Những ngày cuối cùng của năm 2019, giữa nhiều biến động của thị trường bán lẻ, Lotte tuyên bố đóng cửa trang thương mại điện tử Lotte.vn ngay đầu năm 2020. Công ty sở hữu chuỗi siêu thị Lotte Mart sẽ tiếp nhận Lotte.vn, sáp nhập vào Speedl.vn - một trang thương mại điện tử cũng thuộc Lotte Mart.
Tập đoàn Lotte sẽ hợp nhất 2 trang thương mại điện tử trên thành một, để phù hợp xu thế bán lẻ truyền thống và trực tuyến. Đây được xem là sự kiện đáng chú ý của ông lớn bán lẻ Hàn Quốc kể từ khi có mặt tại Việt Nam hơn một thập kỉ qua.
Công ty CP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam (Lotte Mart) trực thuộc Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc chính thức có mặt tại Việt Nam vào cuối năm 2008. Lotte được xem là một trong những đại gia ngoại có mặt rất sớm tại Việt Nam, nhắm đến thị trường bán lẻ.
Trung tâm thương mại Lotte Mart đầu tiên đặt tại quận 7, TP HCM. Thời điểm đó, Lotte Mart cho biết đã đầu tư tổng cộng 75 triệu USD cho trung tâm thương mại này.
Mô hình kinh doanh của Lotte Mart cũng hoàn toàn khác biệt so với các điểm kinh doanh bán lẻ hiện đại như siêu thị của Việt Nam. Mức độ đầu tư của Lotte cho trung tâm này thuộc dạng "oách" với khuôn viên rộng đến 3,1 ha, quy mô gồm 3 tầng.
Ngoài mặt hàng quen thuộc ở các siêu thị tổng hợp giống như các siêu thị Việt Nam, trung tâm thương mại của Lotte Mart còn đáp ứng các nhu cầu khác của người tiêu dùng như khu trò chơi, rạp chiếu phim, dịch vụ ăn uống… cùng một loạt điểm mạnh của một nhà bán lẻ Hàn Quốc là nhân sâm, rượu nhân sâm, kim chi, rượu Shochu…
Tại thời điểm thành lập, Lotte Mart tuyên bố sẽ có tổng cộng 30 siêu thị sau đúng 10 năm có mặt, khi nhìn thấy "miếng bánh" bán lẻ tại Việt Nam rất nhiều tiềm năng.
Đến cuối năm 2018, tổng số siêu thị, trung tâm thương mại của Lotte Mart trên cả nước chỉ mới dừng ở con số 13, chưa đạt một nửa so với mục tiêu. Bước sang năm nay, Lotte Mart mới có thêm 1 trung tâm mới hoạt động, nâng tổng số điểm siêu thị tại Việt Nam lên con số 14.
Về phân bổ, hệ thống 14 siêu thị của nhà bán lẻ Hàn Quốc Lotte Mart đang tập trung chủ yếu tại TP HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ.
Như vậy, Lotte Mart đã lỡ hẹn kế hoạch mở rộng điểm kinh doanh tại Việt Nam, thậm chí quá cột mốc 10 năm nhưng vẫn chưa đạt được một nửa mục tiêu so với kì vọng.
Thực tế tại Việt Nam, Lotte Mart không chỉ hoạt động dưới hình thức siêu thị, trung tâm thương mại mà còn một loạt mô hình kinh doanh khác ít ai biết đến.
Năm 2017, Lotte Mart cho ra mắt ứng dụng di động Speed L, với mục đích phục vụ nhu cầu mua sắm đa dạng và tiện lợi cho khách hàng. Đây cũng là ứng dụng mà Lotte Mart dự định sẽ hợp nhất với sàn thương mại điện tử Lotte.vn sẽ đóng cửa vào đầu năm sau.
Nguyên nhân hiện cả sàn "anh em" này đang hoạt động dưới 2 công ty khác nhau. Ứng dụng di động Speed L trực thuộc Lotte Mart, còn Lotte.vn là sản phẩm của Công ty Vietnam E-commerce - công ty con phụ trách mảng thương mại điện tử trực thuộc Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc). Cả 2 sàn đều cung ứng chủ yếu các sản phẩm được bán tại hệ thống siêu thị Lotte Mart.
