Ông Lực sau phiên tòa phúc thẩm. |
Vừa qua, TAND cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm vụ án dân sự giữa nguyên đơn bà Bùi Thị Ngọc Lan và ông Lê Văn Lực kiện Công an tỉnh Trà Vinh, VKSND tỉnh Trà Vinh về việc đòi bồi thường do bắt giam oan và thiệt hại tài sản.
Theo nội dung vụ án, hơn 20 năm trước, bà Lan (nguyên giám đốc công ty Dược Trà Vinh) hợp tác với ông Lực mở xưởng mộc tại nhà.
Ngày 11/6/1993, Công an thị xã Trà Vinh khởi tố ông Lực và bà Lan về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do có đơn tố cáo của người tên Sơn. Ông Lực bị bắt giam ngay sau đó, hai tháng sau đến lượt bà Lan.
Sau hơn 3 tháng tạm giam, do không chứng minh được các bị can phạm tội, Công an thị xã Trà Vinh trả tự do cho hai người và ra quyết định đình chỉ vụ án.
Về nhà, ông Lực và bà Lan phát hiện toàn bộ số gỗ trong xưởng cùng nhiều tài sản đã không còn. Họ liên tục khiếu nại Công an và VKSND thị xã Trà Vinh đòi bồi thường oan sai và thiệt hại do bị mất 89 m3 gỗ cùng nhiều sản phẩm làm từ gỗ.
Tuy nhiên, biên bản kê biên của Công an thị xã Trà Vinh thể hiện chỉ tịch thu hơn 4m3 gỗ, một số giường, tủ, ghế và một số vật dụng trong gia đình.
Các cơ quan tố tụng thị xã Trà Vinh sau đó đùn đẩy trách nhiệm, không bồi thường oan sai khiến vụ việc kéo dài.
Đến tháng 3/2008, bà Lan và ông Lực làm đơn khởi kiện Công an thị xã Trà Vinh và VKSND cùng cấp. Ngoài yêu cầu xin lỗi công khai tại nơi cư trú và đăng báo trong 3 số, bà Lan yêu cầu bồi thường hơn 4,9 tỷ đồng thiệt hại về tinh thần, mất thu nhập do không còn làm việc cho công ty, tài sản bị mất, chi phí khởi kiện... Còn ông Lực yêu cầu bồi thường tổng cộng 12 tỷ đồng.
Tháng 5/2009, TAND thị xã Trà Vinh tuyên buộc Công an, VKSND thị xã Trà Vinh phải xin lỗi công khai bà Lan và ông Lực, bồi thường mỗi người hơn 40 triệu đồng. Không đồng ý với phán quyết này các nguyên đơn kháng cáo.
Ba năm sau, TAND Tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tuyên hủy cả hai bản án. Theo tòa, trong vụ án này, VKSND TP Trà Vinh (trước là thị xã Trà Vinh) vừa là bị đơn, vừa là người tiến hành tố tụng thì "không đảm bảo tính khách quan". Vụ án được giao cho TAND tỉnh Trà Vinh xét xử lại từ đầu.
Bà Lan sau đó thay đổi yêu cầu khởi kiện, nâng số tiền bồi thường lên hơn 10 tỷ đồng. Bà cho biết, vụ việc oan sai kéo dài hơn 20 năm không được giải quyết không chỉ khiến bà tổn thất về tinh thần mà còn phải bỏ nhiều công sức, tiền bạc đi hầu tòa...
TAND tỉnh Trà Vinh xét xử sơ thẩm và tuyên buộc VKSND TP Trà Vinh bồi thường tiền tổn thất tinh thần và thiệt hại thu nhập trong thời gian tạm giam bà Lan là 37 triệu đồng và ông Lực là 46 triệu đồng. Cơ quan VKSDN TP Trà Vinh có nghĩa vụ xin lỗi bà Lan công khai tại nơi bà Lan cư trú và trên báo chí.
TAND tỉnh Trà Vinh tuyên buộc Công an TP Trà Vinh phải bồi thường số tiền kê biên tài sản cho bà Lan 27 triệu đồng, ông Lực 56 triệu đồng. Không chấp nhận phán quyết của TAND tỉnh Trà Vinh, ông Lực và bà Lan tiếp tục kháng cáo lên TAND cấp cao tại TPHCM.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đơn kháng cáo của bà Lan không được chấp nhận, bà tới tòa với vai trò người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Ông Lực thay đổi yêu cầu bồi thường thiệt hại 4,9 tỷ đồng thay vì 12 tỷ đồng như cấp sơ thẩm.
Sau khi xem xét, HĐXX nhận định mức bồi thường tổn thất tinh thần cũng như mất thu nhập trong thời gian bị giam oan mà cấp sơ thẩm áp dụng đối với ông Lực là thỏa đáng nên tòa giữ nguyên.
Đối với thiệt hại do tài sản bị mất, tòa phúc phẩm cho rằng, ông Lực không đưa ra được các chứng cứ chứng minh cho những thiệt hại nên chỉ chấp nhận bồi thường 4m3 gỗ bị tịch thu thu theo biên bản kê biên (trị giá 148 triệu đồng). Do đó, tòa chấp nhận một phần yêu cầu của ông Lực, buộc Công an TP Trà Vinh phải bồi thường số tiền còn thiếu.
Không được xem xét yêu cầu của mình, bà Lan tỏ ra bức xúc. Bà cho biết, sẽ tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan cấp trên.
Thời sự 18:57 | 25/06/2019
Kinh doanh 11:00 | 05/09/2018
Pháp luật 03:55 | 30/08/2018
Lối sống 13:00 | 14/08/2018
Giáo dục 12:52 | 06/08/2018
Thời sự 10:24 | 27/07/2018
Pháp luật 07:43 | 23/07/2018
Lối sống 01:00 | 07/06/2018