Cuộc đua đặt mua vắc xin Covid-19 của các nước Đông Nam Á

Các quốc gia Đông Nam Á đang đẩy nhanh việc mua và tiêm chủng vắc xin trong bối cảnh một số loại vắc xin Covid-19 đã được cấp phép sử dụng tại nhiều nước trên thế giới.

Hàng loạt các quốc gia Đông Nam Á đang thúc đẩy việc mua sắm và tiêm chủng vắc xin Covid-19, theo NHK.

Các cơ quan y tế Singapore cho biết vắc xin Covid-19 do hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech của Đức hợp tác phát triển đã được chuyển tới nước này, việc tiêm chủng dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng tới. Singapore hy vọng sẽ có đủ liều, bao gồm cả vắc xin được sản xuất trong nước, vào ngày 30/9 năm sau để toàn dân được tiêm chủng cho đến cuối năm 2021.

Tại Indonesia, 1,2 triệu liều vắc xin Covid-19 đầu tiên của công ty Sinovac (Trung Quốc) đã được chuyến tới hôm 6/12. Nước này sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng vào đầu năm sau nếu được cơ quan giám sát dược phẩm BPOM phê duyệt, theo Straits Times.

Ngoài ra, Reuters đưa tin nước này đang hoàn tất các thỏa thuận để đảm bảo 50 triệu liều vắc xin coronavirus từ các nhà sản xuất Pfizer (Mỹ) và AstraZeneca (Anh). Dự kiến, vắc xin của AstraZeneca sẽ được chuyển đến Indonesia vào quý II/2021 và vắc xin của Pfizer vào quý III/2021.

Trong khi đang tự phát triển vắc xin trong nước. Thái Lan cũng đang đàm phán với các công ty dược phẩm về việc mua đủ vắc xin cho một nửa dân số. Quốc gia này đã đặt mua 26 triệu liều vắc xin của AstraZeneca, đủ cho 13 triệu dân. Ngoài việc cung cấp vắc xin, AstraZeneca cũng sẽ hỗ trợ Thái Lan sản xuất hàng loạt vắc xin tại nhà máy của Tập đoàn Siam Bioscience, theo Bangkok Post.

Nếu việc đàm phán diễn ra suôn sẻ, Malaysia hy vọng sẽ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 70% dân số. Tháng trước, Malaysia thông báo đã đạt được thỏa thuận mua 12,8 triệu liều vắc xin của Pfizer/BioNTech. Theo đó, Pfizer sẽ cung cấp một triệu liều đầu tiên trong quý I/2021, và lần lượt 1,7 triệu, 5,8 triệu và 4,3 triệu liều trong các quý tiếp theo. Chính phủ nước này cũng đang đàm phán với các công ty dược phẩm khác để đảm bảo có thêm vắc xin, theo Reuters.

Một số quốc gia khác trong khu vực cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vắc xin. Những loại vắc xin mà Myanmar muốn mua chỉ có thể đủ cho 20% dân số nước này. Trong khi đó, Philippines mới đạt được một thỏa thuận mua 2,6 triệu liều vắc xin của AstraZeneca. Nước này có kế hoạch mua 25 triệu liều vắc xin của Sinovac (Trung Quốc) với đơn hàng dự kiến bàn giao vào tháng 3/2021, và đặt mục tiêu mua từ 4-25 triệu liều vắc xin của hai công ty Moderna và Arcturus Therapeutics (Mỹ). Các công ty Mỹ trên có thể cung cấp vắc xin từ quý III/2021, theo Straits Times.

Myanmar và Philippines đang cố gắng mua vắc xin thông qua sáng kiến vắc xin COVAX, sáng kiến do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lãnh đạo, là một cơ chế chia sẻ rủi ro toàn cầu để mua vắc xin chung và phân phối công bằng tới những liều vắc xin Covid-19 cuối cùng. Nhưng sáng kiến vắc xin COVAX chỉ có thể bao phủ một phần dân số của mỗi quốc gia.

Ở các quốc gia đang kiểm soát khá tốt dịch bệnh như Campuchia và Lào, việc mua vắc xin có vẻ chậm nhưng có chọn lọc hơn.

Campuchia cho biết đã đặt mua vắc xin cho 20% dân số (3,2 triệu người) thông qua Cơ chế COVAX. Chính phủ nước này hiện đã để riêng một quỹ khoảng 100 triệu USD dành cho việc mua vắc xin và khẳng định chỉ mua loại vắc xin đã được WHO phê chuẩn, theo TTXVN.

Về phía Lào, Xinhua cho biết quốc gia này dự kiến sẽ nhận và phân phối vắc xin Covid-19 được sản xuất tại Anh trong năm 2021.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.