Cộng điểm khi xét tuyển vào đại học: Không dễ dàng để nói 'Bỏ'!

Dường như sau mỗi kỳ thi, dư luận lại xuýt xoa tiếc nuối cho những trường hợp "cá biệt" bị trượt đại học vì những lý do tưởng như "không thể tin nổi".

Năm nay, cậu thí sinh ở Thạch Thất, Hà Nội, bị trượt khoa Bác sĩ Đa khoa, trường Đại học Y Hà Nội, dù đạt mức điểm "khủng" là 29,25 khiến nhiều người ngỡ ngàng, không tin đó là sự thật. Càng bức xúc hơn, khi, cũng ở khoa đó, trường đó, cùng một kỳ thi đó, một cậu học sinh khác, mặc dù kém cậu kia 4 điểm, nhưng nhờ được cộng cả một "ôm" điểm ưu tiên, lại đỗ.

Trước sự thật tưởng như "trớ trêu" đó, không ít người đã lên tiếng, đề nghị bỏ chế độ cộng điểm ưu tiên, tạo ra sự công bằng trong thi cử giữa các thí sinh.

Phải nói luôn, công bằng trong mọi vấn đề, nhất là trong những hoạt động liên quan đến "thi thố" là đòi hỏi tất yếu. Nhưng, không phải lúc nào, cái điều tưởng như là hiển nhiên ấy cũng được đáp ứng.

Trong kỳ thi xét tuyển đại học này là một ví dụ. Trước hết, phải thấy rằng, câu "học tài thi phận" từ trước đến nay luôn là nỗi ám ảnh đối với mỗi thí sinh trước các kỳ thi. Không ít sĩ tử dù bình thường học rất giỏi, nhưng khi thi, do nhiều yếu tố khách quan nên bị trượt là điều bình thường.Vì vậy, không phải tất cả các học sinh giỏi là đều đỗ đại học. Không phải cứ các trường có điểm trúng tuyển cao là hội tụ đều những người giỏi hơn những trường thấp và ngược lại.

Trường hợp cậu bé đạt 29.25 điểm kia trượt Đại học Y Hà Nội trong kỳ thi này, trong khi một cậu khác kém đến 4-5 điểm lại đỗ không phải là điều phổ biến, chỉ là trường hợp cá biệt. Chắc chắn, những thí sinh đạt 25,5 điểm rồi đỗ đại học do được cộng quá nhiều điểm ưu tiên kia không có nhiều trong các kỳ thi.

cong diem khi xet tuyen vao dai hoc khong de dang de noi bo
Nhà báo Chiến Văn

Và, với cậu bé đạt 29,25 điểm này, việc trượt Đại học Y không phải là bi kịch. Với mức điểm đó, cậu ta vẫn có nhiều trường khác để lựa chọn và thành công, vì Y Hà Nội không phải là trường duy nhất để cậu nuôi mộng thành bác sĩ trị bệnh cứu người. Chỉ lấy một số trường hợp cá biệt rồi đưa ra để minh chứng cho cái bất cập của chính sách, rồi kêu gọi từ bỏ nó là điều tôi nghĩ chưa thực sự công bằng, khách quan.

Nếu phân tích, thống kê, sẽ thấy, tỉ lệ thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi chủ yếu nằm ở các khu vực trung tâm, thành phố, thị xã, nơi thí sinh có điều kiện học tập tốt hơn so với các địa bàn vùng sâu, vùng xa khác. Mặc dù thoạt nhìn, các thí sinh điểm cao vẫn xuất hiện ở các tỉnh lẻ, nhưng, xét kỹ, nó chủ yếu vẫn hội tụ ở những trường chuyên của tỉnh, hoặc trường điểm của huyện.

Ít trường "vô danh tiểu tốt" cấp huyện nào lại sản sinh ra nhiều "thủ khoa" của cả nước. Ngay trong mỗi tỉnh lẻ, cũng có nhiều địa bàn khác nhau, vì vậy, đương nhiên chất lượng dạy và học không thể "công bằng" như nhau được. Có thể hiện nay, đời sống của các vùng, địa phương đã cơ bản được nâng lên, song, để nói rằng đã ngang bằng nhau giữa các tỉnh hoặc giữa các huyện trong tỉnh là chưa thể.

