Công an tìm các nhà đầu tư đã mua 60,1 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1/2022

Trong quá trình giải quyết vụ án "thao túng thị trường chứng khoán" liên quan tới Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, cơ quan điều tra đề nghị những nhà đầu tư đã mua 60,1 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/1 năm nay liên hệ với Bộ Công an để giải quyết theo quy định của pháp luật.

 Ông Trịnh Văn Quyết khi còn là Chủ tịch Tập đoàn FLC. (Ảnh: Đức Quyền).

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị các nhà đầu tư mua 60,1 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/1/2022 liên hệ với Phòng 4/C01 trước ngày 15/6 theo số điện thoại trực ban: 069.2345860; số điện thoại di động: 091.858.6688, hoặc địa chỉ: Số 47 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho rằng những nhà đầu tư mua hơn 60 triệu cổ phiếu FLC nói trên là bị hại trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập toàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan, theo quyết định khởi tố vụ án hình sự ngày 29/3.

Qua quá trình điều tra, cơ quan công an xác định: Từ ngày 1/12/2021 đến ngày 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC đã chỉ đạo bà Trịnh Thị Thúy Nga, bà Trịnh Thị Minh Huế, bà Hương Trần Kiều Dung, bà Nguyễn Quỳnh Anh và các đối tượng có liên quan, cho mượn, sử dụng các tài khoản đã mở để mua/bán chứng khoán, thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán, đẩy giá cổ phiếu FLC từ 15.500 đồng/cp lên 24.050 đồng/cp.

Bà Trịnh Thị Thúy Nga là Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán BOS. Bà Trịnh Thị Minh Huế là cán bộ kế toán của Tập đoàn FLC. Cả bà Nga và bà Huế đều là em gái của ông Trịnh Văn Quyết. Bà Hương Trần Kiều Dung là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Chứng khoán BOS. Bà Nguyễn Quỳnh Anh là Tổng Giám đốc Chứng khoán BOS.

Ngày 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết đã đặt lệnh bán 76.769.900 cổ phiếu FLC, trong đó khớp lệnh được 74,8 triệu đơn vị với giá trung bình 22.586 đồng/cp, cơ quan công an cho hay. Ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch Tập đoàn FLC nên cần phải công bố dự định giao dịch trước ba ngày làm việc nhưng thực tế là sau khi bán xong, ông Quyết mới công bố thông tin vào tối 10/1.

Số cổ phiếu FLC mà ông Quyết khớp lệnh bán hôm 10/1 có giá trị 1.689 tỷ đồng, chiếm 55,4% tổng khối lượng khớp lệnh FLC trong ngày hôm đó và chiếm 10,54% tổng số cổ phiếu FLC đang lưu hành.

Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu mà không đăng ký trước theo quy định, cổ phiếu FLC đã có 8 phiên giảm sàn liên tiếp và mất thanh khoản, dư bán giá sàn hàng chục triệu đơn vị.

Giá cổ phiếu FLC lao dốc sau khi ông Trịnh Văn Quyết bán chui hôm 10/1 và tiếp tục giảm mạnh sau khi ông Quyết bị bắt tạm giam vào ngày 29/3.

Cơ quan công an bước đầu xác định hành vi thao túng thị trường của ông Trịnh Văn Quyết đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư mua 60,1 triệu cổ phiếu FLC trên sàn chứng khoán ngày 10/1/2022, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Tổng khối lượng khớp lệnh cổ phiếu FLC hôm 10/1 là xấp xỉ 135 triệu đơn vị. Trong đó, giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết đã bị Ủy ban Chứng khoán và các đơn vị liên quan phối hợp để hủy bỏ ngay sau đó, những nhà đầu tư khớp lệnh mua 74,8 triệu cổ phiếu này đã được hoàn tiền. Như vậy, Bộ Công an đang tìm kiếm những nhà đầu tư mua cổ phiếu FLC trong ngày 10/1 nhưng không được hoàn tiền vì không khớp vào lệnh bán của ông Trịnh Văn Quyết.

Tag:
chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.