"Vợ chồng mình vừa đánh nhau xong, mình đánh lại chồng một trận (mình có võ) vì tức nước vỡ bờ. Nhà con một, bố mẹ có của cải gì sau này cũng để lại hết cho mình, vậy mà chồng nói mùng 6 mới được về ngoại. Mình nói vậy chia nhau ra, anh lo Tết nhà anh, em về nhà em. Anh ta bảo mình láo và lao vào đánh vợ", Cúc (Thái Bình), chia sẻ trên một nhóm các bà mẹ trên mạng.
Cô kể thêm rằng, khi đó, bố mẹ chồng cũng lao tới chửi mắng cô, nói rằng con dâu là phải lo cho nhà chồng, gia đình chồng cho về nhà bố mẹ đẻ lúc nào thì cũng phải chịu. "Mình đã sắm Tết đầy đủ cho nhà họ rồi mà họ còn bắt mình phải ở lại dọn dẹp đến mùng 6 mới được về thì còn gì là Tết", cô bức xúc nói.
Câu chuyện của Cúc sau một đêm đăng lên mạng đã nhận được hơn một nghìn lượt thích. Trong hàng trăm bình luận dưới bài viết này, nhiều người ủng hộ bà mẹ trẻ đã phản kháng thói áp đặt của nhà chồng, nhưng cũng không ít người trách cô quá nóng giận mà hành động bộc phát, chỉ khiến gia đình tan nát.
Ảnh minh họa: Cndaily. |
Tết là thời điểm nhạy cảm, dễ xảy ra xung đột trong việc về nội về ngoại của các cặp vợ chồng, nhất là những người là con một.
Mới nửa tháng trước, chị Trang, 30 tuổi, từng định ly hôn khi chồng phản đối việc vợ ra Bắc ăn Tết với bố mẹ sau 4 năm ở Sài Gòn.
Chị kể, năm thứ nhất chung sống, chuyện ở đâu ngày Tết của vợ chồng chị yên ổn vì tục nhận họ hàng sau cưới. Hai người đón Tết trong Sài Gòn, đến trưa mồng 2 bay ra Bắc thăm bố mẹ vợ và họ hàng nhà chồng vẫn còn ngoài Bắc. Ở Bắc chơi hơn một tuần, mãi mồng 10, hai người mới vào Nam. Năm thứ hai, sự việc cũng chưa có gì khi chị Trang chuẩn bị sinh con đầu lòng, cái bụng to vượt mặt nên ở lại Sài Gòn cho an toàn. Năm thứ ba, con trai còn tháng nữa mới thôi nôi, gia đình chị cũng không về Bắc vì sợ thời tiết lạnh, con không quen.
Năm nay, con trai gần hai tuổi, chị quyết định về quê đón Tết. Ban đầu, chồng chị kiếm cớ nói năm nay miền Bắc lạnh, về thì cả nhà ốm. "Trẻ con ngoài Bắc có sao đâu, bạn em ở nước ngoài con bé tí còn cho ra tuyết nằm vẫn khỏe mạnh, với lại cu Bin chưa 2 tuổi, vé máy bay gần như miễn", bà mẹ 30 tuổi thuyết phục chồng. Dù vậy, chồng Trang vẫn khăng khăng: "Mẹ có mỗi mình anh, hai đứa về ngoại thì mẹ ăn Tết với ai?". "Thì em cũng con một, ba năm nay, ông bà ngoại phải ăn Tết một mình. Anh không về, em tự đi"... Cuộc chiến kết thúc bằng màn khóc như mưa của vợ và tiếng đóng sầm cửa bỏ ra ngoài của chồng.
