Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 chỉ còn vài ngày nữa sẽ chính thức diễn ra. Lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) - Công an TP Hà Nội đã chỉ ra một số loại thiết bị tinh vi có thể sử dụng để gian lận trong thi cử. Đây cũng là một trong các nội dung quan trọng được nhấn mạnh tại Hội nghị hướng dẫn coi thi THPT quốc gia năm 2018 vừa được Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức sáng nay, 22/6.
Thượng tá Hà Thị Hằng đang cầm trên tay một thiết bị hình dạng giống thẻ ATM lắp sim kết nối với tai nghe hạt đậu mà thí sinh có thể dùng để gian lận thi cử. Ảnh: Đình Tuệ. |
Thượng tá Hà Thị Hằng - Phó Trưởng Phòng PC50 (Công an TP Hà Nội) cho biết, qua nắm bắt tình hình thời gian gần đây cho thấy, trên mạng xã hội thường xuyên xuất hiện nhiều trang rao bán các thiết bị không dây, siêu nhỏ được sử dụng để gian lận trong thi cử.
Qua công tác đấu tranh, từ năm 2015 đến nay, Công an Hà Nội đã chủ động lên kế hoạch đảm bảo công tác an ninh trong thi cử. Trong đó, Phòng PC50 tiến hành rà soát và phát hiện, kiểm tra xử lý các trang bán các mặt hàng trên.
Lãnh đạo Phòng PC50 thông tin: "Trong 5 năm qua, Phòng PC50 - Công an Hà Nội đã đấu tranh, kiểm tra phát hiện hơn 10 vụ việc, thu giữ 263 bộ thiết bị siêu nhỏ dùng để gian lận thi cử. Lực lượng Công an cũng đã và đang phối hợp trực tiếp với lãnh đạo và giám thị các trường để phổ biến cách nhận biết một số loại thiết bị có thể sử dụng để gian lận trong thi cử.
Thông thường, cấu tạo của các loại thiết bị gian lận thi cử sẽ có hai bộ phận chính gồm: Hạt tai nghe siêu nhỏ (dùng để cho vào trong lỗ tai) và thiết bị thu phát sóng.
Đối với thiết bị có vòng dây đeo bằng đồng, thường giấu trong trang phục có chức năng tạo ra từ trường gây rung hạt nam châm đã được bỏ sẵn trong lỗ tai. Muốn sử dụng phải được kết nối vào tai nghe điện thoại di động, gắn với pin 9V, sử dụng điện thoại giấu trong người. Người ở ngoài phòng thi sẽ gọi điện thoại vào trong phòng thi cho thí sinh, khi cần kết nối có thể nghe được.
Viên nam châm có kích thước rất nhỏ từ 1,5 - 3mm bỏ vào tai chạm sát màng nhĩ. Khi tương tác, viên nam châm sẽ rung màng nhĩ, người nghe có thể nghe được tín hiệu. Với thiết bị vòng đeo bằng đồng, thí sinh có thể gắn chìm dây đeo khâu chìm vào cổ áo của thí sinh. Nếu cán bộ coi thi không để ý sẽ không thể phát hiện ra vòng dây này.
Với các thiết bị không dây mà chỉ cần một chiếc sim điện thoại gắn vào thiết bị nhỏ bằng bao diêm có thể dễ dàng bỏ trong túi quần để gian lận. Có những loại hạt tai nghe siêu nhỏ, thí sinh có thể đút sâu trong màng nhĩ mà khi muốn rút ra bắt buộc phải dùng nam châm mới hút ra được".
