Cho tôi hỏi Công an “cài bẫy” để bắt người có đúng luật?
VĂN HỒNG
Ảnh minh họa. |
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến VietNamMoi. Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:
Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) 2003 không có quy định cho phép công an thực hiện các “biện pháp nghiệp vụ” tạo điều kiện và thúc đẩy hành vi phạm tội xảy ra. Bởi lẽ nếu là biện pháp nghiệp vụ được pháp luật cho phép thì phải nêu rõ quy định tại văn bản nào, điều luật nào, tiến hành loại hoạt động gì.
Hơn nữa, nếu đã là quy định của luật TTHS và lại “trong hoạt động tố tụng” hình sự thì đều là công khai. Mọi việc phải căn cứ vào thực tế khách quan của hành vi xảy ra trên thực tế, không được thúc đẩy hành vi phạm tội của người khác.
Theo Điều 10 Bộ luật TTHS thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát “phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội”. Mọi biện pháp hợp pháp có nghĩa là biện pháp đó phải được quy định trong Bộ luật TTHS. Cơ quan chức năng chỉ có thể được quyền áp dụng các quy định của pháp luật, làm những điều pháp luật cho phép.
Theo quy định tại Điều 64 và Điều 65 Bộ luật TTHS về chứng cứ thì “dàn cảnh” không phải là một trong những cách thu thập chứng cứ được Bộ luật TTHS quy định. Chứng cứ phải là những gì có thật, được thu thập đúng trình tự luật định.
Việc cơ quan điều tra sử dụng một số biện pháp nghiệp vụ để điều tra, xác minh sự thật vụ án là cần thiết. Biện pháp điều tra tội phạm thế nào (cài người, sử dụng đặc tình để nắm quy luật phạm tội...) là chuyện nghiệp vụ của ngành công an. Tuy nhiên, các biện pháp này cũng phải phù hợp với quy định của pháp luật thì chứng cứ thu được mới có giá trị sử dụng.
Một số tội phạm nguy hiểm thường tổ chức thành băng nhóm, có thủ đoạn tinh vi như các đường dây ma túy, mại dâm... thì điều tra viên có thể đóng vai người mua ma túy, mua dâm để bắt quả tang hành vi phạm tội.
Nhưng trong trường hợp mới chỉ nghi ngờ một người có biểu hiện phạm tội, hoặc khi chưa bị phát hiện người đó đã tự ý chấm dứt hành vi phạm tội, mà trinh sát lại đến gợi ý, rủ rê người ta phạm tội thì không được.
Luật cũng không chấp nhận việc điều tra viên lợi dụng các biện pháp nghiệp vụ để ngụy tạo chứng cứ nhằm buộc tội một ai đó vì mục đích cá nhân.
Bộ luật TTHS năm 2015 (hoãn ngày có hiệu lực) mới cho phép áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và khi áp dụng thì điều tra viên chỉ được: “Ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử”.
Và chỉ được áp dụng các biện pháp này trong giới hạn vài loại tội (xâm phạm an ninh quốc gia, ma túy, tham nhũng, khủng bố, rửa tiền; tội phạm có tổ chức đặc biệt nghiêm trọng). Khi tiến hành các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải được sự phê chuẩn của VKS. Đây là một điểm mới để công khai hóa các hoạt động điều tra nghiệp vụ.
'Quyền im lặng' được thực hiện thế nào tại tòa?
Quyền này được thể hiện gián tiếp ở nhiều điều luật của Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 khi cho phép người bị bắt ... |
Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn hoặc xuanthuandong@gmail.com Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng. |