Vừa tủi thân vừa nghĩ thương bố mẹ, hôm đó đi đường không tập trung, chị Trang bị đâm xe, may chỉ xây xước nhẹ. Cả tuần sau đó, chị không nói với chồng một câu, đụng đâu đổ vỡ loảng xoảng đó do người lúc nào cũng thơ thẩn. "Thật ra mình ôm con mua vé về với bố mẹ cũng được nhưng sợ làm vậy lại khiến ông bà buồn thêm khi thấy vợ chồng con không hòa thuận. Cuối cùng mình đành chấp nhận thương lượng của chồng, xin nghỉ phép thêm vài hôm, mùng 3 sẽ về với ông bà ngoại", chị Trang nói.
"Mỗi lần Tết đến, tôi lại ước giá như ngày trước mình để ý cô hàng xóm thì có phải bây giờ dễ xử không", anh Huỳnh, 35 tuổi, nhân viên một ngân hàng ở quận Một, TP HCM tâm sự. Nhà bố mẹ anh ở Đắk Lắk còn bố mẹ vợ ở Cần Thơ. Cả hai đều là con một. Mấy năm đầu, vợ chồng anh thường xuyên tranh cãi về việc đón giao thừa ở đâu vì ai cũng muốn có mặt bên cạnh bố mẹ mình trong thời khắc đó. "Tết về một quê thì không được, về cả hai bên thì vất vả và tốn kém, trong khi bản thân vẫn đi ở trọ", anh Huỳnh giải thích.
Chỉ sau khi mua được nhà trả góp năm 2015 và bố mẹ hai bên thường xuyên lên Sài Gòn chơi, anh chị mới đi được đến thỏa thuận: Tết ai thích về đâu thì về, hai đứa con được tự do lựa chọn theo bố hay mẹ. "Khổ nỗi bọn trẻ thích về ngoại hơn nên tôi phải dùng nhiều chiến thuật nịnh con để chúng theo mình về nội. Bản thân tôi cũng đành xuống nước, về ngoại mấy ngày để sau đó cả vợ con có thể vui vẻ cùng tôi về nội nếu thời gian nghỉ Tết dài", anh Huỳnh kể.
Theo nhà tâm lý Trần Thị Hồng Hà (TP HCM), cuộc chiến về nội - về ngoại mỗi dịp Tết ở các cặp con một thường quyết liệt và dễ khiến người trong cuộc tổn thương nếu cả hai cố giữ cái tôi, muốn áp đặt bạn đời và có sự can thiệp của ông bà. Theo xu hướng xã hội, ngày càng nhiều gia đình chọn sinh một con thì rõ ràng đây là chuyện không hề hiếm.
Thực tế, những người đã quyết định chỉ sinh một con gái thường có tư tưởng khá tân tiến, không quá câu nệ việc con có về Tết bên mình hay không. Tuy nhiên, các cô gái giàu tình cảm vẫn muốn được quây quần bên cha mẹ, đồng thời họ cũng tiếp nhận tư tưởng mới, không chấp nhận lối suy nghĩ cũ "lấy chồng thì phải theo chồng" nên muốn đòi công bằng.
Bà Hà cho rằng, về nội về ngoại Tết là câu chuyện của mỗi nhà và cách xử lý tùy vào từng hoàn cảnh. Dù vậy, các đôi yêu nhau, nhất là những người là con một, cần trò chuyện thẳng thắn, cởi mở về chủ đề này, đưa ra giải pháp phù hợp với cả hai. "Các bạn không nhất thiết phải đòi công bằng bằng cách thay phiên về bên nội hay ngoại ăn Tết mà cần căn cứ vào sức khỏe của cha mẹ mỗi bên, khoảng cách địa lý, điều kiện kinh tế... Quan trọng nhất là cả hai cần có sự chia sẻ, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau, không dùng những tư tưởng cũ trói buộc người phụ nữ", bà Hà chia sẻ.
Theo bà, các đôi đã kết hôn là người trưởng thành, độc lập nên có thể tự quyết định mọi việc trong gia đình, kể cả việc ăn Tết ở đâu, thế nào. Bố mẹ hai bên không nên can thiệp vào việc này và những người có con một nên cố gắng có kế hoạch cho cuộc sống tuổi già để không quá phụ thuộc vào con cái.