Dưới đây là một số hình ảnh về cách nhận dạng các loại thiết bị tinh vi dùng để gian lận trong thi cử được Phòng PC50 đưa ra để cán bộ giám thị phát hiện, ngăn chặn kịp thời:
Một thiết bị hình dạng giống thẻ ATM lắp sim kết nối với tai nghe hạt đậu mà thí sinh có thể dùng để gian lận thi cử. Ảnh: Đình Tuệ. |
Ngoài ra, lãnh đạo Phòng PC50 cũng lưu ý: Một loại thiết bị nữa mà cán bộ coi thi cần đặc biệt chú ý chính là thiết bị có hình dạng giống như một chiếc thẻ ATM. Thẻ này có thể lắp sim kết nối với tai nghe hạt đậu. Nguyên lý hoạt động của thiết bị dạng này khá đơn giản, chỉ cần một sim điện thoại cắm vào khe cắm sim trên bộ phận thu phát sóng.
Thiết bị này nhìn bề ngoài tương tự như thẻ ATM, nếu giám thị coi thi không chú ý mà nghĩ đây chỉ là vật dụng cá nhân không ảnh hưởng đến kỳ thi. Dạng thẻ này thí sinh có thể để trong hộp bút, khoảng cách nói chuyện có thể là 50cm, bên cạnh có khe để lắp thẻ sim và một khe để sạc pin. Nếu người ở ngoài phòng thi gọi vào đúng số của sim này là có thể tương tác được với thí sinh bên trong.
Không chỉ có vậy, thí sinh cũng có thể sử dụng thiết bị gian lận có hình dạng giống với các loại máy tính CASIO. Nhưng các loại máy tính đó thí sinh lại được phép mang vào phòng thi. Trong các thiết bị này, đối tượng đã cài các thiết bị gian lận như có 1 khe lắp sim thẻ, có pin và một vòng dây đồng. Có thể kết nối với hạt đậu siêu nhỏ trong khoảng cách chưa đến 50cm.
Cách nhận biết dễ nhất đó là trọng lượng của thiết bị này nặng hơn các máy tính bình thường. Hay các thí sinh có thể sử dụng các loại thiết bị giống như vật dụng thông thường khác như chìa khóa cửa, khóa ô tô, khóa xe máy nhưng trong đó vẫn có ổ lắp sim, ổ sạc pin và tai nghe. Cách thức sử dụng cũng tương tự các thiết bị gian lận khác.
Đối với các loại thiết bị không dây, cán bộ coi thi sẽ rất khó phát hiện nên phải rất cẩn thận rà soát. Kể cả một chiếc bút ghi hay một chiếc đồng hồ đeo tay của thí sinh cũng cần phải rà soát kỹ để tránh gian lận trong thi cử.
Cách phát hiện các thiết bị có thể dùng để gian lận thi cử chính là ở trọng lượng của thiết bị sẽ nặng hơn thiết bị thông thường; muốn kết nối thì khoảng cách kết nối không quá 50cm; có cổng kết nối với sạc, có cổng lắp sim điện thoại...
Lãnh đạo Phòng PC50 cũng cho hay, các cán bộ coi thi cần quan sát thật kỹ thái độ, biểu hiện của các thí sinh trong phòng thi. Nếu thí sinh nào gian lận thì biểu hiện sẽ rất khác. Nếu thí sinh có các biểu hiện bất thường thì cán bộ giám thị cần đặc biệt chú ý, cố gắng tuyệt đối không được để lọt đề thi ra ngoài vì sẽ tạo cơ hội cho người ở ngoài biết đề và tìm cách 'tuồn' đáp án vào trong phòng thi.
Hình ảnh đặc biệt trong trong lễ tri ân, trưởng thành học sinh lớp 12 Trường Lương Thế Vinh
Tại lễ trưởng thành cho học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Nam Trung Yên, Hà Nội) năm học 2017 - ... |
Cận ngày thi THPT quốc gia: Làm sao để bảo vệ sức khỏe đôi mắt cho sĩ tử khi ôn luyện?
Chỉ còn một tuần nữa sẽ thi THPT quốc gia chính thức, các thí sinh cần chú ý bảo vệ sức khỏe đôi mắt của ... |