Sau 1 năm ứng dụng Speed L có mặt, năm ngoái, Lotte Mart cũng cho ra mắt thêm các cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu Speed L. Theo giới thiệu, điểm khác biệt để cạnh tranh của cửa hàng này so với hàng nghìn cửa hàng tiện lợi khác, là cung cấp bữa ăn dinh dưỡng tiết kiệm, đảm bảo sức khỏe.
Website của Speed L giới thiệu, các cửa hàng tiện lợi này lại có cùng địa chỉ hoạt động với các siêu thị, trung tâm thương mại Lotte Mart.
Ngoài ra, tại các điểm kinh doanh bán lẻ của Lotte Mart hiện nay còn có kinh doanh các sản phẩm mang nhãn hiệu Choice L, đây là các nhãn hàng riêng của Lotte tại thị trường Việt Nam.
Đại gia bán lẻ Hàn Quốc tự nhận mình là "chuỗi siêu thị quốc tế tiên phong trong ngành bán lẻ", luôn đặt triết lí quan tâm hàng đầu đến khách hàng, và lấy khách hàng làm trọng tâm nên có nhiều mô hình cho người tiêu dùng lựa chọn.
Nhận định này của Lotte Mart được đưa ra sau khi tập đoàn tuyên bố đóng sàn thương mại điện tử Lotte.vn, nhằm khẳng định lại những bước đi và thành tựu của Lotte có mặt tại Việt Nam sau hơn 1 thập kỉ hoạt động.
Tuy nhiên, các mô hình bán lẻ mới nằm trong hệ sinh thái của Lotte Mart hầu như khá mờ nhạt, ít được nhiều người biết đến. Trong khi đó, nhắc đến tên tuổi của nhà bán lẻ này, người tiêu dùng Việt Nam chỉ nghĩ đến siêu thị Lotte Mart. Thực tế, khá nhiều siêu thị Lotte Mart lại không có được lượng khách hàng đông đảo so với các siêu thị mới ra mắt sau này ở Việt Nam.
Không chỉ lỡ hẹn mục tiêu về tốc độ mở rộng siêu thị, trung tâm thương mại, các mô hình bán lẻ mới không tạo nhiều dấu ấn, mà kết quả kinh doanh của Lotte Mart tại thị trường Việt Nam cũng không nhiều khả quan, thậm chí đang lỗ.
Một báo cáo vào giữa năm ngoái, do Giám đốc Tài chính của Lotte Mart - ông Jeong Seong Won công bố, cho biết đến cuối năm 2017, mảng kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam đang lỗ lũy kế 800 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm đó khoảng 1.600 tỉ đồng.
Đáng chú ý, dù lỗ lũy kế đến 800 tỉ đồng, nhưng doanh thu của Lotte Mart tăng trưởng đều đặn hàng năm. Cụ thể, năm 2015, Lotte Mart đạt 4.191 tỉ đồng doanh thu, năm 2016 tăng lên thành 5.072 tỉ đồng và năm 2017 là 5.268 tỉ.
Giải thích về khoản lỗ này, ông Jeong Seong Won cho rằng một số dự án của công ty chưa đạt được hiệu quả theo kế hoạch. Trong khi để có được 13 trung tâm thương mại, tính đến cuối năm 2018, Lotte Mart đã "đốt" 8.913 tỉ đồng, con số này lũy kế đến hết năm nay đã tăng cao hơn bởi có 1 trung tâm mới vừa đi vào hoạt động.
Đại diện Lotte cho rằng số trung tâm hoạt động hiệu quả hiện vẫn chưa thể bù cho được các trung tâm còn lại và chi phí đã đầu tư.
"Trên thực tế khi mỗi trung tâm thương mại hoặc đại siêu thị mới đi vào hoạt động thì cần 5-8 năm kể từ ngày khai trương, mới có thể hòa vốn", Giám đốc tài chính Lotte Việt Nam giải thích.
Song song đầu tư xây mới, chính Lotte Mart cũng thừa nhận doanh nghiệp phải chi nhiều cho các hoạt động khuyến mãi, quảng cáo, ưu đãi… bởi bán lẻ tại Việt Nam không dễ ăn, phải cùng lúc cạnh tranh gay gắt với nhiều tay chơi.