Cuộc hồi sinh Trấn Sông Hồng nghìn tỷ sau 28 năm lại gặp khó với quy hoạch Sông Hồng vừa duyệt

Số phận dự án Trấn Sông Hồng chưa hết long đong sau 28 năm "treo" bên bờ sông Hồng.

Dự án nghìn tỷ “treo” 28 năm bên bờ sông Hồng

 

UBND TP Hà Nội đã có báo cáo gửi HĐND TP về việc trả lời kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố khóa XVI.

 

Theo văn bản này, cử tri Hà Nội đã đặt câu hỏi về những vướng mắc của dự án Sông Hồng City (Song Hong City), hay còn gọi là Trấn Sông Hồng. Dự án này đã "treo" 28 năm bên sông Hồng.

 

Trả lời liên quan đến dự án này, UBND TP Hà Nội cho biết, dự án được thành lập theo giấy phép đầu tư do Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp ngày 29/11/1994 cho Công ty Phát triển đô thị, được điều chỉnh vào năm 1997 bởi Bộ Kế hoạch và đầu tư.

 

Mục tiêu cửa dự án là xây dựng một quần thể công trình bao gồm khu nhà ở, khu nhà văn phòng thương mại, khách sạn và các công trình tiện ích công cộng để cho thuê tại Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá, quận Ba Đình.

 

Dự án có diện tíchh 51.300 m2, tổng vốn đầu tư 240.000.000 USD (khoảng 5,5 nghìn tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại). Tiến độ dự kiến khi đó là trong vòng 8 năm, thời hạn dự án là 45 năm kể từ thời điểm được cấp phép đầu tư.

 

 Phối cảnh dự án Song Hong City. (Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp).

Về tình hình triển khai, nhà đầu tư đã ký hợp đồng thuê đất ngày 18/4/1995 và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. UBND quận Ba Đình và Tây Hồ đã thành lập Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng. Theo báo cáo, từ năm 2002, chủ đầu tư đã ký hợp đồng liên kết giữ an ninh trật tự với Công an phường Yên Phụ cho UBND phường Phúc Xá mượn một phần mặt bằng của Dự án để làm sân thể thao và làm dịch vụ kết hợp bảo vệ.

 

Về quy hoạch, dự án được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào ngày 1/8/1995.

 

Theo UBND TP Hà Nội, dự án Sông Hồng City bị dừng triển khai do các nguyên nhân khách quan và chủ quan.

 

Cụ thể, về chủ quan, giai đoạn từ năm 1997 - 2001, do ảnh hường và tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực châu Á, thị trường bất động sản suy thoái, nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính dẫn đến dự án bị ngừng triển khai.

 

Về khách quan, dự án chậm là do có sự thay đổi pháp luật đê điều. Theo đó, từ năm 2001, dự án bị ngừng triển khai do chưa phù hợp quy định của Pháp lệnh Đê điều (hiệu lực từ 1/1/2001). Sau khi Luật Đê điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007, dự án thuộc quy hoạch thoát lũ.

 

Thành phố Hà Nội đã triển khai lập quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của các tuyến sông có đê để làm cơ sở cho việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hai bên bờ sông Hồng.

 

Ngày 18/2/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. UBND TP Hà Nội đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập quy hoạch phòng chống lũ chi tiết, trình HĐND TP thông qua. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch tạm dừng để xin ý kiến hướng dẫn đảm bảo phù hợp Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019).

 

 

 Khu vực phường Phúc Xá, quận Ba Đình. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Vị trí khu đất dự án nằm trong vùng cảnh quan hai bên sông Hồng thuộc khu vực triển khai lập quy hoạch phân khu R4. Tại văn bản ban hành ngày 6/7/2011, UBND TP Hà Nội chỉ đạo trong thời gian chờ quy hoạch phân khu được cấp có thẩm quyền phê duyệt không triển khai các đồ án, dự án quy hoạch xây dựng mới có tính chất kinh doanh bất động sản.

 

Ngày 25/3 vừa qua, UBND TP Hà Nội phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu Sông Hồng  tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở).

 

“Như vậy việc ngừng triển khai dự án do nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó có sự thay đổi quy định pháp luật nhà nước về quy hoạch đê điều, quy hoạch thoát lũ, quy hoạch phân khu qua các thời kỳ. UBND Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch Kiến trúc và các sở ngành có liên tiếp tục rà soát căn cứ quy định của pháp luật và thực tiễn triển khai dự án, đề xuất phương án giải quyết phù hợp,” nội dung văn bản của UBND TP Hà Nội cho biết.

 

Nằm trong vùng hạn chế cao tầng phân khu Sông Hồng

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án Sông Hồng City nằm trong bãi sông quận Ba Đình. Đây là địa điểm thuộc phân đoạn 2 theo quy hoạch phân khu Sông Hồng - từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì (đoạn R3-R4).

 

Khu vực phố Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá hiện nay là khu dân cư dày đặc. Quy hoạch phân khu sông Hồng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt có nêu nguyên tắc là tuân thủ các quy định tại Luật Đê điều, Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Theo quy hoạch phân khu Sông Hồng thì khu dân cư nêu trên nằm trong nhóm các khu vực được giữ lại theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô nhưng chưa có tên trong Quy hoạch phòng chống lũ và đê điều.

Đối với các khu dân cư này, quy hoạch phân khu xác định “được tồn tại, bào vệ; được cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở theo quy họạch xây dựng, đô thị, quy hoạch sử dụng đất; được sử dụng thêm một phần bãi sông để bổ trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân cư nằm rải rác gần khu vực, với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có”.

Cụ thể, quy hoạch phân khu Sông Hồng nêu rõ: “Các khu vực dân cư hiện có giữ lại, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết theo quy hoạch xây dựng chưa có trong Phụ lục III Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016  của Thủ tướng Chính phủ và các khu dân cư hiện có đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất được tồn tại, bảo vệ tại Vân bản số 4409/BNN-PCTT ngày 14/7/2021, bao gồm: Các khu vực dân cư hiện có ở bãi sông thuộc các quận Tây Hô, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng. Trừ một số khu dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi cố lũ lớn, các khu vực còn lại được tồn tại, bảo vệ; được cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở theo quy họạch xây dựng, đô thị, quy hoạch sử dụng đất; được sử dụng thêm một phần bãi sông để bổ trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân cư nằm rải rác gần khu vực, với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có (theo Phụ lục III Quyểt định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ), UBND các cấp ở địa phương và các hộ dân phải có phương án chủ động đảm bảo an toàn trong trường hợp xảy ra lũ lớn”.

Theo quy hoạch đã được duyệt, đây là khu vực trung tâm của phân khu đô thị sông Hồng, với phía Bắc gồm các khu vực làng xóm đô thị hóa thuộc huyện Đông Anh, quận Long Biên và khu vực đât bãi được nghiên cứu xây dựng. Phía nam thuộc các quận nội đô như Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai gồm đất ở đô thị với mật độ rất cao, đất bãi và khu vực bãi giữa.

 

Đây được định hướng là khu vực đa chức năng, với các công trình công cộng văn hóa, thương mại dịch vụ và các không gian cảnh quan thúc đẩy tiện nghi giải trí của đô thị ở khu vực bãi giữa, trục không gian lịch sử liên kết khu vực Hồ Tây - Cổ Loa.

 

Khu vực nam sông Hồng thuộc phân đoạn này có tổng diện tích khoảng 358 ha, dân số khoảng 127.900 người. Theo quy định về tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan của quy hoạch phân khu Sông Hồng thì phía bờ nam sông Hồng thuộc đoạn R3-R4 (nơi có dự án Sông Hồng City) là khu vực hạn chế công trình cao tầng.   

 

“Tổ chức các khu nhà ở hiện đại chất lượng cao đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, theo hướng mật độ xây dựng thấp, cao tầng ở các khu vực phía bắc sông Hồng đoạn R3-R4, thấp dần về hai bên. Phía nam sông Hồng đoạn R3-R4, hạn chế tối đa bố trí công trình cao tầng, quản lý đặc biệt tại trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa.

Bổ sung nâng cấp hệ thống dịch vụ hạ tầng xã hội: giáo dục, y tế, vãn hỏa, dành quỹ đất tổ chức không gian cây xanh, quảng trường, thu hút các hoạt động công cộng ngoài trời,” quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu Sông Hồng nêu rõ.

 

Nhiều dự án duyệt trước năm 2008 tạm dừng triển khai để rà soát 

Văn bản báo cáo gửi HĐND TP Hà Nội về việc trả lời kiến cử tri lần này của UBND TP Hà Nội cũng đề cập đến hai dự án bất động sản khác đang gặp vướng mắc về quy định pháp luật, trong đó có khu đô thị Mỹ Hưng và khu đô thị Hồng Thái.

 

Đối với khu đô thị Mỹ Hưng, đây là dự án của Công ty CP Picenza Mỹ Hưng. Cử tri cho biết dự án đã kéo dài ba năm, gây khó khăn cho một số hộ dân nằm trong quy hoạch khi làm các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, diện tích liên quan đến đất ở nằm trong quy hoạch của dự án chưa thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng. Cử tri đề nghị đề nghị thành phố cho biết dự án có tiếp tục triển khai nữa hay không?

 

Trả lời vấn đề này, UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đã có văn bản từ ngày 6/12/2017 cho phép Công ty CP Picenza Mỹ Hưng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và chuyển mục đích sử dụng (19,7ha) để thực hiện dự án Khu dân cư mới Picenza Mỹ Hưng trên địa bàn phường Trung Hung, xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây.

 

Hiện nay, Công ty CP Picenza Mỹ Hưng đã hoàn thành công tác nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 140.864 m2 đất tại xã Thanh Mỹ và phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, trong đó có 374,1 m2 là đất ở; còn lại là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp chưa được cấp thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sang làm đất ở.

 

“Nhà đầu tư đang thực hiện thủ tục về đầu tư của dự án, tuy nhiên việc triển khai dự án nhà ở tại khu đất do nhà đầu tư nhận chuyển nhượng còn có vướng mắc do sự thiếu đồng bộ về quy định pháp luật giữa Luật nhà ở với Luật Đất đai và Luật Đầu tư. Sau khi có quy định của pháp luật tháo gỡ vướng mắc, mới có cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện dự án,” văn bản của UBND TP Hà Nội cho biết.

 

Đối với khu đô thị Hồng Thái, dự án này có diện tích 47,7 ha và nhiều năm chưa khởi công tại huyện Đan Phượng. Đây là một trong nhiều dự án tồn tại từ trước khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, đã được UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) lựa chọn chủ đầu tư phê duyệt dự án.

 

UBND TP Hà Nội cho biết, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố phải rà soát cũng như nghiên cứu điêu chỉnh quy hoạch đê phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng huyện Đan Phượng...

 

Cho tới nay, các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, đất đai... đều đã có sự thay đổi.

 

Để đảm bảo chặt chẽ, tuân thủ các quy định pháp luật, đánh giá cụ thể các tác động của dự án đến việc phát triển kinh tế xã hội của thành phố, địa phương cũng như đời sống của nhân dân có đất trong phạm vi dự án, tháng 12 năm ngoái, UBND TP Hà Nội đã thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra, rà soát các dự án xây dựng khu nhà ở, khu đô thị được giao triển khai từ trước ngày 01/8/2008 được chuyển tiếp từ các tỉnh Hà Tây, Hòa Bình và Vĩnh Phúc về Thành phố Hà Nội để đề xuất phương án xử lý.

 

“Đây là nhiệm vụ quan trọng, khối lượng công việc lớn. Hiện Tổ công tác đang triển khai thực hiện nhiệm vụ,” UBND TP Hà Nội cho hay.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.