Cử tri đề xuất giải quyết dứt điểm việc ở Thủ Thiêm trước khi thành lập TP Thủ Đức

Ngày 7/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đã có buổi tiếp xúc để lấy ý kiến các cử tri quận 2 trước kì họp thứ 10 của Quốc hội. Cử tri nêu nhiều ý kiến góp ý đối với Đề án thành lập TP Thủ Đức.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri nêu nhiều ý kiến góp ý đối với Đề án thành lập TP Thủ Đức, trong đó đề nghị cân nhắc việc lấy tên gọi cho phù hợp.

Thông tin từ Thành ủy TP HCM, cử tri Lê Trọng Thư, phường Thảo Điền cho rằng: Chủ trương TP HCM lập Đề án thành lập TP Thủ Đức là đúng, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội TP, cũng như cả nước; thể hiện tầm nhìn, chiến lược và trách nhiệm của TP là cùng cả nước, vì cả nước.

'Nên giải quyết vụ Thủ Thiêm trước khi có thành phố mới' - Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội đang tiếp xúc cử tri quận 2 ngày 7/10. (Ảnh: Kiều Phong/SGGP).

Theo báo Tiền Phong, cử tri Trần Thị Qưới (phường Bình Khánh) đặt vấn đề, đó là liệu khi sắp xếp các đơn vị hành chính, thành phố có tiếp tục xem xét vấn đề Thủ Thiêm hay không.

“Trước đây quận 2 vốn là huyện Thủ Đức, sau hàng chục năm, bây giờ trở lại tên gọi cũ, chỉ khác là nâng huyện lên thành phố. Thay đổi như vậy kéo theo sự thay đổi, điều chỉnh giấy tờ, rất phiền hà cho người dân”, bà Quới nói.

Đồng thời bà cũng đặt câu hỏi là công tác quản lí nhà nước sẽ như thế nào khi bộ máy đã sắp xếp, tinh giản, có đảm bảo để phục người dân hay không khi dự kiến mật độ dân số sẽ tập trung về thành phố mới.

'Nên giải quyết vụ Thủ Thiêm trước khi có thành phố mới' - Ảnh 2.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê trao đổi với cử tri quận 2 tại buổi tiếp xúc cử tri. (Ảnh: Kiều Phong/SGGP).

Trong khi đó, cử tri Nguyễn Tiến Thịnh (phường Thạnh Mỹ Lợi) cho rằng TP HCM "nên giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm trước khi có thành phố mới".

Ông Thịnh cho rằng vụ Thủ Thiêm sửa sai nhỏ giọt, chưa tổ chức thanh tra toàn diện. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đến nay chưa xong, khiến cho dự án kéo dài đã hơn 20 năm.

Cũng về vấn đề này, báo Pháp luật TP HCM dẫn lời của bà Lê Thị Bạch Tuyết, cử tri phường Bình Trưng Tây: “Chúng ta không nên đưa Thủ Thiêm - một nơi còn nhiều vấn đề vào TP Thủ Đức. Nếu mọi chuyện chưa được giải quyết hợp lòng dân, người dân sẽ tiếp tục khiếu kiện, khiếu nại, gây ảnh hưởng tới hình ảnh đơn vị hành chính mới”.

Ngoài việc cho ý kiến về vấn đề tại khu Thủ Thiêm, các cử tri quận 2 cũng có ý kiến khi chưa đồng tình với việc chọn tên thành phố mới là Thủ Đức. Các cử tri cũng bày tỏ lo ngại việc các trụ sở hành chính, đặt rải rác tại ba quận sẽ gây khó khăn cho việc đi lại, giải quyết công việc của người dân.

Trước các ý kiến đã nêu, thay mặt tổ đại biểu, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê nhận xét các ý kiến phản ánh của cử tri là hoàn toàn xác đáng. Vì thế, tổ đại biểu sẽ ghi nhận và chuyển tải toàn bộ các ý kiến của cử tri với đơn vị liên quan để hoàn chỉnh đề án, thông tin từ báo Sài Gòn Giải Phóng.

'Nên giải quyết vụ Thủ Thiêm trước khi có thành phố mới' - Ảnh 3.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê tại buổi tiếp xúc cử tri. (Ảnh: Plo).

Ông Khuê cho biết thêm, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TP HCM đang tổ chức phản biện để làm rõ những vấn đề liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn TP. Từ đó sẽ giải quyết thấu đáo những vấn đề còn tồn đọng.

Nói về việc qui hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Khuê thông tin thêm, Thanh tra Chính phủ đã có nội dung báo cáo đầy đủ với Chính phủ để thực hiện kết luận để gặp gỡ và đối thoại với cử tri quận 2. Tuy nhiên, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kế hoạch chưa thực hiện được.

Theo vị đại biểu, vì nhiều lí do, nhiều vấn đề liên quan đến Thủ Thiêm đòi hỏi các cơ quan phải xem xét một cách thấu đáo để đưa ra giải pháp một cách tốt nhất nên thời gian qua chưa đạt được sự mong đợi của cử tri.

Tổ đại biểu Quốc hội ghi nhận các ý kiến của cử tri và sẽ chuyển tải tại kì họp Quốc hội sắp tới, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê khẳng định.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.