Những cạm bẫy, nhiễu loạn trên không gian mạng

“Nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian” là một trong những đặc điểm của không gian mạng. Cũng bởi đặc điểm này mà trong quá trình tham gia online có thể nhiều người đã không giới hạn được chính mình trở thành nạn nhân thậm chí “thủ phạm” trên không gian mạng.

Cái giá phải trả cho sự vô tình, lẫn cố tình của mỗi cá nhân trên thế giới ảo lại hiện hữu bằng sự hủy hoại thanh danh, các bản án hay là sự giày vò tâm can… Còn với cộng đồng, thì đấy là sự nhiễu loạn gây bất ổn xã hội, đẩy lùi sự tiến bộ.

Ghi nhận của chúng tôi về những hệ lụy dễ nhìn thấy trên không gian mạng phần nào phản ánh thực trạng này. Nó cũng cho thấy, sự cần thiết phải có luật để quản lý và bảo đảm sự an toàn cho mỗi chúng ta và vì phát triển chung của đất nước.

Bài 1: “Rắc lông ngỗng”

“Rắc lông ngỗng” là cách nói chuẩn xác về tình trạng đi đâu, ăn gì, ngủ đâu, làm đâu, học đâu, thích gì, vui hay buồn… cũng được người dùng mạng xã hội check in. Cái kết buồn trong câu chuyện “rắc lông ngỗng” của nàng Mỵ Châu hẳn mọi người đều thuộc nằm lòng.

Thế nhưng, trên không gian mạng hiện nay, đâu chỉ có một nàng Mỵ Châu yêu đến dại khờ, mà hàng triệu tín đồ của các mạng xã hội vẫn đang hồn nhiên “phơi bày” những thông tin cá nhân nhẽ ra cần phải bảo mật. Thông tin cá nhân bị lộ lọt là miếng mồi béo bở để những kẻ ác tâm lợi dụng, và hậu quả thì muôn hình, muôn vẻ…

Hồn nhiên phơi bày thông tin cá nhân và những cái kết buồn

Bạn đã bao giờ tạo một tài khoản facebook? Nếu đã từng, thì bạn biết rõ phải khai những gì. Còn nếu lập một địa chỉ email thì những thông tin phải “khai báo” còn nhiều hơn. Nếu như các nhà cung ứng dịch vụ đảm bảo chắc chắn, những thông tin mà người tham gia khai báo được bảo mật tuyệt đối thì chúng ta có thể tạm yên tâm.

nhung cam bay nhieu loan tren khong gian mang
Rất nhiều thông tin cá nhân đã bị lộ lọt trên không gian mạng.

Nhưng còn những thứ không thuộc bảo mật mà chúng ta cứ hồn nhiên trưng ra cho bàn dân thiên hạ như: ngày tháng năm sinh, quê quán, trường học, tình trạng hôn nhân, bạn bè, hội nhóm, sở thích và đặc biệt là hình ảnh cá nhân thì nhiều nhan nhản.

Những chia sẻ này sẽ là hữu ích trong giao lưu, kết bạn, tâm tình, kết nối… nhưng sẽ gây hại khi bị lợi dụng cho mục đích xấu. Sự cố Facebook toàn cầu lộ lọt thông tin cá nhân của 87 triệu người sử dụng mạng xã hội này là một ví dụ điển hình.

Với số lượng hơn 2 tỷ người tham gia mạng xã hội Facebook, thông tin này khiến mọi người sửng sốt. Trong hai phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ, người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg thừa nhận, Facebook đã thu thập tất cả dữ liệu cá nhân và theo dõi người dùng cả khi không đăng nhập.

Vậy là, khi chúng ta chính thức trở thành thành viên của mạng xã hội này thì chấp nhận bị camera giấu kín theo dõi 24/24h !!!

Trao đổi với một chuyên gia về lĩnh vực an ninh mạng, chúng tôi được biết, khi thông tin cá nhân bị lộ lọt, thì hậu quả khôn lường. Ví dụ, một công ty chuyên khai thác thông tin cá nhân để phục vụ bầu cử Tổng thống ở quốc gia nọ sau khi thu thập sẽ tiến hành phân tích thông tin.

Từ dữ liệu thu thập được, biết chị A hay đi làm đẹp, sẽ biết chị có sở thích này. Lúc đó, công ty này sẽ gửi thông tin cho chị A rằng, ứng cử viên B nếu trúng cử sẽ ủng hộ cộng đồng những người có sở thích làm đẹp.

Do bị “điểm trúng huyệt” nên khả năng chị A bỏ phiếu cho ứng cử viên B rất lớn. Như vậy, từ bị lộ lọt thông tin cá nhân, chị A đã bị vận động bầu cử một cách tinh vi.

Trong scandal lộ lọt thông tin cá nhân của Facebook, có hơn 425.000 tài khoản người dùng mạng xã hội này ở Việt Nam. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 9/10 quốc gia có số lượng người bị lộ thông tin nhiều nhất trong sự cố này.

Theo một số chuyên gia, việc bảo vệ các thông tin cá nhân của người dùng trên mạng xã hội không chỉ là trách nhiệm của nhà cung cấp ứng dụng mà còn của mỗi cá nhân. Thế nhưng, nhìn lại thực tế ở Việt Nam thì người dùng mạng xã hội ở nước ta rất chủ quan, tự biến mình thành miếng mồi ngon.

