Con trai Lý Hải - Minh Hà bỏ ăn 10 ngày vì mắc bệnh tay chân miệng

Những nốt phỏng mọc đầy trong cổ họng khiến Mio, 2 tuổi, bị đau khi ăn nên chỉ uống sữa, bé mệt lả và liên tục đòi mẹ bế. 

Hai tuần sau khi khỏi hẳn bệnh tay chân miệng, bé Mio, con trai út của Lý Hải và Minh Hà, trở lại nếp sinh hoạt thường nhật. Bé tiếp tục đi học, ăn uống bình thường nhưng trên chân, tay vẫn để lại vết thâm mờ. Mio mới đi học mầm non được một thời gian ngắn thì bị bệnh và phải tạm nghỉ học. Minh Hà chia sẻ, ở giai đoạn 1-3 tuổi, khi bắt đầu đi học, trẻ dễ mắc tay chân miệng vì chưa quen với môi trường mới và sức đề kháng yếu.

con trai ly hai minh ha bo an 10 ngay vi mac benh tay chan mieng
Minh Hà chia sẻ lưu ý của bệnh viện về bệnh tay chân miệng.

Cách đây một tháng, lúc con ở trường về, Minh Hà phát hiện bé mệt mỏi, sốt nhẹ, trên tay mọc vài nốt trắng nên đưa tới bác sĩ khám. Lúc đến bệnh viện, vợ ca sĩ Lý Hải mới "tá hỏa" vì cổ họng Mio mọc chi chít nốt phỏng. Những ngày sau, các nốt lên dầy hơn, kín chân, tay khiến bé khó chịu. Thỉnh thoảng, bé cậy vỡ các nốt làm xước da và chảy máu.

Mio không thể ăn vì bé bị đau cổ khi nuốt. Bác sĩ khuyên Minh Hà cho con uống sữa mát để giảm đau nên cứ 1-2 tiếng, cô cho con uống sữa để trong ngăn mát tủ lạnh một lần. Bỏ ăn nhiều ngày nên Mio mệt lả, liên tục đòi bế và ngủ gục trên vai mẹ. Hai ngày đầu phát hiện bệnh, bé vẫn nô đùa nhưng sau đó không còn để sức chạy nhảy.

Minh Hà đeo cho con chiếc yếm để thấm nước bọt vì bé sợ đau không dám nuốt, cứ ngậm đầy trong miệng. Cả ngày hai mẹ con ở trong phòng ngủ để cách ly với các bé khác, chỉ thỉnh thoảng xuống tầng dưới khi cả nhà đi vắng. Bác sĩ nói với Minh Hà rằng bệnh tay chân miệng chưa có thuốc đặc trị nên chủ yếu bổ sung vitamin và theo dõi nếu thấy bé có biểu hiện sốt cao; quấy khóc liên tục; khó ngủ hoặc ngủ li bì; giật mình, hoảng hốt, chới với; co giật hay tê liệt chân tay... phải đưa ngay tới cơ sở y tế. Minh Hà giúp con giữ vệ sinh bằng cách tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày.

Cậu út nhà Minh Hà đỡ sốt sau một tuần và bắt đầu ăn lại khi bước sang ngày thứ 10. Ban đầu bé dè dặt, không dám ăn vì vẫn sợ đau nhưng sau đó có thể thưởng thức những thực phẩm mềm. Mio mệt nhất trong 2-3 ngày đầu phát bệnh và dần hồi phục khoảng từ ngày thứ 10 đến 15. Ngay khi có năng lượng, bé hoạt động nhiều hơn và trở nên vui vẻ như bình thường.

con trai ly hai minh ha bo an 10 ngay vi mac benh tay chan mieng
Hiện bé Mio đã đi học trở lại sau hai tuần nghỉ ốm.

