Công ty Nhật bồi thường gần 90 triệu USD vì thảm họa ô nhiễm thủy ngân

Sau 63 năm, thảm họa ô nhiễm thủy ngân tại Minamata (tỉnh Kumamoto) vẫn là nỗi kinh hoàng đối với hàng chục nghìn người dân Nhật Bản. Thủ phạm phải bồi thường gần 90 triệu USD.

Ngày 21/4/1956, một bé gái 5 tuổi được đưa đến khám tại bệnh viện của nhà máy Tập đoàn Chissco ở Minamata, một thị trấn nằm tại bờ tây của đảo Kyushu (thuộc miền nam Nhật Bản). Các bác sĩ đều bất lực trước những biểu hiện vô cùng kỳ lạ và nghiêm trọng của bệnh nhân nhí.

Ban đầu bé đi lại khó khăn, nói không rõ từ và bị co giật. Hai ngày sau, em gái của cô bé cũng có những biểu hiện tương tự và được nhập viện. Sau đó, thêm 8 bệnh nhân khác được phát hiện.

Ngày 1/5/1956, giám đốc bệnh viện chính thức thông báo về một bệnh dịch mới, có nguồn gốc bí hiểm và tác động tới hệ thần kinh trung ương của bệnh nhân. Những ngày tiếp theo, các nạn nhân bị sốt cao, co giật, ảo giác, hôn mê rồi qua đời.

Công ty Nhật bồi thường gần 90 triệu USD vì thảm họa ô nhiễm thủy ngân - Ảnh 1.

Căn bệnh bí hiểm xuất hiện ở Minamata từ năm 1956. (Ảnh: Magnum Photos).

Người chết, mèo nhảy múa, quạ rơi từ trên trời

Trong những tháng sau đó, số lượng người mắc bệnh ở Minamata ngày càng nhiều. Bệnh xuất hiện rất đột ngột, nạn nhân bất thình lình cảm thấy tê liệt chân tay, không thể đi lại, giọng nói thay đổi. Họ không thể nhìn, nghe hay nuốt. Tiếp theo đó là co giật, hôn mê rồi thiệt mạng.

Khủng khiếp hơn, khi điều tra, chính quyền địa phương phát hiện từ năm 1950, động thực vật sống trong vùng cũng có những biểu hiện vô cùng kỳ lạ. Mèo bị co giật, phát điên rồi chết. Người dân địa phương gọi hiện tượng này là "bệnh mèo nhảy nhót". Quạ đang bay bỗng rơi từ trên trời xuống đất. Rong biển không còn mọc dưới đáy biển. Cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

Sau nhiều nỗ lực điều tra, đến tháng 2/1959, nhóm chuyên gia y tế đến từ Đại học Kumamoto xác định nguyên nhân dẫn tới những cái chết kinh hoàng tại Minamata là nhiễm độc thủy ngân.

Họ thực hiện các xét nghiệm và bị sốc nặng khi phát hiện hàm lượng thủy ngân cực cao trong cá, ốc, sò và bùn ở vịnh Minamata. Và nhà máy hóa chất của Tập đoàn Chisso chính là nguồn xả thủy ngân độc hại ra môi trường vịnh Minamata.

Công ty Nhật bồi thường gần 90 triệu USD vì thảm họa ô nhiễm thủy ngân - Ảnh 2.

Nạn nhân nhiễm độc thủy ngân ở Minamata. (Ảnh: CBS).

Tại kênh xả thải của nhà máy Chisso, lượng thủy ngân tích tụ lên đến 2 kg/tấn trầm tích, tỷ lệ đủ cao để khai thác công nghiệp. Trên thực tế, sau đó Chisso đã lập một công ty con để khai thác thủy ngân từ trầm tích tại vịnh Minamata và đem bán.

Các bác sĩ thực hiện xét nghiệm mẫu tóc của các bệnh nhân và cư dân thị trấn Minamata. Kết quả là hàm lượng thủy ngân trong tóc các bệnh nhân lên đến 705 ppm. Với người dân trong vùng không có biểu hiện mắc bệnh, hàm lượng này cũng lên đến 191 ppm.

Để so sánh, Liên minh châu Âu (EU) hạn chế hàm lượng thủy ngân tối đa ở mức 1 ppm trong thực phẩm.

Âm thầm xả chất độc ra môi trường trong hàng chục năm

Chisso mở nhà máy hóa chất ở Minamata vào năm 1908. Ban đầu nhà máy này sản xuất phân bón, sau đó mở rộng ra sản xuất rất nhiều loại hóa chất khác nhau. Nó xả thải thẳng ra vịnh Minamata, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cá địa phương.

