Con vào lớp 1, nề nếp hay kiến thức đáng lo hơn?

Năm học 2017 bắt đầu cũng là lúc nhiều các bậc phụ huynh có con ở độ tuổi bước vào lớp 1 lo lắng, không biết con có thích nghi được với nề nếp và kiến thức ở bậc Tiểu học hay không.
 

Bước vào lớp 1, con sẽ thích nghi thế nào với môi trường mới là nỗi lo của hầu hết các bậc cha mẹ. Hình ảnh quen thuộc giống như bài hát “Ngày đầu tiên đi học” được tái hiện lên mỗi mùa khai giảng khi con vào lớp 1. Từng ông bố, bà mẹ đưa con đến trường nhập học, các con vẫn còn chưa hết e dè, sợ sệt.

Cô giáo Tiểu học có vẻ “lạnh lùng” hơn, đưa con vào một khuôn phép mà ít khi dỗ dành hay “đon đả” con như các cô giáo mầm non vẫn làm, khiến nhiều con vừa dứt khỏi tay mẹ đã khóc nhè.

“Mình lo lắng con sẽ bị sốc tâm lí bởi cháu đã quen sự chăm bẵm của các cô khi học mẫu giáo. Con lên lớp 1 đồng nghĩa với việc con bắt đầu phải tự lập và học hành đúng nghĩa. Khi tiếp xúc với môi trường mới hoàn toàn con sẽ bỡ ngỡ và sợ hãi" – chị Phan Thị Nhung (Bắc Ninh) bộc bạch.

Khi vào lớp 1, con sẽ bước vào một cấp học mới, cấp học đầu đời để con bắt đầu học tập một cách thực sự. Nhìn các con khóc nhưng bố mẹ vẫn phải “làm ngơ” để con hòa nhập môi trường mới.

Chị Nguyễn Thu Hương (quận Đống Đa, Hà Nội) có con năm nay vào lớp 1 tại Tiểu học Láng Thượng chia sẻ: “Hôm mình đưa con đến nhập học có nhiều con khóc vì thấy thầy cô bạn bè mới, có lẽ cách sinh hoạt và cách học khác với trường mầm non khiến các con sợ như thế, may sao bé nhà mình cũng quen trường vì ở gần nhà nên không khóc, mình cũng phần nào yên tâm, chứ nhiều phụ huynh khác đứng ngoài nhưng vẫn lo lắng nhìn theo con".

con vao lop 1 ne nep hay kien thuc dang lo hon
Nhiều con khóc trong ngày đầu tiên nhập học lớp 1 (Ảnh Internet)

Cô Phạm Minh Huyền, giáo viên lớp 1, trường Tiểu học Đan Phượng, Hà Nội cho rằng các con mới bước vào lớp 1, chưa quen với môi trường học tập là điều hết sức bình thường.

“Ở bậc mầm non, các con đến trường phần lớn là ngồi chơi, học múa, hát và vẽ, việc học với các con rất nhẹ nhàng và chỉ diễn ra xen kẽ. Nhưng khi bước vào lớp 1, việc học của con sẽ là chính. Các con mới vào học có thể chưa quen với việc tập trung ngồi học một khoảng thời gian dài. Có nhiều con ngồi trong lớp còn xin đi uống nước nhiều lần, hay nói tự do và làm việc riêng trong giờ.... Nhưng sau một thời gian được rèn rũa và quen với các bạn mới, hầu hết các con đã tự tin hơn và biết tác phong nề nếp sinh hoạt học tập hơn”, cô Huyền chia sẻ.

Cô Huyền tâm sự thêm: “Nhiều bố mẹ vẫn có thói quen đưa con đi học muộn giống như lớp mầm non với tâm lý giờ giấc có thể du di được. Nhưng khi vào Tiểu học, giờ giấc học tập được đề cao và coi trọng, cứ đúng giờ là giáo viên sẽ bắt đầu giảng dạy vì thế bố mẹ đưa con đi muộn sẽ khiến con bị thiệt thòi cả về mặt kiến thức và làm ảnh hưởng đến nề nếp học tập của con".

Ngoài sự chăm sóc và dạy bảo của các cô ở trường và bản thân các con phải cố gắng thì bố mẹ cũng nên trở thành những “nhân tố” tích cực để giúp con hòa nhập tốt hơn, đặc biệt là mặt giờ giấc.

“Các bạc phụ huynh cũng nên dành thời gian mỗi ngày để học cùng con, rèn cho con những kĩ năng xã hội như: tự dọn dẹp vệ sinh, tự biết sắp xếp sách vở và khả năng tập trung học bài lâu hơn, điều đó sẽ giúp con tự lập và hòa nhập vào môi trường học tập mới tốt hơn", cô Huyền chia sẻ thêm.

con vao lop 1 ne nep hay kien thuc dang lo hon
Các bậc phụ huynh dù lo lắng cho con và bận bịu thế nào thì vẫn phải là những người bên con và hiểu con nhiều nhất (Ảnh Internet)

Trước nỗi lo lắng của nhiều bậc cha mẹ rằng không biết ở trường các con sẽ được dạy như thế nào. Về vấn đề này, cô giáo nhiều năm dạy học sinh lớp 1 trao đổi: “Mỗi con đều có phẩm chất, năng lực và cá tính khác nhau. Có những con trong lớp học rất nhanh, nhưng lại hơi nghịch ngợm và lười, có những con rất ngoan nhưng học lại chậm... Mỗi con các cô đều quan tâm và có các cách dạy dỗ, giáo dục khác nhau.

Với những bạn nhút nhát và rụt rè các cô sẽ chủ động chuyển con ngồi bàn trên chẳng hạn hoặc xếp con cạnh những bạn bạo dạn hơn, để tiện việc kèm con và giúp con được hòa nhập tốt hơn.

Với cá nhân mình, tôi có một phương pháp khích lệ các con học là mỗi khi trả lời đúng các con sẽ nhận được 1 phiếu khen và sau khi tích được đủ 1 lượng nhất định thì sẽ được quy đổi ra phần thưởng “nhỏ nhỏ” tương ứng như thước kẻ, bút chì, vở... Tôi thấy các con đón nhận nó rất thích thú, từ đó các con hào hứng học bài và hăng hái xây dựng bài hơn".

con vao lop 1 ne nep hay kien thuc dang lo hon
Khuyến khích và giúp con hòa nhập môi trường mới tốt hơn (Ảnh Internet)

Dù chủ trương của Bộ GD&ĐT cho cấp tiểu học là khuyến khích cho các con học tập và phát triển tự nhiên, cũng như tránh các hoạt động dạy trước – học trước, dạy thêm - học thêm... Nhưng trước mặt bằng chung nhiều ông bố bà mẹ vẫn cho rằng nên chuẩn bị cho con học thêm, học trước khi nhập học để con theo kịp với các bạn tốt hơn.

Cô Huyền chia sẻ: “Các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng và cho con học trước. Các kiến thức như nhận diện mặt chữ hay đếm số từ 1 đến 10 các con đều nắm sơ qua ở bậc mầm non đều đã rất tốt rồi. Khi con vào học, các cô sẽ hướng dẫn và dạy con lại từ đầu một cách bài bản và đầy đủ hơn".

Các bậc phụ huynh cũng không nên “ép” con trẻ học tập quá nhiều mà thay vào đó hãy tạo một môi trường mà ở đó con luôn cảm thấy hạnh phúc và sống đúng với tuổi thơ của mình. Có vậy, các con mới có thể là chính bản thân mình và được phát triển một cách toàn diện về tri thức và cảm xúc.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.