Cơ ngơi nghìn tỷ của ‘quái kiệt vùng than’ Đỗ Thành Trung - chủ doanh nghiệp lấp biển vịnh Bái Tử Long

Phương Đông, chủ đầu tư dự án vừa bị UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) xử phạt vì trộm đổ đất lấn chiếm 16.000 m2 biển, gây chú ý bởi hệ sinh thái trị giá hàng nghìn tỷ đồng của đại gia vùng than đứng sau.
Tiềm lực của ‘quái kiệt vùng than’ Đỗ Thành Trung đứng sau dự án lấn biển ở Vân Đồn - Ảnh 1.

Dự án Phương Đồng tại Vân Đồn. Ảnh: VietnamPropertyForum.

Dự án lấn 16.000 m2 biển Vân Đồn: Từ doanh nghiệp xây cầu Thăng Long về tay "quái kiệt vùng than" Đỗ Thành Trung

UBND huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh mới đây đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Đầu tư xây dựng Đô thị Phương Đông vì hành vi đổ trộm đất đá, lấp biển khu vực vịnh Bái Tử Long tại dự án Khu đô thị Phương Đông.

Theo Bnews, doanh nghiệp này đã nhân thời gian trong hai ngày 28 - 29/1 khi huyện Vân Đồn đang tập trung nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 (liên quan đến ca nhiễm 1.553 là nhân viên của sân bay Vân Đồn) để lấn ra hơn 10 m so với bờ kè khu đô thị và trải dài hàng trăm mét dọc theo bờ biển. Diện tích lấn chiếm lên tới 16.000 m2 phần mặt nước, bãi triều tại thôn Đông Tiến, xã Đông Xá.

Khu đô thị ven biển Phương Đông là một trong những dự án bất động sản ven biển có quy mô lớn của tỉnh Quảng Ninh. Khu đô thị được hình thành từ việc lấp phần diện tích không nhỏ của vịnh Bái Tử Long, thuộc địa phận xã Đông Xá.

Dự án có tổng diện tích 171,42ha, trong đó quy hoạch đất khu nhà ở 98 ha và đất ở 69,46 ha. Phần còn lại là diện tích đất công cộng khu ở, đất cây xanh thể dục, thể thao khu ở, đất công trình công cộng trường học, đất dịch vụ thương mại, đất giao thông đô thị hạ tầng…

Dự án này có tên ban đầu là Khu đô thị Đông Xá, vốn xuất phát từ quỹ đất 135 ha mà tỉnh Quảng Ninh dùng làm vốn đối ứng cho Tổng công ty xây dựng Thăng Long – hiện nay là Tổng công ty Thăng Long - CTCP (Mã: TTL) cho gói thầu số 1 (xây dựng 3 cây cầu) có tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng hồi năm 2004.

Tiền thân của doanh nghiệp này là Xí nghiệp Liên hợp Cầu Thăng Long được giao nhiệm vụ xây dựng cầu Thăng Long (1973 - 1985).

Đến tháng 6/2005, Tổng công ty Thăng Long quyết định dùng quỹ đất được giao làm vốn góp thành lập CTCP Đầu tư xây dựng Đô thị Phương Đông có vốn điều lệ 90 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2019, vốn điều lệ của Phương Đông đã tăng lên 250 tỷ đồng. Quyền chi phối doanh nghiệp đã được chuyển giao cho CTCP Tập đoàn Indevco với tỷ lệ sở hữu 84,44% vốn cổ phần. Hai cá nhân còn lại nắm giữ vốn của Phương Đông gồm ông Nguyễn Anh Tuấn (10%) và ông Phạm Đình Trí (5,56%).

Đáng chú ý, Indevco do ông Đỗ Thành Trung – người được mệnh danh là "quái kiệt vùng than" nắm tới 99,6% vốn điều lệ.  

Tên tuổi của ông Đỗ Thành Trung không chỉ nổi tiếng trong giới khai thác than, năm 2015, ông Trung còn gây tiếng vang trên cộng đồng mạng khắp cả nước sau khi tổ chức tiệc đám cưới tiền tỷ cho con trai Đỗ Tiến Dũng tại Quảng Ninh.