Như trên đã nói, đó là việc người dùng tài khoản mạng xã hội tự “rắc lông ngỗng” khi hồn nhiên đăng tải số điện thoại, số chứng minh nhân dân, địa chỉ email, địa chỉ nhà, địa chỉ nơi làm việc, hình ảnh cá nhân, hình ảnh con, trường học của con…

Chưa nói đến việc, thông tin cá nhân của người dùng mạng xã hội bị các công ty chuyên khai thác thông tin cá nhân để phục vụ vào các mục đích chính trị, kinh tế, mà chỉ ở góc độ an toàn cho bản thân và con cái họ đã là vấn đề rất đáng quan ngại.

Cách đây không lâu, câu chuyện của một phụ huynh ở Mỹ có con gái 5 tuổi bị bắt cóc được chia sẻ khiến những người có thói quen khoe con trên mạng xã hội giật mình.

Theo chia sẻ này, người phụ nữ trên thường hay đưa ảnh con lên mạng xã hội và trong một lần đưa con đến trường, chị cũng check in. Thông tin này bị một người mà chị vừa đồng ý kết bạn chớp lấy và đã đến trường bắt cóc đứa bé. Thật khó để kiểm chứng thực hư câu chuyện nhưng căn cứ vào “đời sống” của không gian mạng và đời sống thực thì thấy khả năng xảy ra rất lớn.

Còn ở nước ta, những vụ việc các bé gái bị “hại đời” sau khi được/bị làm quen trên mạng xã hội thì nhiều. Chỉ cần tìm trên google là ra vô khối kết quả. Điển hình như câu chuyện của bé T., ở tỉnh Bến Tre là điển hình.

Bé T. quen Nguyễn Văn Ninh, 19 tuổi trên mạng xã hội và dần trở nên thân thiết. Lợi dụng sự ngây thơ của cô bé, Ninh đã chiếm đoạt thân xác em. Người mẹ phát hiện và trình báo cơ quan Công an, Ninh bị khởi tố vì tội hiếp dâm trẻ em.

Hay như cô bé H., 13 tuổi ở Bình Dương quen với Triệu Minh Ngoan, 21 tuổi ở An Giang. Sau đó, Ngoan đã đưa cô bé này vào nhà nghỉ để “hại đời”. Sự việc sau đó đã được cơ quan Công an vào cuộc điều tra, xử lý theo pháp luật. Việc các bé gái đăng hình ảnh, địa chỉ và dễ dàng kết bạn với người lạ đã bị các đối tượng xấu lợi dụng để tán tỉnh và chiếm đoạt thân xác.

Không có quy định cấm trẻ em tham gia mạng xã hội nhưng những câu chuyện nêu trên cho thấy những cái bẫy giăng ra với các em rất lớn. Người dùng mạng xã hội khoe con thì biến con thành miếng mồi cho bọn bắt con, trẻ em tham gia mạng sẽ hội thì dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, hãm hại. Đây là hậu quả nhãn tiền khi tham gia mạng xã hội mà không phải ai cũng biết để phòng tránh.

Thông tin cá nhân được pháp luật bảo hộ như thế nào?

Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia mạng xã hội? Luật Trẻ em 2016 đã quy định, việc cha mẹ đưa hình ảnh con lên mạng phải được sự đồng ý của đứa trẻ.

Nhiều chuyên gia cũng khuyên, cha mẹ nên hạn chế khoe con trên mạng xã hội để đảm bảo an toàn cho đứa trẻ. Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội khóa IV kỳ họp thứ 5 thông qua vào trung tuần tháng 6 cũng có quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Theo đó, Luật này quy định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng”.

Và để bảo vệ những quyền này của trẻ em trên không gian mạng, Luật An ninh mạng cũng quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng cũng như phụ huynh, giáo viên… phải có trách nhiệm để đảm bảo an toàn cho trẻ em trên không gian mạng.

Điều 21, Hiến pháp 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.

Luật An ninh mạng 2018 quy định, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng.

Các hành vi như chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ, xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi, đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của người khác mà chưa được phép của người sử dụng hoặc trái quy định của pháp luật sẽ bị xử lý.

Luật này cũng quy định, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu về người Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam.

Bên cạnh thực trạng “rắc lông ngỗng” của người tham gia không gian mạng, việc gây nhiễu loạn thông tin trên Internet cũng là điều đáng báo động, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội và chúng tôi sẽ đề cập đến trong bài viết sau.

nhung cam bay nhieu loan tren khong gian mang Sự thật bất ngờ về clip xôn xao mạng xã hội chỉ trích CSGT huyện An Lão

Công an huyện An Lão (TP. Hải Phòng) khẳng định mình đã làm đúng khi lập biên bản chiếc xe mang biển kiểm soát 15B-00430 ...

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến quy hoạch cầu vượt sông Uông nối TP Uông Bí - TX Quảng Yên, Quảng Ninh
Một cầu vượt sông Uông dự kiến được xây dựng kết nối TP Uông Bí với - TX Quảng Yên, Quảng Ninh trên tuyến đường từ QL18 đi đường 338.