Nói không phải phân biệt, nhưng chắc chắn, một giáo viên của huyện miền núi Sơn La, Lai Châu... năng lực không thể như giáo viên của các huyện ngoại thành Hà Nội. Ngay trong Hà Nội, nếu bỏ điểm cộng ưu tiên khu vực, chắc chắn, các học sinh ngoại thành khó lòng mà "chạy đua" được với những học sinh nội đô.

Một điểm nữa, đó là, chính sách cộng điểm ưu tiên của Bộ Giáo dục không phải chỉ để "bênh" các học sinh vùng sâu, vùng xa, có điều kiện khó khăn, giúp các em dễ dàng hơn khi vào đại học. Mà ý nghĩa sâu xa hơn, đó là sự động viên, khích lệ để những phụ huynh, học sinh ở nơi dân trí còn thấp, chậm phát triển phấn khởi, lạc quan, tự tin phấn đấu, cố gắng học tập, sau này về xây dựng quê hương của mình.

Điều này là thực sự cần thiết, khi ở những bản, làng cách trung tâm cả vài ngày đi bộ, các thầy cô giáo còn phải đến từng nhà vận động các học sinh đến lớp. Nhiều nơi, cái chữ vẫn còn là điều gì đó xa lạ với bà con, khiến họ thờ ơ, hờ hững. Nếu không có sự động viên, khích lệ bằng việc cộng điểm, liệu phần lớn các học sinh vùng sâu, vùng xa có đủ tự tin, yên tâm mà học tập, phấn đấu không?

Theo tôi, để tạo ra sự "công bằng tương đối", với mục tiêu "không bỏ lọt nhân tài", nhưng cũng tạo điều kiện tốt nhất cho các em có điều kiện khó khăn muốn vươn lên trong học tập, điều cần làm là phải thay đổi cách định hướng giáo dục và cam kết cống hiến sau khi ra trường chứ không phải việc bỏ cộng điểm ưu tiên. Để có được điều đó, đối với những trường đầu ngành, chất lượng cao, nên bố trí riêng các khoa, hệ đào tạo dành cho đối tượng được cộng điểm ưu tiên.

cong diem khi xet tuyen vao dai hoc khong de dang de noi bo
Ngày khai trường ở các miền quê, tất cả các nữ sinh có điều kiện mặc áo dài, tô son điểm phấn, dùng điện thoại thông minh khoe sắc như thế này? Ảnh minh họa mùa khai trường năm 2016. Nguồn: Zing.vn

Trước mỗi kỳ thi, các trường công bố rõ số lượng chỉ tiêu của từng hệ để thí sinh nắm đăng ký. Các trường hợp được điểm cao dù thuộc đối tượng ưu tiên nhưng không đỗ nhờ cộng điểm thì được tính như các thí sinh thông thường. Trường hợp còn lại, đỗ nhờ điểm cộng ưu tiên, phải có các cam kết cụ thể như: Chất lượng đầu ra phải tiệm cận hoặc tương đương với các hệ bình thường khác. Khi tốt nghiệp ra trường phải quay trở lại phục vụ, cống hiến cho địa phương trong một giai đoạn nhất định, sau đó mới được chuyển công tác để tránh sự "dồn dịch tập thể" về các thành phố lớn.

Làm được điều này, tôi nghĩ sẽ vừa giữ được sự động viên, khuyến khích, trách nhiệm tri ân của xã hội đối với con em đối tượng chính sách, đồng thời, tạo ra sự công bằng tương đối cho các thí sinh trong các kỳ thi, trong khi, lại giúp cho việc phân bổ nguồn nhân lực giữa các vùng miền ngày càng cân đối.

cong diem khi xet tuyen vao dai hoc khong de dang de noi bo
Sau một đêm mưa, sân Trường THPT Mù Cang Chải chìm trong bùn lầy. Có nơi nào ở thành thị phải chịu cảnh này không? Học sinh thành thị có phải lội bùn lầy đến trường như các em vùng sâu, vùng xa? Ảnh Fb thầy giáo Tùng Nguyễn.

Nếu chỉ nhìn qua thấy một số trường hợp cá biệt, coi đó là bản chất, rồi đòi bỏ nó, tôi nghĩ đó là sự vội vàng và chưa thể thực hiện. Nhất là đối với một đất nước có nhiều sự chênh lệch rõ rệt giữa các vùng miền như Việt Nam ta.

cong diem khi xet tuyen vao dai hoc khong de dang de noi bo ĐH Y Hà Nội: Chỉ 5% thí sinh không có điểm ưu tiên đỗ ngành Y đa khoa
chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.