Đạm Cà Mau lên kế hoạch lãi sau thuế giảm 88%

Năm 2020, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu doanh thu tăng 10% lên gần 8.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch lãi sau thuế giảm mạnh 88% so với thực hiện năm 2019, còn 426 tỉ đồng.
Đạm Cà Mau lên kế hoạch doanh thu gần 8.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Ảnh: PVCFC

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC - Mã: DCM) đã tiến hành cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 ngày 25/6 vừa qua.

Tại đại hội, cổ đông đã thông qua kế hoạch sản xuất hơn 1 triệu tấn phân bón, trong đó hơn 800.000 tấn Đạm Cà Mau, 160.000 tấn NPK; sản lượng kinh doanh hơn 1 triệu tấn.

Về các chỉ tiêu tài chính, kế hoạch doanh thu năm 2020 là hơn 7.956 tỉ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2019. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế ước tính giảm 88%, còn tương ứng 57 tỉ đồng và 52 tỉ đồng.

Quí I vừa qua, công ty ghi nhận 1.306 tỉ đồng tổng doanh thu và 91 tỉ đồng lãi sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ, tương ứng giảm 7% và 51% so với cùng kì năm trước.

Công ty cho biết năm 2020 bắt đầu với hàng loạt các thách thức bao gồm giá khí cao, hạn hán, ngập mặn kỉ lục tại Đồng bằng sông Cứu Long, cùng với tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 dẫn đến mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đều bị đình trệ.

Tuy nhiên, PVCFC cho rằng nhu cầu tích trữ gạo trong đại dịch cũng như khả năng tái xuất khẩu sẽ thúc đẩy sản xuất vào nửa cuối năm, kéo nhu cầu sử dụng phân bón gia tăng. Ngoài ra, việc giá dầu giảm mạnh cũng góp phần làm giảm chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất ure của công ty.

Tây Nam Bộ sẽ là thị trường mục tiêu của sản phẩm NPK

Chia sẻ tại cuộc họp, ông Văn Tiến Thanh - Tổng Giám đốc PVCFC cho biết sản phẩm phân bón NPK vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường do các qui định về quản lí phân bón còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ dẫn tới việc sản xuất phân bón kém chất lượng tràn lan, cạnh tranh ngược lại với các doanh nghiệp bài bản, uy tín.

Bên cạnh đó, phân bón nhập khẩu vào Việt Nam không phải chịu thuế VAT và trở thành nguồn cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp nội địa. Trong khi đó, sản lượng của các nhà máy sản xuất NPK trong nước mấy năm gần đây đã bị thu hẹp rất nhiều.

Ngoài ra, phân trộn 3 màu và phân đơn 1 hạt cũng cạnh tranh gay gắt. Theo khảo sát của Đạm Cà Mau, trong tương lai NPK 1 hạt sẽ chiếm ưu thế và có triển vọng cạnh tranh hơn tại khu vực này.

Theo đó, đại diện PVCFC chỉ ra Tây Nam Bộ là thị trường mục tiêu của công ty.

Tại đây, doanh nghiệp đã có thời gian nghiên cứu thổ nhưỡng, cho thấy tính chất của đất, sự tồn dư của nguyên tố P (phốt pho) và K (Kali) trong đất còn nhiều, từ đó nghiên cứu, phát triển những dòng sản phẩm NPK phù hợp với từng loạt cây chủ lực trong vùng kết hợp với các giải pháp dinh dưỡng tổng thể để cạnh tranh về giá.

Với những định hướng như vậy, ban lãnh đạo Đạm Cà Mau cho biết vị trí nhà máy NPK công suất 300.000 tấn/năm đặt tại Cà Mau có thể tận dụng được ưu thế để phát triển.

chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.