Năm 1926 và 1943, Chisso phải đền bù cho ngư dân địa phương vì nguồn cá bị ô nhiễm. Tuy nhiên, quy mô ngày càng lớn của nhà máy Chisso đã thúc đẩy nền kinh tế địa phương. Do đó, ảnh hưởng của tập đoàn này ngày càng lớn. Thậm chí Minamata còn được coi là "thủ đô" của đế chế Chisso.

Nhà máy Chisso bắt đầu sản xuất acetaldehyde từ năm 1932 với sản lượng 210 tấn/năm. Đến năm 1951, sản lượng acetaldehyde tăng vọt lên 6.000 tấn/năm và đạt đỉnh hơn 45.000 tấn vào năm 1960. Để sản xuất acetaldehyde  cần thủy ngân.

Từ tháng 8/1951 đến năm 1968, nhà máy bắt đầu xả ra môi trường loại thủy ngân hữu cơ có tên methylmercury cực kỳ độc hại.

Công ty Nhật bồi thường gần 90 triệu USD vì thảm họa ô nhiễm thủy ngân - Ảnh 3.

Nhiễm độc thủy ngân không chỉ giết người mà còn gây tình trạng dị tật bẩm sinh. (Ảnh: ENV).

Chất hóa học kịch độc này tích tụ trong cá và các loài hải sản ở vịnh Minamata. Và người dân địa phương bị nhiễm độc thủy ngân vì ăn cá. Nhưng phải mất tới 12 năm kể từ khi căn bệnh có tên Chisso-Minamata được phát hiện, chính quyền địa phương mới thừa nhận nguồn gốc của nó là nhiễm độc thủy ngân và ra lệnh dừng hành vi xả thải bừa bãi của nhà máy Chisso.

Nhưng cơn ác mộng không chấm dứt ở đó. Khoảng 5 năm sau khi trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên xảy ra, các bác sĩ địa phương phát hiện tỷ lệ bệnh bại não và rối loạn chức năng ở trẻ em trong khu vực Minamata cao bất thường, ngay cả khi người mẹ không có biểu hiện mắc bệnh và các đứa trẻ này chưa từng ăn cá nhiễm độc.

Chính quyền y tế địa phương sau đó xác nhận các em bé này bị mắc bệnh Chisso-Minamata dưới dạng bẩm sinh.

Cơn ác mộng hơn 60 năm

Năm 1959, Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản ra quyết định Tập đoàn Chisso phải bồi thường. Các nạn nhân trưởng thành nhận được 278 USD/năm, trẻ em nhận 83 USD/năm và những gia đình có người chết nhận 889 USD.

Tính đến năm 2004, Tập Chisso đã chi trả tổng cộng 86 triệu USD tiền bồi thường và phải tiến hành làm sạch toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng.

Tính đến tháng 3/2001, tổng cộng 2.265 nạn nhân được chính thức công nhận là mắc bệnh Chisso-Minamata. Lúc đó 1.784 người đã qua đời. Hơn 10.000 người khác được nhận tiền bồi thường của Chisso.

Công ty Nhật bồi thường gần 90 triệu USD vì thảm họa ô nhiễm thủy ngân - Ảnh 4.

Đến giờ các nạn nhân ở Minamata vẫn đi tìm công lý. (Ảnh: Kyodo).

Tuy nhiên, Reuters cho biết tính đến năm 2017 vẫn còn 20.000 người khác đòi tiền bồi thường từ Chisso. Các nạn nhân ngày càng tuổi già sức yếu, nhưng vẫn nỗ lực tới các diễn đàn quốc tế để cảnh báo về mối nguy hại từ nhiễm độc thủy ngân đối với con người và môi trường.

"Chúng ta cần nghiêm túc thừa nhận việc vẫn còn rất nhiều người lên tiếng", Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Y tế Nhật Bản thừa nhận hồi năm 2017.

Ông Hirokatsu Akagi, Giám đốc Phòng thí nghiệm Thủy ngân Quốc tế Minamata tiết lộ sau hàng chục năm, vẫn còn rất nhiều người dân Minamata gửi nhau thai tới các cơ quan y tế để xét nghiệm hàm lượng thủy ngân.

Nạn nhân Shinobu Sakamoto, người bị nhiễm độc thủy ngân từ trong bụng mẹ, khẳng định: "Chúng tôi phải lên tiếng. Thảm họa Minamata trên thực tế vẫn chưa trôi qua. Đó không phải là chuyện của quá khứ".

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.