đồng thời trẻ sẽ được giới thiệu lên các cơ sở có nhiều chuyên gia kinh nghiệm để đánh giá lại.
Một giải pháp khác, được bác sĩ Triết đưa ra, kết hợp song song với mô hình chương trình quốc gia như chương trình sốt xuất huyết, chương trình sức khỏe sinh sản để phát hiện ra những trẻ bị bất thường sớm.
Ngoài ra, sự tham gia của cộng đồng giúp mọi người có cái nhìn chính xác và khách quan hơn về tự kỷ. Nhận thức không phù hợp của cộng đồng về tự kỷ có thể đưa đến những tác động tiêu cực cho trẻ và phụ huynh như bị kỳ thị, can thiệp không phù hợp hoặc làm phụ huynh rơi vào trạng thái tâm lý phòng vệ, từ chối chẩn đoán và cung cấp thông tin sai lệch về trình trạng của trẻ. Điều này khiến công tác chẩn đoán gặp nhiều khó khăn.