Cuộc đua số hóa trên thị trường cho vay tiêu dùng

Số hóa được cho là giải pháp quan trọng nhằm phục hồi tốc độ tăng trưởng của các công ty tài chính tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Tác động của Covid-19 thúc đẩy doanh nghiệp khẩn trương thực hiện số hóa vay tiêu dùng

Theo số liệu từ FiinGroup, năm 2018, mức độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng Việt Nam chững lại ở mức 30,4%, cùng với đó sức tăng trưởng của các công ty tài chính tiêu dùng cũng giảm xuống.

Tuy nhiên đến năm 2019, "sân chơi" cho vay tiêu dùng trở nên cạnh tranh hơn khi có nhiều các công ty vay tiêu dùng tham gia vào như Shinhan Finance, Lotte Finance…

Đến năm 2020, tăng trưởng của những công ty trong ngành còn sụt giảm nặng nề hơn trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu.

Đại dịch Covid-19 đã tác động đến hành vi chi tiêu của người dân, đặc biệt khi Chính phủ triển khai cách li xã hội.

Tuy nhiên, theo thông tin từ báo Đầu tư, lãnh đạo các công ty tài chính đều khẳng định thị trường tiêu dùng tài chính sẽ tiếp tục phát triển nếu bỏ qua yếu tố tác động của Covid-19.

Đồng thời, tốc độ phát triển chậm lại trong năm 2020 cũng là cơ hội để các công ty tài chính cơ cấu lại hoạt động, thu hút thêm nhiều khách hàng tiềm năng.

Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh và sự phát triển không ngừng của số hóa, đẩy mạnh đầu tư công nghệ là giải pháp hiệu quả để đem đến những sản phẩm tài chính chất lượng dành cho người tiêu dùng.

Các hình thức số hóa cho vay tiêu dùng thu hút khách hàng tiềm năng

Số hóa cho vay tiêu dùng là cuộc đua của các công ty tài chính để đưa ứng dụng số vào hoạt động, thay thế các hình thức truyền thống trước đây.

Cạnh tranh thị trường số hóa vay tiêu dùng  - Ảnh 1.

Người tiêu dùng đang dần tiếp cận với các hình thức vay trực tuyến. (Ảnh: Zing News).

Theo Thời báo Ngân hàng, Home Credit lựa chọn đầu tư công nghệ cho khâu thẩm định rủi ro từ năm 2017. Công nghệ trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Big Data là những giải pháp giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý thông tin của công ty này trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, những công nghệ này còn giúp khách hàng đăng ký khoản vay chỉ trong hai phút, sau đó nhận kết quả thẩm định trong 10 phút sẽ nhận khoản vay.

Trong khi đó, FE Credit ra mắt ứng dụng $NAP năm 2018 với mong muốn đem lại trải nghiệm vượt trội và đáp ứng nhiều nhu cầu đa dạng của khách hàng. Khi sử dụng ứng dụng này, người đi vay chỉ mất 15 phút thao tác và không cần tới sự tham gia của con người, thay vì mất 4-5 ngày như trước đây.

Ngay sau đó công ty này cũng phát triển ứng dụng trên thiết bị di động, tối ưu khả năng khách hàng tự giải quyết các vấn đề cá nhân bằng những thao tác đơn giản trên điện thoại.

Việt Credit đã chính thức thử nghiệm mô hình đăng ký phát hành thẻ vay trực tuyến ACM (Automated Contract Machine) từ tháng 8/2020.

Mô hình này cho phép tư vấn viên hướng dẫn người đăng ký vay bằng video call trên các thiết bị tablet (máy tính bảng). Các thiết bị này được gắn thử tại các công ty, nhà máy lớn tại quận Thủ Đức và quận Tân Bình.

Lợi ích nhân đôi

Mục đích chung cho các nỗ lực cải tiến công nghệ là đem lại trải nghiệm vượt trội cho khách hàng, đáp ứng được nhu cầu đa dạng, rút ngắn thời gian nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả cho cả hai phía là công ty tài chính và người tiêu dùng.

Những giải pháp công nghệ được kỳ vọng đã và đang đem lại những bước tiến mới trên lộ trình số hóa dịch vụ tài chính Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn báo Đầu tư, ông Kalidas Chose, Tổng giám đốc FE Credit cho biết, năm 2019, ứng dụng di động $NAP của FE Credit đã có hơn 1,6 triệu lượt tải xuống.

Khảo sát từ Kantar Worldpanel vào tháng 2/2019 cho thấy, Home Credit là công ty tài chính tiêu dùng có thời gian thẩm định kết quả vay nhanh nhất thị trường. Ứng dụng Home Credit tính đến tháng 5/2020 có hơn với 5,4 triệu lượt tải.

Việc khách hàng sử dụng các ứng dụng công nghệ sẽ tiết kiệm thời gian đến các điểm giới thiệu dịch vụ của các công ty tài chính để gặp trực tiếp tư vấn viên. Mặt khác, đây cũng là cách giúp khách hàng yên tâm giao dịch hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 đang trở thành nỗi lo lớn hiện nay.

Số liệu từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, xét về cơ cấu độ tuổi, Việt Nam đang trong giai đoạn "cơ cấu dân số vàng", với khoảng 68% số dân có độ tuổi 15 - 64 tuổi. Ðây là nhóm tuổi lao động với nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng. Theo đó, các hình thức vay trả góp, vay tiêu dùng cũng trở nên phổ biến hơn.

Báo cáo "Triển vọng tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam" tháng 7/2020 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, thị trường tiêu dùng Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển nhờ lợi thế cơ cấu dân số trẻ và tốc độ tăng trưởng ổn định những năm gần đây.

chọn
Cho vay bất động sản tại nhiều ngân hàng tăng mạnh, trái phiếu doanh nghiệp chờ bứt phá
Khép lại năm 2024, tín dụng bất động sản vẫn khẳng định vai trò là nguồn vốn chủ lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường, trong khi xu hướng phát hành trái phiếu tiếp tục chậm lại bởi sự thận trọng của các chủ đầu tư. Bước vào chu kỳ mới, thị trường tín dụng và trái phiếu bất động sản được kỳ vọng sẽ được giải quyết các vướng mắc pháp lý nhờ các chính sách của Chính phủ.