Có nên cho người nước ngoài sở hữu BĐS du lịch?

Theo TS Sử Ngọc Khương, việc bán BĐS cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là một hình thức xuất khẩu BĐS tại chỗ. Người nước ngoài sở hữu căn hộ du lịch hay nhà ở tại Việt Nam thì tài sản vẫn nằm ở Việt Nam.
Cho phép người nước ngoài sở hữu BĐS du lịch tại Việt Nam: Nên hay không nên? - Ảnh 1.

Bộ Xây dựng đề xuất cho người nước ngoài mua bất động sản du lịch. (Ảnh: Báo Khánh Hòa)

Tại cuộc họp báo mới đây, Bộ Xây dựng đưa ra một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS).

Trong đó, có nội dung sửa đổi, bổ sung Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng tăng số lượng nhà ở do tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu trong mỗi một toà nhà chung cư và cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các BĐS du lịch tại Việt Nam.

Liên quan đến đề xuất này, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng đây là việc nên làm. 

Bởi xét về mặt địa lí, Việt Nam có thế mạnh đường bờ biển dài 2.500 km, có tiềm năng du lịch, cho thuê, nghỉ dưỡng rất lớn và cần được khai thác triệt để. 

Vì vậy, theo ông Khương, việc bán BĐS cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là một hình thức xuất khẩu BĐS tại chỗ, việc người nước ngoài sở hữu căn hộ du lịch hay căn nhà tại Việt Nam thì tài sản vẫn nằm ở Việt Nam. 

Không những thế, việc sở hữu BĐS tại Việt Nam còn tăng thêm chi tiêu tiêu dùng, dòng tiền ngoại hối đổ về các lĩnh vực kinh tế khác như du lịch, dịch vụ, tài chính cũng tốt theo.

Trong khi đó, xu thế về việc nhận nguồn đầu tư từ nước ngoài cho các sản phẩm du lịch đã và đang được triển khai khá hiệu quả ở các nước lân cận trong khu vực như Thái Lan, Singapore,...

Vị chuyên gia này cũng chỉ ra ba điểm then chốt để đảm bảo việc hiện thực hóa chủ trương này của Nhà nước trong việc khuyến khích người nước ngoài đầu tư vào BĐS du lịch.

Thứ nhất, đó là sự phát triển và đồng bộ của bản thân ngành du lịch tại Việt Nam. Ngành du lịch cần phải phát triển và hết sức hấp dẫn để khi nhà đầu tư đang cân nhắc chi tiền cho một căn hộ hay villa thì sẽ thu lại được lợi nhuận trên nhiều năm thay vì nhà đầu tư chỉ quan tâm đến lợi nhuận. 

"Do đó ngành du lịch đóng vai trò rất quan trọng và chúng ta phải chứng tỏ được những lợi thế của Việt Nam một cách triệt để", ông Khương khẳng định.

Vấn đề thứ hai là về giấy tờ thủ tục pháp lí. Phải gỡ bỏ những rào cản, cho phép những dự án BĐS du lich được thực thi, tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, từ đó thu hút không chỉ BĐS nhà ở mà còn là nguồn đầu tư nước ngoài vào các loại hình dịch vụ, kinh doanh, sản xuất...

Vấn đề cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó chính là việc đảm bảo yếu tố an ninh quốc phòng, trong việc sắp xếp các dự án này ở những vị trí không gây tác động đến an ninh quốc phòng như gần các căn cứ quân sự, khu vực chính trị...

Số liệu Bộ Xây dựng tổng hợp từ 54/63 UBND có báo cáo số liệu, quí II/2020 có 92 dự án với 6.300 căn hộ du lịch (condotel), 197 biệt thự du lịch (resort villa) và 46 căn văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) được cấp phép.

Những địa phương trọng điểm về cấp mới dự án du lịch nghỉ dưỡng lớn là Khánh Hòa (3 dự án), Phú Yên (2 dự án).

Bên cạnh đó, quí II, có 91 dự án với 19.878 căn condotel và 8.407 căn biệt thự du lịch đang được triển khai xây dựng.

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.