Học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm diễn ra phổ biến. (Ảnh: Tri thức trực tuyến) |
Mới đây, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đề xuất sửa quy định trong Luật Giao thông đường bộ đối với xe đạp điện.
Cụ thể đề xuất coi xe đạp điện là phương tiện cơ giới để quản lý phương tiện cũng như lưu thông nhằm hạn chế tai nạn giao thông từ loại hình này.
Theo ông Cục trưởng Cục Đăng kiểm Trần Kỳ Hình, hiện trong Luật Giao thông đường bộ, xe đạp điện chỉ là xe thô sơ.
Loại phương tiện này không phải đăng ký như xe máy hay xe máy điện. Do không phải đăng ký nên thực tế có nhiều xe không đảm bảo chất lượng vẫn tham gia giao thông.
Đáng chú ý là theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có hơn 310.000 xe đạp điện được cấp chứng nhận tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, một thực tế là số lượng xe đạp điện lớn hơn nhiều bởi có tình trạng lắp ráp, nhập khẩu chui.
Xe đạp điện cũng có một số tiêu chuẩn cơ bản như nặng không quá 40kg, có bàn đạp, vận tốc không quá 25km/h và công suất ắc quy không quá 250W.
Trở lại với đề xuất của Cục Đăng kiểm về việc quy định xe đạp điện là phương tiện cơ giới.
Điều này xuất phát từ thực tế xe đạp điện đang lưu thông trên đường của xe cơ giới, không khác xe máy và có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.
Điều kiện kinh tế ngày phát triển, chúng ta có thể bắt gặp xe đạp điện ở bất kể đâu, từ thành thị đến nông thôn. Đặc biệt, người sử dụng xe đạp điện thường là cao tuổi hoặc học sinh.
Giờ đến trường hay tan học, cảnh học sinh dàn hàng chạy xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm có thể gặp ở bất cứ đâu.
Và thực tế, theo Ban ATGT các địa phương, từ đầu năm 2018 đến nay có hàng chục vụ TNGT liên quan đến xe đạp điện, có trường hợp tử vong.
Được biết, nếu như quy định xe đạp điện là phương tiện cơ giới thì đồng nghĩa với việc thay đổi cách quản lý, người điều khiển sẽ phải tuân thủ quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm...
Thực hư đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn gấp 5 lần, lên hơn 2 tỉ đô |
Liên quan đến đề xuất coi xe đạp điện là phương tiện cơ giới, theo TS Phạm Sanh, giảng viên ĐH GTVT TP HCM cho rằng vấn đề đầu tiên là cần xác định đề xuất dựa trên nhu cầu quản lý hay yếu tố an toàn.
Thứ hai, theo TS Sanh là cần phải phân tích tác động của đề xuất. Cụ thể là nếu được thông qua thì được gì, công tác quản lý ra sao?
"Thực tế, vấn đề xe đạp điện nên quản lý về mặt giao thông. Cần có quy định riêng, hạ tầng riêng... cho loại phương tiện này thay vì bắt buộc phải đăng ký, đăng kiểm", TS Sanh nói.
Theo ông Sanh, về tình trạng chất lượng xe đạp điện nên kiểm soát từ phía nhà sản xuất.
Và trên thực tế, đây là phạm vi quản lý của Bộ Công thương, chỉ có số ít tiêu chuẩn sản phẩm liên quan đến Bộ GTVT.
TS Sanh cũng cho rằng, nếu lo ngại xe đạp điện gây tai nạn nhiều thì cần nghiên cứu điều chỉnh luật thay vì coi đây là đối tượng phải được đăng kiểm.
Cũng liên quan đến đề xuất trên, trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia giao thông khác cho rằng đối với đối tượng là học sinh sử dụng xe đạp điện, cần có sự tuyên truyền từ phía nhà trường, phụ huynh và chính bản thân các em.
"Năm 2007, chúng ta bắt đầu phạt người đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường.
Thời gian đầu, việc chấp hành khó khăn tuy nhiên hiện đi trên trường, trường hợp không đội mũ bảo hiểm là hiếm.
Điều này đã hình thành thói quen đối với người điều khiển phương tiện. Với xe đạp điện cũng tương tự, chúng ta có thể nghiên cứu chế tài, quy tắc thay vì coi đây là phương tiện cơ giới để quản lý", vị này nói.
Theo chuyên gia giao thông trên, ngoài vấn đề kiểm soát chất lượng xe đạp điện, lực lượng chức năng cần nghiên cứu chế tài xử lý xe đạp điện tự chế, xe "độ"...
"Thực tế, có nhiều xe đạp điện tốc độ trên 25km vẫn lưu thông trên thị trường", vị chuyên gia thông tin thêm.
Trong dự thảo tờ trình đề nghị Đề nghị xây dựng Luật giao thông đường bộ thay thế Luật giao thông đường bộ năm 2008, Bộ GTVT có đề cập đến việc quy định việc có chứng chỉ pháp luật giao thông đường bộ đối với người điều khiển một số loại phương tiện như xe máy điện, xe đạp điện…
Dự thảo đề cương Luật Giao thông đường bộ cũng có quy định về việc xem xét độ tuổi của người điều khiển xe máy điện, xe đạp điện; điều kiện để điều khiển (có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật). |
'Grab sẽ là đơn vị kinh doanh vận tải'?
Trong báo cáo thẩm định về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị đinh 86, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ GTVT làm rõ việc ... |