Đại biểu Quốc hội chia sẻ cân nhắc khi biểu quyết Luật An ninh mạng

Giữ an ninh quốc gia trên không gian mạng phải đi liền với đảm bảo quyền công dân là ý kiến chung của nhiều đại biểu Quốc hội.

Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua sáng 12/6 với 423 trong tổng số 466 đại biểu có mặt tán thành (tỷ lệ 86,86%); 15 đại biểu không tán thành; 28 đại biểu không biểu quyết.

Chia sẻ với VnExpress bên hành lang nghị trường, nhiều đại biểu cho hay đã cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định chính kiến của mình.

dai bieu quoc hoi chia se can nhac khi bieu quyet luat an ninh mang
Các đại biểu bấm nút thông qua dự Luật an ninh mạng tại phiên họp sáng 12/6. Ảnh: Hoàng Phong.

"Xem xét điều chỉnh Luật nếu phát sinh vấn đề"

Ông Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội chia sẻ, với dự án Luật An ninh mạng, ông không chỉ tự mình nghiên cứu mà còn tham khảo chuyên gia cũng như lắng nghe ý kiến cử tri.

"Cả trước và sau khi thông qua Luật, tôi đều nhận được các góp ý, nội dung rất đa chiều chứ không đơn thuần là phản ứng với quy định của dự thảo, do vậy việc phân tích, so sánh ở đây cũng cần nhìn nhận đa chiều", ông Cường nói.

Theo ông, với một đạo luật thì "bao giờ cũng có mặt được, chưa được nhưng nếu thấy mặt được lớn hơn thì phải quyết định". Cụ thể cái được ở đây là bảo vệ an ninh mạng, là chống hacker, chống lan truyền thông tin xấu độc, không đúng sự thật có thể dẫn đến tình trạng mất kiểm soát của một bộ phận người dân...

"Cử tri băn khoăn liệu có hay không việc kiểm soát, can thiệp quá nhiều vào quyền riêng tư, cơ quan chức năng lạm dụng… Tuy nhiên, không phải chúng ta ban hành Luật ra rồi thôi. Băn khoăn của cử tri nếu không xảy ra thì không có gì phải e ngại, còn nếu phát sinh vấn đề thì Quốc hội sẽ xem xét điều chỉnh", ông Cường nêu ý kiến.

dai bieu quoc hoi chia se can nhac khi bieu quyet luat an ninh mang
Hiệu phó ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội Hoàng Văn Cường. Ảnh: Hoàng Phong.

Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền thì cho rằng "những băn khoăn, phản ứng của cử tri về dự án Luật An ninh mạng đã khiến đại biểu cân nhắc rất nhiều trước khi bấm nút".

Quá trình xây dựng Luật, Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu góp ý, chỉnh lý dự thảo ở mức tối đa; hạn chế thấp nhất sự can thiệp hành chính của Nhà nước với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

"Kết quả biểu quyết với tỷ lệ tán thành hơn 86%, có 15 đại biểu không tán thành và 28 người không biểu quyết, nghĩa là không phải tuyệt đối như nhiều dự Luật khác", ông Xuyền dẫn chứng.

Thường trực Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, Luật đã được thông qua nên thời gian tới trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn thuộc về Chính phủ, sao cho hạn chế được các xung đột. Ví dụ, công tác thẩm định hệ thống thông tin quốc gia; quy trình kiểm tra, giám sát, xử lý khi có vi phạm với doanh nghiệp, cá nhân,… đều cần quy định cụ thể tại nghị định hướng dẫn theo hướng đảm bảo tối đa quyền của người dân.

Cho rằng quyền tự do cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp rất rõ, ông Xuyền nhấn mạnh không ai ngăn cấm người dân sử dụng mạng xã hội, tiếp cận công nghệ thông tin...; trường hợp vi phạm pháp luật thì cơ quan quản lý nhà nước mới vào cuộc.

"Trong thực tế có thể nảy sinh chuyện áp dụng tuỳ tiện, song khi cơ quan quản lý vượt quá giới hạn cho phép thì tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định, chứ không phải ra Luật rồi cơ quan chức năng muốn làm gì thì làm", ông Xuyền nói.

"Đảm bảo Google hay Facebook tiếp tục hoạt động ở Việt Nam"

Giám đốc Học viện cán bộ TP HCM Trần Hoàng Ngân chia sẻ, trước nhiều ý kiến trái chiều về dự Luật an ninh mạng thì "tất cả đều phải suy nghĩ" khi quyết định ấn nút.

Ông cho rằng, "đây là vấn đề phải đi hai chân", nghĩa là làm sao để phát triển công nghệ thông tin, phát triển nền kinh tế số trong thời đại 4.0 và giữ được an ninh quốc gia trên không gian mạng.

"Phải đảm bảo Google hay Facebook tiếp tục hoạt động ở Việt Nam, bảo vệ những người sử dụng mạng theo đúng quy định luật pháp, để họ không có gì lo ngại", ông Ngân nói.

dai bieu quoc hoi chia se can nhac khi bieu quyet luat an ninh mang
PGS TS Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Hoàng Phong.

Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình Nguyễn Tiến Sinh nêu quan điểm, bên cạnh đa số đồng ý thông qua Luật An ninh mạng thì có những đại biểu chưa tán thành, đó là cách tiếp cận của từng đại biểu và cần được tôn trọng.

Theo ông Sinh, có những đại biểu chưa đồng tình không có nghĩa là họ không muốn có hành lang pháp lý về an ninh mạng mà muốn có quy định chặt chẽ hơn, cụ thể hơn.

Trước đó, là một trong 15 đại biểu ấn nút không tán thành thông qua Luật An ninh mạng, ông Dương Trung Quốc đã công khai "lá phiếu" của mình và cho hay ông ấn nút như vậy "để tránh những rủi ro có thể đến" trong trường hợp quy định của Luật không phù hợp với thực tiễn.

Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019.

Luật An ninh mạng gồm bảy chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

An ninh mạng được định nghĩa là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bảo vệ an ninh mạng là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm trong lĩnh vực này.

dai bieu quoc hoi chia se can nhac khi bieu quyet luat an ninh mang Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày nào?

Sáng 12/6, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng với hơn 86% đại biểu đồng ý tán thành dự luật. Như vậy, Luật ...

dai bieu quoc hoi chia se can nhac khi bieu quyet luat an ninh mang Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua có những gì?

Toàn văn Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua sáng nay (12/6).

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.