Bộ Tư pháp đề nghị làm rõ bản chất của Grab. (Ảnh minh họa: Grab Việt Nam) |
Liên quan đến việc Bộ GTVT có tờ trình Chính phủ về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, thời gan gần đây, nhiều đơn vị taxi truyền thống đã lên tiếng phản đối.
Một nội dung đáng chú ý mà các đơn vị taxi truyền thống đưa ra là cần đưa xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm vào loại hình taxi.
Điều này đồng nghĩa với việc Grab cũng là taxi và chịu những điều kiện kinh doanh tương tự.
Liên quan đến vấn đề "định nghĩa taxi công nghệ", Bộ Tư pháp từng góp ý rằng quy định trong Dự thảo không rõ đơn vị cung cấp phần mềm có phải là đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô hay không.
"Trường hợp xác định đơn vị cung cấp phần mềm tham gia thực hiện một số công đoạn như điều hành phương tiện, lái xe, quyết định giá cước vận tải là đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì cần quy định rõ các đơn vị này là đơn vị kinh doanh vận tải tại khoản 4 Điều 16 dự thảo Nghị định và các đơn vị này phải tuân thủ điều kiện về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô", Bộ Tư pháp góp ý.
Cũng theo đơn vị này, trường hợp không xác định đơn vị cung cấp phần mềm tham gia thực hiện một số công đoạn như điều hành phương tiện, lái xe, quyết định giá cước vận tải là đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì việc quy định các đơn vị này phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là chưa hợp lý.
Theo Bộ Tư pháp, trong trường hợp này, việc áp dụng các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đối với dịch vụ ứng dụng kết nối là không hợp lý, gây chồng chéo về trách nhiệm và nghĩa vụ đối với hành khách của các bên tham gia cung cấp dịch vụ (doanh nghiệp và hợp tác xã vận tải với đơn vị cung cấp phần mềm).
"Ngoài ra, cần làm rõ điều hành phương tiện, lái xe, quyết định giá cước vận tải là như thế nào để tránh gây tranh cãi trên thực tiễn", Bộ Tư pháp cho hay.
Bộ này cũng nhận định, trong xu hướng chuyên nghiệp hóa của các doanh nghiệp, tập trung đầu tư vào một hoặc một số công đoạn trong chuỗi giá trị thì việc các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô liên kết, chia sẻ công đoạn kinh doanh với các đơn vị cung cấp phần mềm là điều không tránh khỏi.
Bộ Tư pháp nhất trí với việc bổ sung quy định để quản lý các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe taxi đã ứng dụng phần mềm điều hành thay thế cho phương pháp điều hành truyền thống (sử dụng bộ đàm).
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới công tác quản lý, điều hành xe taxi nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng hiệu quả kinh doanh và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
"Tuy nhiên, đề nghị cần nghiên cứu làm rõ thêm về bản chất của các loại hình vận tải ứng dụng phần mềm Grab... để có quy định quản lý cho phù hợp, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh công khai, công bằng, minh bạch.
Trên cơ sở đó, cần có quy định phân định rõ trách nhiệm giữa đơn vị cung cấp phần mềm và đơn vị vận tải trong quá trình cung cấp dịch vụ vận tải cho khách hàng, trách nhiệm với cơ quan nhà nước, trách nhiệm về thuế và trách nhiệm đối với hành khách", Bộ Tư pháp góp ý.
(Ảnh minh họa: Grab Việt Nam). |
Theo Bộ GTVT, Dự thảo có đưa ra định nghĩa về kinh doanh doanh vận tải nhằm mục đích phân định rõ ràng khi nào thì các chủ thể tham gia vào các quá trình vận tải phải được coi là đơn vị kinh doanh vận tải và phải chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.
"Quy định này cũng là cơ sở để xác định các đơn vị như Uber, Grab có phải là đơn vị kinh doanh vận tải hay là đơn vị công nghệ.
Đây là nội dung gây tranh cãi trong suốt thời gian vừa qua", Bộ GTVT cho hay.
Cụ thể, theo Dự thảo Nghị định ngày 31/7/2017: "Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải".
Theo Bộ GTVT, với định nghĩa trên thì các đơn vị như Grab nếu sử dụng phần mềm để phục vụ chung cho các đơn vị kinh doanh vận tải, thực hiện điều hành các phương tiện kinh doanh vận tải để vận chuyển hành khách (quyết định phương tiện nào sẽ thực hiện đón khách), quyết định giá cước vận tải thì phải là đơn vị kinh doanh vận tải.
Trường hợp các đơn vị phần mềm này bán hoặc cung cấp dịch vụ ứng dụng phần mềm cho các đơn vị kinh doanh vận tải, các đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng phần mềm để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, điều hành phương tiện của mình để đón trả khách, quyết định giá cước thì khi đó các đơn vị phần mềm là các đơn vị cung ứng dịch vụ công nghệ.
"Bộ GTVT đã tiếp thu và sửa đổi khoản 1 Điều 3, khoản 4 Điều 16 của dự thảo Nghị định", bộ này cho biết thêm.
Được biết, theo khoản 4 Điều 16 Dự thảo Nghị định: "Đơn vị cung cấp phần mềm để thực hiện hợp đồng vận tải điện tử phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử và các pháp luật có liên quan.
Trường hợp trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa hoặc quyết định giá cước vận tải thì là đơn vị kinh doanh vận tải và phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Nghị định này".
Thất bại khi đề xuất Grab 'chơi chung sân', taxi truyền thống tiếp tục kêu cứu
Taxi truyền thống cho rằng xe kinh doanh dưới 9 chỗ dùng phần mềm phải là taxi và tiếp tục gửi đơn kêu cứu. |