Đó chính là tình trạng diễn ra nhiều năm nay của công viên Trường An nằm ở đường Đào Tấn (thuộc phường Trường An, TP Huế).
Một góc công viên Trường An. (Ảnh: Khải Tuấn).
Nhiều năm qua, công viên Trường An mang tiếng là nơi vui chơi, giải trí nhưng lại hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí, tạo nên sự nhếch nhác.
Theo người dân xung quanh, thời gian hoạt động, công viên này đón tiếp rất nhiều người dân và du khách đến vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, chỉ hoạt động được mấy năm, lượng khách bắt đầu thưa dần, công viên không phát huy được hiệu quả. Trong những năm trở lại đây, hiếm ai lui tới nơi này.
Một hạng mục vui chơi giải trí bỏ hoang. (Ảnh: Khái Tuấn).
Một người dân ở cạnh công viên này cho hay: "Tôi thấy lâu rồi chỗ này không có ai tới chơi. Tôi cảm thấy lãng phí, vì mảnh đất rộng như vậy lại hầu như không hoạt động. Qua đó, vô tình tạo điều kiện cho những thanh niên nghiện hút lui tới, nhất là ban đêm và khi không có người".
Theo quan sát của chúng tôi, xung quanh công viên không còn một bóng người, cảnh vật hoang vu. Biển hiệu của công viên cũng không còn tồn tại.
Phía bên trái của công viên vẫn còn dòng chữ CONG VIEN TRUONG AN (Công viên Trường An – PV) bằng cây xanh.
Các hạng mục đã không còn hoạt động và hư hỏng nhiều như nhà banh cũng đã đóng cửa im đìm, đoàn tàu lửa trẻ em ngừng lăn bánh đã lâu…
Chiếm gần một nửa diện tích của công viên, đoàn tàu hỏa bằng sắt nằm phủ đầy bụi và rác thải trên đường ray bị rỉ sét; những thanh gỗ mục nát, thậm chí không còn; trong khi đó, nhiều mảng xi măng cũng bị nứt nẻ.
Ở giữa các đường ray, thỉnh thoảng xuất hiện những chiếc bao, nắp của kim tiêm; cây cối đổ gãy giữa đường ray…
Nhà vệ sinh hoang tàn. (Ảnh: Khải Tuấn).
Xung quanh, rác thải vứt nghênh ngang, cỏ mọc um tùm, lá khô khắp nơi tạo nên cảnh quan nhếch nhác. Chưa hết, nhiều thiết bị, vật dụng của công viên nằm rải rác khắp nơi.
Thời điểm chúng tôi có mặt ở công viên này, vài ba đứa trẻ trong khu vực lân cận chạy ùa vào 1 - 2 vòng rồi lại chạy ra.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trương Đại Thành, Chủ tịch UBND phường Trường An thông tin, dù công viên Trường An nằm trên địa bàn nhưng do Trung tâm Công viên Cây xanh Huế quản lí.
Công viên hoạt động kém đã lâu, gây lãng phí quỹ đất, bây giờ xem như là một "nhà kho" để vật liệu, thiết bị.
Ông Thành nói tiếp: "Cử tri cũng đã nhiều lần phản ánh với chính quyền về công viên này, đặc biệt, họ sợ những người nghiện ngập. Mong các cơ quan chức năng giao công viên lại cho phường để chuyển đổi công năng sử dụng, xây dựng nơi sinh hoạt cộng đồng cho người dân trên địa bàn".
Trong khi đó, ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên Cây xanh Huế cho rằng, công viên Trường An ra đời vào khoảng năm 2004, với diện tích hơn 3.000m2. Ban đầu là bãi đất trống, sau xây thành rạp chiếu bóng, rồi được Trung tâm chỉnh trang lại thành công viên.
"Nói là công viên nhưng thực chất chỉ như một "điểm xanh" mà thôi. Hiện tại, nơi đây chỉ có nhân viên cắt cỏ, tỉa cành và để một số vật dụng của Trung tâm, còn các dụng cụ trò chơi đã hư hỏng. Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch, đề xuất với thành phố để chỉnh trang lại công viên trong giai đoạn 2019 – 2020. Qua đó, tạo điểm vui chơi cho bà con", Ông Chinh chia sẻ: .
Trong khi chờ động thái tiếp theo của chính quyền địa phương, công viên này tiếp tục nằm im đìm, hoang vu, trở thành nơi lí tưởng cho dân nghiện lui tới…
Công viên ở Huế người dân không mặn mà tới vui chơi. (Video: Khải Tuấn).