Vào những này đầu tháng 9, những cơn mưa đã bắt đầu nặng hạt hơn trên vùng đất Đắk Lắk nắng gió. Mùa nước lên khiến cho việc di chuyển của người dân vô cùng khó khăn.
Có dịp đi ngang qua đoạn sông chảy qua địa bàn xã Ea Phê (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi rùng mình gặp hình ảnh người dân liều mình di chuyển qua suối chỉ bằng những chiếc cáp treo tự chế.
Người dân liều mình đu cáp qua suối. Ảnh: Trang Anh |
Ông Ngô Văn Ngọc (thôn Phước Thọ 2) cho hay, hơn 20 năm trước, người dân di chuyển qua đây bằng thuyền, bè. Nhưng mỗi khi nước lên cao nhiều người dân và hàng hóa đều bị nước cuốn trôi.
Lo sợ nguy hiểm rình rập, đe dọa mạng sống nên người dân góp tiền làm cáp treo để tiện đi lại và vận chuyển nông sản.
Theo quan sát của chúng tôi, chiếc cáp treo chỉ được dựng nên bằng những vật dụng thô sơ như cáp thép, ròng rọc, một tấm gỗ được cố định 4 đầu để làm chỗ ngồi cho người và hàng hóa; hai đầu dây cáp được cố định vào hai thân cây ở hai bờ suối.
Hiện người dân xã Ea Phê đã làm 2 cáp treo tự chế. Những chiếc cáp này giúp cho việc đi lại hai bên bờ suối nhanh chóng hơn, nhưng nguy hiểm thì luôn rình rập người dân.
Ông Ngọc cho hay, đã nhiều lần cáp treo bị đứt khiến cả người và nông sản bị rơi xuống nước. Tuy không có thiệt hại về người, nhưng nhiều trường hợp đã bị gãy tay, chân.
Cáp treo chỉ được làm bằng vật liệu thô sơ. Ảnh: Trang Anh |
"Hơn 20 năm người dân chúng tôi sử dụng cáp treo để qua suối thì cũng hơn 10 lần cáp bị đứt khi đang di chuyển.
Mặc dù biết là sử dụng cáp treo như vậy là rất nguy hiểm nhưng vì cuộc sống mưu sinh chúng tôi đành phải liều mình”, ông Ngọc nói.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hương - vợ ông Ngọc cho biết thêm: "Có những lần chúng tôi đang đi thì trụ gỗ cố định dây cáp bị mục nên gãy đổ hoặc bật gốc khiến cả người và hàng hóa rơi thẳng xuống suối. May mắn người được cứu sống còn hàng hóa coi như mất trắng".
Ngoài hai chiếc cáp treo tự chế, người dân còn dựng lên một cây cầu dây để có thể di chuyển qua suối canh tác.
Anh Lê Văn Tiến (SN 1982, thôn Phước Thọ 3) cho biết, do gia đình anh có đất canh tác bên kia suối nên hầu như ngày nào anh cũng đi cầu dây để qua lại con suối.
Cây cầu dây cũng là con đường di chuyển của người dân. Ảnh: Trang Anh |
“Mỗi ngày để vận chuyển nông sản từ rẫy về nhà, tôi phải đi đến vài chục chuyến là ít. Có những hôm cầu lắc lư, không giữ được thăng bằng thế là cả người và nông sản đều rớt xuống, thế là coi như công sức mình bỏ ra mất trắng.
Biết là nguy hiểm nhưng vì cuộc sống mưu sinh đành phải chấp nhận chứ chúng tôi biết làm sao”, anh Tiến chia sẻ.
Chị Hoàng Thị Minh (SN 1987, thôn Phước Thọ 2) tâm sự, gia đình chị có 6 sào đất trồng bắp bên kia suối nên hàng ngày chị vẫn di chuyển qua đây. Cây cầu chông chênh khiến nhiều lần chị bị té, nhưng do hoàn cảnh nên đành nhắm mắt đi qua.
“Ở đây không biết bao nhiều trường hợp bị té xuống nước như tôi rồi, nhưng may họ chỉ bị trầy xước chứ chưa ai mất mạng. Nhưng người dân vẫn nơm nớp lo sợ, bởi mùa nước lớn sắp đến rồi, việc qua suối sẽ trở nên nguy hiểm hơn gấp nhiều lần.
Người dân liều mình vân chuyển nông sản qua cầu dây. Ảnh: Trang Anh |
Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm xem xét để đầu tư cho người dân một cây cầu bắc qua đây. Có như vậy người dân chúng tôi mới yên tâm canh tác mà không lo nguy hiểm rình rập”, chị Minh nói.
Người dân nơi đây còn cho hay, ngoài việc sử dụng cáp treo để qua khu vực canh tác, người dân xã Ea Phê có thể di chuyển bằng một con đường khác trong khoảng một tiếng đồng hồ.
Nhưng do quãng đường xa, việc di chuyển bằng cáp chỉ tốn khoảng 10 phút nên người dân chọn con đường nguy hiểm này để rút ngắn thời gian.
Không ít lần người dân đang đu thì dây cáp đứt, người rơi xuống suối. Ảnh: Trang Anh |
Trao đổi với chúng tôi, bà Võ Thị Thu Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Phê cho biết, trong suốt thời gian qua, tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri thì chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân hạn chế qua suối bằng cáp treo, đặc biệt là khi trời mưa lũ.
Hiện UBND xã đã làm tờ trình gửi lên UBND huyện đề xuất xây dựng cây cầu cho người dân sản xuất hai bên bờ suối.
Người dân thách thức tử thần đu cáp qua suối Hơn 20 năm qua người dân tại xã Ea Phê (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) phải đánh cược mạng sống của mình khi hàng ... |