Tại buổi họp báo thường kì Chính phủ ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: "Trước hết, chúng tôi chia sẻ với suy nghĩ về bức xúc khách hàng, Bộ Công Thương đã thực hiện công việc như cử ra đại diện giải thích những khiếu nại và thắc mắc, bên cạnh đó tập đoàn EVN cần đẩy mạng thông tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu rõ về việc tăng giá điện".
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương. (Ảnh: Dân trí).
"Bộ Công Thương cũng yêu cầu tập đoàn điện lực xử lí những giải đáp và thắc mắc của người dân, trong trường hợp phát hiện ra những sai phạm thì đơn vị này phải xin lỗi và xử lí nghiêm khắc những sai phạm đó", đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua. Các cơ quan này có trách nhiệm làm rõ đúng sai của việc tăng giá điện, báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2019.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng có đã quyết định thành lập 3 đoàn kiểm tra để kiểm tra về tình hình thực hiện quyết định số 648 ngày 20/3 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và qui định giá bán điện tăng thêm 8,36%.
Việc kiểm tra bao gồm các Tổng công ty Điện lực và một số khách hàng sử dụng điện từ ngày 8 đến ngày 10/5.
Trước phản ánh của người dân về việc hóa đơn tiền điện tăng cao, mới đây EVN cũng đã có thông tin phản hồi.
Theo EVN, nguyên nhân chính dẫn tới hoá đơn tiền điện tăng là do thời tiết ở miền Trung và miền Nam nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 độ C; miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội nồm ẩm kèm theo nắng nóng… do vậy nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cho các thiết bị giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là thiết bị làm lạnh tăng cao.
EVN cũng cho biết sản lượng điện tiêu thụ tại Hà Nội và TP HCM tăng lần lượt từ 47 triệu kWh/ngày thời điểm cuối tháng 3 lên gần 58 triệu kWh/ngày vào đầu tháng 4 và đạt cao điểm là 63,4 triệu kWh/ngày. Điện năng tiêu thụ bình quân ngày của tháng 4 tăng 16,17% so với tháng 3.
Con số này tại TP HCM tăng từ 71 triệu kWh/ngày lên 83 triệu kWh/ngày, cao điểm đạt 90 triệu kwh/ngày, tăng 15,53% so với tháng 3.
Bên cạnh đó việc tăng hoá đơn còn do tác động của việc điều chỉnh giá điện và số ngày sử dụng điện tháng 4 nhiều hơn ba ngày so với tháng 3, số ngày tăng thêm trong tháng sẽ làm cho điện năng sử dụng tháng 4 tăng 10,71%.