Cơ hội xâm nhập sâu rộng thị trường EU từ EVFTA bắt đầu rõ nét

Kết quả ban đầu cho thấy, sau hơn một tháng triển khai Hiệp định EVFTA, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thủy sản, rau quả đã kí được những đơn hàng xuất khẩu vào EU theo ưu đãi của hiệp định này.

Ngày 25/9, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM tổ chức hội thảo Tận dụng EVFTA trong bối cảnh Covid-19: Cơ hội và thách thức cho ngành nông nghiệp, dệt may, da giày.

Tại hội thảo, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho biết hiện Việt Nam đã tham gia đàm phán và kí kết 16 hiệp định thương mại (FTA), trong đó có 13 FTA đã có hiệu lực và 3 FTA đang đàm phán. Đặc biệt, có FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn và chất lượng rất cao là CPTPP và EVFTA.

Với EVFTA, EU là nhà đầu tư, đối tác thương mại truyền thống trong hơn 30 năm qua của TP HCM. Hiện EU là thị trường xuất siêu truyền thống của TP HCM, đồng thời là đối tác xuất khẩu thứ ba và đối tác nhập thứ hai của TP HCM.

Theo báo cáo của Trung tâm hội nhập quốc tế TP HCM, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của TP HCM sang EU đạt 5 tỉ USD, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP HCM; kim ngạch nhập khẩu từ EU đạt 3,6 tỉ USD. 

Trong 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,7 tỉ USD và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,5 tỉ USD. Nhập khẩu từ châu Âu vẫn duy trì ở mức ổn định, xuất khẩu có xu hƣớng tăng nhẹ. Trong đó, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vẫn là ngành dệt may, giày dép.

"Việc thực thi hiệp định EVFTA được kì vọng sẽ là cú hích giúp TP HCM và EU tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư. Nhất là trong điều kiện Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng đang có sự kiểm soát dịch bệnh tốt, là môi trường lí tưởng và an toàn cho các nhà đầu tư EU", ông Bình An nhấn mạnh.

Cơ hội của ngành nông nghiệp, dệt may, da giày từ EVFTA bắt đầu rõ nét - Ảnh 1.

Hội thảo Tận dụng EVFTA trong bối cảnh COVID-19: Cơ hội và thách thức cho ngành nông nghiệp, dệt may, da giày diễn ra ngày 25/9. (Ảnh: Như Huỳnh).

Gạo, thuỷ sản và rau quả có lợi thế sau EVFTA

Trong khi đó, GS TS. Võ Thanh Thu, Giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM, thông tin trước khi có Hiệp định EVFTA, EU đã là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam nhưng giá trị xuất khẩu của nhóm hàng nông lâm thủy sản xuất vào thị trường này còn rất khiêm tốn.

Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA có hiệu lực với các điều khoản cam kết về mở cửa thị trường nông sản với gần 100% dòng thuế được cắt bỏ. Trong đó, phần lớn được cắt bỏ trong lộ trình ngắn đã tạo cơ hội lớn để nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn, chiếm thị phần lớn hơn tại EU.

Đơn cử, với mặt hàng gạo, trước đây gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU chịu thuế rất cao trên 65 EUR/tấn, nhưng ngay từ 1/8/2020 EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo với mức thuế 0%. Riêng với mặt hàng tấm không bị áp hạn ngạch và cũng được xóa bỏ thuế hoàn toàn sau 5 năm.

Kết quả ban đầu cho thấy, sau hơn 1 tháng triển khai Hiệp định EVFTA, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã kí được những đơn hàng xuất khẩu gạo thơm, có giá trị cao hơn vào EU. Việc này cũng lan tỏa tín hiệu tích cực đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam cả về lượng và giá.

Tương tự, thủy sản cũng là nhóm hàng chịu mức thuế khá cao (từ 6-22%) khi xuất khẩu vào EU khi chưa có Hiệp định EVFTA. 

Tuy nhiên, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, hơn 50% số dòng thuế thủy sản đã được cắt giảm. Với mặt hàng cá ngừ EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 11.500 tấn/năm với thuế suất 0%, hạn ngạch này cao gấp 3 lần sản lượng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vào EU hiện nay.

Đặc biệt hơn, một trong những nhóm hàng xuất khẩu mới nổi của Việt Nam là rau, quả tươi cũng được cắt giảm ngay 94% số dòng thuế và không áp dụng hạn ngạch khi xuất vào EU nhờ Hiệp định EVFTA.

Các chuyên gia cho rằng dư địa thị trường cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam tại EU còn rất lớn nhưng để khai thác được tiềm năng đó, phải cải thiện năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt. 

Tiến sĩ Từ Minh Thiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến phân tích, để xâm nhập vào EU hiệu quả, ngành nông nghiệp Việt Nam cần giải quyết được ba vấn đề chính là xây dựng chuỗi cung ứng nông sản; thúc đẩy ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch và ứng dụng số hóa trong sản xuất - kinh doanh nông sản.

Cơ hội của ngành nông nghiệp, dệt may, da giày từ EVFTA bắt đầu rõ nét - Ảnh 2.

EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo với mức thuế 0%. (Ảnh: Như Huỳnh).

Cụ thể, để hình thành được chuỗi cung ứng nông sản phải có sự chuẩn bị về tổ chức sản xuất, vốn, nhân lực, công nghệ - kĩ thuật, đất đai, chính sách và thị trường. 

Trong khi đó, với ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch cần bắt đầu bằng việc xây dựng các trung tâm chế biến và bảo quản nông sản ngay tại vùng nguyên liệu hoặc chợ đầu mối để giảm thiểu thất thoát, hư hỏng trong quá trình vận chuyển nông sản tươi.

“Việc ứng dụng số hóa không chỉ dành cho các doanh nghiệp công nghệ mà có thể đẩy mạnh cho cả hoạt động sản xuất nông nghiệp. Với việc số hóa thông tin, dữ liệu, người trồng có thể kiểm soát được qui trình sản xuất, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, một trong nhứng yêu cầu bắt buộc đối với nông sản, hàng hóa xuất khẩu sang EU.

Về tổng thể, cơ quan quản lí cần phát triển đa dạng hạ tầng thương mại cho nông sản, đồng bộ cả chuỗi cung - cầu giao ngay, giao dịch theo hợp đồng và thị trường giao sau để giúp dự báo thị trường tốt hơn”, Tiến sĩ Từ Minh Thiện nêu giải pháp.

Còn theo Trung tâm hội nhập quốc tế TP HCM, thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả những lợi ích của EVFTA, TP HCM sẽ tăng cường tập huấn chuyên sâu về EVFTA cho từng nhóm doanh nghiệp, không dàn trải mà tập trung vào vấn đề doanh nghiệp cần như về qui tắc xuất xứ hàng hóa. 

TP HCM cũng sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các thương vụ, tham tán thương mại tiếp tục hỗ trợ về thông tin thị trường các nước thành viên EU để hỗ trợ xúc tiến thương mại cho gần 20.000 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn TP HCM.

Đặc biệt, do TP HCM là cửa ngõ xuất nhập khẩu với thị trường châu Âu của cả khu vực phía Nam. Do đó, chiến lược của TP HCM là phát triển các dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu phát triển về hạ tầng logictis, để cùng với các tỉnh đưa hàng hóa vào châu Âu nhanh hơn với chi phí thấp hơn.

chọn
Ông lớn bất động sản Thái Bình sắp làm khu công nghiệp đầu tay ở Hà Tĩnh
Dragon Group được biết đến là hệ sinh thái đa ngành sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn ở Thái Bình. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm KCN Gia Lách mở rộng 194 ha tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh.