Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (VH&TT) có thông báo về việc lấy ý kiến tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống, tham quan, học tập trên địa bàn về dự thảo “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Theo đó, dự thảo có 3 chương, 14 điều bao gồm quy tắc ứng xử nơi công cộng chung và cụ thể. Bộ quy tắc này có mục đình từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực đạo đức nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, xây dựng Thành phố thanh lịch, văn minh.
Theo dự thảo, các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Quy tắc ứng xử này, tùy mức độ, sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. (Ảnh minh họa - Chí Hiếu) |
Tuy nhiên, khi dự thảo được đưa ra đã gây nhiều ý kiến trái triều trong dư luận. Đáng chú ý là quy định: “Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Quy tắc ứng xử này, tùy mức độ, sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định”.
Về vấn đề này, trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật Minh Bạch) nhận định rằng trong pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có bất cứ quy định nào về vấn đề “trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục”.
Hành vi vi phạm giao thông từng được đề xuất bêu tên trên báo chí. Ảnh: Đoàn Lê |
Nguy cơ xâm phạm quyền công dân?
Theo luật sư, việc đánh giá về trang phục hay hành vi không phù hợp thuần phong mỹ tục hoàn toàn dựa trên con mắt cảm tính của mỗi cá nhân và dựa trên những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc được hình thành từ ngàn đời nay chứ hoàn toàn không được cụ thể hóa trong quy định pháp luật.
"Hơn thế nữa, bộ quy tắc này áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội. Như vậy, quy định này cũng phần nào gây khó khăn và bất tiện trong sinh hoạt đối với các du khách nước ngoài tới tham quan du lịch hoặc làm việc trên địa bàn Thủ đo chưa thể thích nghi với nét truyền thống văn hóa và phong cách ứng xử của Việt Nam", luật sư Tuấn Anh nói.
Luật sư Trần Tuấn Anh cũng cho rằng về quy định khen thưởng, kỷ luật, cụ thể là nhắc nhở, phê bình tại chỗ thì nên thực hiện. Bởi vì ngay từ đầu, Bộ quy tắc ứng xử này hướng người dân tới các hành vi "Nên làm và Không nên làm" tại một số địa điểm công cộng, du lịch. Việc nhắc nhở, phê bình sẽ giúp phần nâng cao nhận thức và ý thức của người dân.
Tuy nhiên, theo luật sư, về quy định “công khai danh tính trên phương tiện thông tin đại chúng” thì không phù hợp. Bởi điều này có nguy cơ xâm phạm nghiêm trọng tới quyền công dân, cụ thể ở đây là danh dự nhân phẩm của cá nhân được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Việc quy định cụ thể hình thức quy chế xử lý như vậy có thể dẫn đến tình trạng khiếu kiện, gây rối loạn dư luận, ảnh hưởng tới lòng tin của người dân vào chính quyền.
Điều 20, Hiến pháp 2013 quy định: “ Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.
Thanh niên giẫm đạp, cướp chiếu trong lễ hội ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Lê Hiếu |
Có thể dẫn đến tình trạng khiếu kiện
Cũng theo luật sư Tuấn Anh, quy định tại khoản 2, 3, 4, 5 Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 về quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân ghi rõ:
2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình...";
3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ;
4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng;
5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”.
Như vậy, trong trường hợp không có một căn cứ cụ thể và xác đáng về việc trang phục và hành vi “không đúng thuần phong mĩ tục” và khi thông tin đích danh của cá nhân bị công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo hình thức xử lý của Bộ quy tắc ứng xử này sẽ ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm.
Theo đó, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm và phải được cải chính để đảm bảo danh dự nhân phẩm cho cá nhân đó. Ngoài quyền yêu cầu bác bỏ và cải chính, cá nhân còn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với các thiệt hại do thông tin đó gây ra.
"Nếu muốn đúng với tinh thần của bộ quy tắc ứng xử thì nên hướng hành vi, ứng xử của người dân theo hướng "Nên làm và Không nên làm" ở nơi công cộng. Chính vì vậy, việc cần làm của các ban ngành, cơ quan có thẩm quyền là tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở, phê bình tại chỗ đối với các cá nhân có hành vi xử sự “không đúng mực” ở nơi công cộng.
Chỉ khi ý thức người dân được nâng cao thì mới giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đúng theo mục đích tốt đẹp của Bộ quy tắc ứng xử này", luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh.