Quy hoạch phân khu sông Hồng được duyệt: Triển vọng đô thị ven sông Hà Nội như Thượng Hải, Sydney?

Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống của Hà Nội hay đề án "Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020 - 2045” của TP HCM được các chuyên gia Savills kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo đô thị dọc bờ sông của hai thành phố.

Ngày 5/4, UBND TP Hà Nội đã công bố các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) và Quy hoạch phân khu sông Đuống (R6), tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng) thuộc địa phận quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm.

Lãnh đạo thành phố cho biết các đồ án được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để lập kế hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn. Đồng thời hình thành các trục không gian đặc trưng hành lang xanh với chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa lịch sử, dịch vụ du lịch, giải trí của Hà Nội. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững. 

Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, thuộc địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Trước đó, ngày 17/3, TP HCM đã khánh thành công viên bến Bạch Đằng với quy mô khoảng 1,6 ha. Quảng trường quanh tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo và bờ sông Sài Gòn khu vực trung tâm quận 1 đã được chỉnh trang, khoác lên diện mạo mới hiện đại, văn minh và thoáng mát. Công trình này là một trong những bước đầu tiên và là tiền đề cho việc quy hoạch đồng bộ khu vực ven sông Sài Gòn sau khi đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP HCM giai đoạn 2020 - 2045” được UBND TP HCM phê duyệt.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia của Savills bày tỏ kỳ vọng vào sự thay đổi diện mạo đô thị dọc bờ sông của Hà Nội và TP HCM - hai thành phố vốn có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác và đầu tư tương xứng. 

Theo ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam, Hà Nội và TP HCM giống như nhiều đô thị sông nước nổi tiếng trên thế giới, được thiên nhiên ưu ái với địa thế có những con sông lớn chảy qua. Những động thái mới đây của chính quyền Hà Nội và TP HCM về việc phát triển khu vực ven sông là một tín hiệu đáng mừng, giúp phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, tạo nét đặc trưng độc đáo của đô thị cũng như khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ.

Dẫn chứng về nhiều dự án quy hoạch đô thị ven sông trên thế giới, ông Troy Griffiths cho rằng có công thức chung cho sự thành công của các thành phố này.

Đơn cử, Bến Thượng Hải (Thượng Hải, Trung Quốc) được xem là một hình mẫu về không gian công cộng của các thành phố châu Á với bản sắc lịch sử độc đáo và không gian xanh, tạo ra một khu vườn từ quận Hồng Khẩu hướng về sông Hoàng Phố. 

Giống như sông Sài Gòn, sông Hoàng Phố cũng được coi là trái tim của Thượng Hải và người dân. Việc quy hoạch đồng bộ cho toàn khu vực đã giúp người dân cũng như các du khách được kết nối với dòng sông và các di sản văn hóa tại thành phố này. 

Một dự án chỉnh trang đô thị nổi tiếng trên thế giới khác là bờ phía Tây của khu trung tâm thành phố Sydney (Australia) - Barangaroo. Chuyên gia Savills cho biết Barangaroo từng là một cảng container bị bỏ hoang với quy mô lên đến 22 ha. Đến nay, khu vực này đã trở thành một trung tâm văn hóa, kinh tế năng động.

Dự kiến, sau khi ga tàu điện ngầm tại đây được hoàn thiện vào năm 2024, hơn một nửa diện tích Barangaroo sẽ trở thành không gian công cộng đặc biệt mang tiêu chuẩn kiến trúc bền vững với phố đi bộ, công viên, quảng trường, không gian sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật và là nơi làm việc lý tưởng cho người dân. Chính phủ Australia cũng đặt mục tiêu Barangaroo sẽ tạo ra 23.000 công ăn việc làm, là nơi sống của 3.500 cư dân và đóng góp 2 triệu AUD cho nền kinh tế bang New South Wales trong tương lai. 

Với những dẫn chứng này, ông Troy Griffiths khẳng định đây là xu hướng đúng đắn trong phát triển xanh và bền vững của các đô thị lớn với lợi thế gần sông hay biển, đồng thời giữ được bản sắc văn hóa của địa phương.

“Đặc biệt, với các thành phố có diện tích đất dành cho công viên và các công trình công cộng còn hạn chế như Hà Nội và TP HCM, việc có một quy hoạch bài bản và đồng bộ cho bờ sông Sài Gòn và sông Hồng sẽ là chất xúc tác quan trọng để phát triển đô thị mang “cảm giác về nơi chốn” (sense of place) và nhiều không gian công cộng”, vị Phó Tổng giám đốc Savills bình luận. 

Cũng theo chuyên gia Savills Việt Nam, các kế hoạch về việc phát triển khu vực ven sông Sài Gòn và sông Hồng cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”.

“Sự đồng bộ của quy hoạch đô thị là một vấn đề nóng, đang được quan tâm của chính quyền các địa phương trong thời gian gần đây. Hiện nay, nhiều quốc gia có nền kinh tế trỗi dậy nhanh chóng đang lãng phí các nguồn lực do phát triển một cách thiếu kiểm soát. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể tránh được nếu mỗi quốc gia quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và các tài nguyên một cách chiến lược và đồng thời, từ đó mang đến một kết quả tối ưu và bền vững”, chuyên gia Savills nêu quan điểm.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.