Theo Thông tư, để có thể sử dụng làm cơ sở xử lí vi phạm, những hình ảnh này phải khách quan, rõ về thời gian, địa điểm, đối tượng, hành vi vi phạm và còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
Người cung cấp hình ảnh phải có họ tên, địa chỉ rõ ràng, số điện thoại liên hệ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin đã cung cấp.
Về phía CSGT, đơn vị có thẩm quyền sẽ tiếp nhận hình ảnh do người dân cung cấp, đảm bảo bí mật về thông tin cá nhân của họ. Nếu hình ảnh đủ điều kiện, cán bộ CSGT báo cáo cấp trên để tổ chức xác minh, xử lí theo qui định.
Cơ quan chức năng sẽ làm việc với người cung cấp hình ảnh, đồng thời gửi thông báo mời chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện tới trụ sở để làm rõ. Quá trình xác minh, công an cũng có thể trưng cầu giám định thông tin, hình ảnh và các tài liệu liên quan…
Trong trường hợp thông tin, hình ảnh có dấu hiệu làm giả thì chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để xử lí.
Với qui định chi tiết từ Thông tư 65/2020, đây sẽ là hành lang pháp lí vững chắc để CSGT các đơn vị triển khai rộng rãi hơn hình thức xử lí vi phạt.
Thông tư 65/2020/TT-BCA cũng qui định rất rõ nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/8/2020 và thay thế Thông tư 01/2016/TT-BCA.