Từ vụ camera an ninh mạng của Văn Mai Hương rò rỉ hình ảnh cá nhân, đến cả Google chặn các thiết bị giám sát của Xiaomi vì hiển thị hình ảnh "nguy hiểm", các thiết bị IoT như một món mồi ngon để tin tặc khai thác trong xu hướng kết nối vạn vật.
Các thiết bị IoT như Router, Wi-Fi, camera giám sát, thiết bị đầu cuối… sẽ là điểm nóng về an ninh mạng khi các thiết bị này ngày càng trở nên phổ biến và kết nối rộng. Tấn công lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng khó lường nhất là dịp cuối năm đến hẹn lại lên.
Ngoài ra, tin tức giả mạo sẽ tiếp tục là vấn đề nhức nhối đối với cộng đồng và các cơ quan quản lí nhà nước. Sẽ xuất hiện những tin giả mạo, clip giả mạo với mục đích xấu, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI như deepfake sẽ còn gia tăng mà người dùng cần tỉnh táo khi tiếp cận nguồn tin.
Theo các chuyên gia Bkav, năm 2020 mã độc tấn công APT sẽ tinh vi hơn, cùng với đó là các mã độc giả mạo các phần mềm để qua mặt phần mềm diệt virus. Bên cạnh đó, tấn công mã hóa tống tiền sẽ còn tiếp tục gia tăng do nguồn lợi trực tiếp nó mang lại cho hacker ngày càng lớn.
Theo thống kê của Bkav, năm 2019, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã lên tới 20.892 tỷ đồng (902 triệu USD), vượt xa con số 14.900 tỷ đồng của năm 2018.
Mặc dù không có những sự cố lớn đáng tiếc xảy ra, nhưng việc gia tăng các máy tính bị nhiễm mã độc tống tiền cũng không phải là nhỏ, trong đó có nhiều tấn công có chủ đích gây thiệt hại nghiêm trọng. Tổng số lượt máy tính bị nhiễm mã độc được ghi nhận trong năm 2019 lên tới 85,2 triệu lượt, tăng 3,5% so với năm 2018.
Năm 2019, theo công bố của Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU, Việt Nam đã tăng 50 hạng về chỉ số an toàn, an ninh thông tin toàn cầu trong năm, trong đó có sự chuyển biến tích cực của các cơ quan nhà nước.