Tiềm lực của ‘quái kiệt vùng than’ Đỗ Thành Trung đứng sau dự án lấn biển ở Vân Đồn - Ảnh 2.

Trụ sở Indevco tại Quảng Ninh. Ảnh: Báo Xây dựng.

Doanh nghiệp khai thác than rót hàng nghìn tỷ đồng vào dự án kính nổi cho đến xây nghĩa trang

Indevco của ông Đỗ Thành Trung tiền thân là Công ty TNHH Hỗ trợ và phát triển hàng công nghiệp Quảng Ninh, được biết đến là một trong những doanh nghiệp lớn tại tỉnh Quảng Ninh.

Tập đoàn Indevco được ông Trung thành lập từ tháng 8/2002 hoạt động chính ban đầu trong lĩnh vực khai thác than đá với vốn điều lệ gần 600 tỷ đồng. Trải qua nhiều lần tăng vốn, doanh nghiệp đạt mức vốn điều lệ 1.677 tỷ đồng vào năm 2018 và giữ nguyên cho đến nay.

Theo nguồn tin của chúng tôi, Indevco đang sở hữu 5 công ty con, trong đó có Phương Đông – chủ đầu tư dự án lấn biển Vân Đồn. Ngoài ra, 4 công ty con còn lại gồm CTCP Kính nổi Hạ Long CFG, Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Indevco, Công ty TNHH MTV An Lạc Viên Indevco và Công ty TNHH Tư vấn và thiết kế Thăng Long DC.

Mặt khác, Indevco còn có một công ty liên kết là CTCP Đầu tư phát triển Indevco và một công ty liên quan là CTCP Kính nổi Chu Lai – CFG.

Tiềm lực của ‘quái kiệt vùng than’ Đỗ Thành Trung đứng sau dự án lấn biển ở Vân Đồn - Ảnh 3.

Hệ sinh thái quanh Indevco. Nguồn: Thu Thủy tổng hợp.

Tổng tài sản của tập đoàn Indevco tính đến ngày 31/12/2019 là 2.325 tỷ đồng. Giai đoạn 2018 – 2019, công ty mẹ Indevco ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh đi xuống với doanh thu giảm 40% còn 628 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ghi nhận mỗi năm chưa đến 5 tỷ đồng. 

Ngược lại, công ty con của tập đoàn, cụ thể là Phương Đông cho thấy kết quả kinh doanh ấn tượng trong giai đoạn 2018 – 2019. Theo đó, doanh thu năm 2019 đạt 5.335 tỷ đồng, gấp 3 lần năm trước đó (1.737 tỷ đồng); lãi sau thuế vượt 916 tỷ đồng trong khi năm 2018 lợi nhuận chỉ hơn 500 triệu đồng.

Tính đến ngày 31/12/2019, tổng giá trị tài sản của chủ đầu tư Khu đô thị Phương Đông vượt đã 1.900 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm tới 78%, tương đương gần 1.500 tỷ đồng.

Bên cạnh dự án Phương Đông tại Vân Đồn, công ty này còn rót vốn vào các dự án khu công nghiệp lớn như Tam Anh tại Quảng Nam với diện tích 165 ha; Cảng Nam Cửa Việt tại Quảng Trị hay khu công nghiệp Khánh Cư tại Ninh Bình, diện tích 52 ha.

Tiềm lực của ‘quái kiệt vùng than’ Đỗ Thành Trung đứng sau dự án lấn biển ở Vân Đồn - Ảnh 4.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp.

Nổi bật nhất trong hệ sinh thái của vị doanh nhân đất than này là Công ty Kính nổi Chu Lai CFG – chủ đầu tư dự án Nhà máy kính nổi Chu Lai với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng. Thông tin từ CFG, ông Trung hiện đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT công ty.

Năm 2019, doanh thu của Kính nổi Chu Lai đạt 3.649 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 181 tỷ đồng.

Ngoài dự án trên, Indevco còn đầu tư mạnh vào mảng vật liệu kính thông qua dự án Nhà máy kính chất lượng cao CFG Ninh Bình công suất 1.200 tấn/ngày với vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng.

Không dừng lại chỉ hai lĩnh vực trên, tập đoàn còn đầu tư dự án nghĩa trang An Lạc Viên Indevco Thái Nguyên thông qua công ty con. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.