Bà xã Lý Hải tiến hành sát khuẩn toàn bộ nhà cửa sau khi Mio khỏi bệnh và gọi điện đề nghị giáo viên tổng vệ sinh lớp học. Minh Hà cho rằng trẻ mắc tay chân miệng giai đoạn đầu thường không có biểu hiện rõ ràng nên bố mẹ hay chủ quan; lúc con sốt và nổi vết trên tay, chân thì bệnh đã chuyển nặng. Theo cô, phụ huynh cần quan sát và theo dõi trẻ thường xuyên trong thời điểm có dịch, đưa bé đi khám ngay khi phát hiện vài nốt giống muỗi đốt trên cơ thể.

Ba bé lớn nhà Minh Hà là Rio, Cherry và Sunny đều từng bị tay chân miệng trong khoảng từ 1 đến 3 tuổi. Hai trong số ba bé mắc bệnh lúc bắt đầu đi học mầm non, bé còn lại bị lây từ người quen có cháu mắc bệnh. Theo Minh Hà, rất khó để phòng tránh dịch này cho bé bởi trẻ phải đi học, đi chơi trong môi trường đông người và có thể chứa mầm dịch. Điều phụ huynh cần làm là theo sát các biểu hiện của con để xử lý kịp thời.

DẤU HIỆU - ĐIỀU TRỊ - PHÒNG TRÁNH CHÂN TAY MIỆNG

Dấu hiệu trẻ mắc bệnh

- Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng. - Tổn thương ở da: Rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối...

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là chuyên khoa Truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, điều trị, tránh hậu quả đáng tiếc.

Phân loại bệnh theo mức độ

- Bệnh nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà: Có tổn thương ở da đi kèm hoặc không kèm sốt. Người chăm trẻ phải được hướng dẫn đầy đủ về cách chăm sóc bệnh nhi, cách phát hiện sớm các triệu chứng nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời khi cần. Ưu điểm của chăm trẻ bệnh nhi tại nhà là trẻ được hưởng điều kiện vệ sinh tốt hơn, môi trường xung quanh sạch sẽ và đặc biệt là giảm được nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn, đặc biệt là các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh.

- Bệnh nặng, cần nhập viện điều trị: Sốt cao liên tục không thể hạ được. Mệt mỏi không chơi, ngủ nhiều, lơ mơ, ngủ gà... Giật mình Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú ở tay, chân. Thở nhanh, thở bất thường: Ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè... Run chân tay, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.

Điều trị và chăm sóc

Bệnh chân tay miệng có thể do nhiều loại virus gây nên và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tổn thương ở niêm mạc miệng gây đau, khiến trẻ ăn kém, có thể dẫn đến hạ đường máu.

Các biện pháp khắc phục: - Dùng thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng bằng nước muối 0,9%, Kamistad... - Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, sữa... - Vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt... - Dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.

Phòng bệnh

Hiện chưa có vác xin đặc hiệu phòng bệnh.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. - Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống sôi; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi... - Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. - Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. - Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

Theo Website của Bệnh viện Nhi TW

XEM THÊM

con trai ly hai minh ha bo an 10 ngay vi mac benh tay chan mieng Trường cho toàn bộ học sinh nghỉ học để tránh lây lan dịch bệnh tay chân miệng

Sau khi có 34 em học sinh mắc bệnh tay chân miệng, UBND huyện đã có công văn yêu cầu nhà trường cho toàn bộ ...

con trai ly hai minh ha bo an 10 ngay vi mac benh tay chan mieng Cần làm gì để phòng chống dịch bệnh tay chân miệng khi trẻ ở trường?

Vấn đề làm thế nào để phòng chống dịch bệnh tay chân miệng cho trẻ khi ở lớp học luôn là mối quan tâm hàng ...

con trai ly hai minh ha bo an 10 ngay vi mac benh tay chan mieng 10 điều cần biết để không mất mạng vì bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, cha mẹ cần biết cách chăm sóc để ...

chọn
Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến khởi công đường nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến đường ven biển vào cuối năm
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến xây dựng đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn từ QL 56 đến nút giao Vũng Vằn và đoạn từ nút giao Vũng Vằn đến đường ven biển vào cuối năm nay.