Theo báo cáo của Sở GTVT TP HCM về "tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí và điều hành giao thông đô thị", việc xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ năm 2019 đến năm 2020, sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông tập trung trên cơ sở nâng cấp, tận dụng hệ thống hạ tầng hiện hữu.
Trung tâm quản lí điều hành giao thông thông minh với quy mô toàn thành phố sẽ được hoàn thành trong giai đoạn 2, từ năm 2020 trở đi.
Trung tâm điều hành giao thông thông minh của TP HCM. (Ảnh: Ngự Kỳ).
Hiện hệ thống quản lí, điều hành và giám sát được đặt tại trung tâm quản lí đường hầm sông Sài Gòn đang thực hiện 4 chức năng chính, gồm: điều khiển đèn tín hiệu; giám sát; cung cấp thông tin giao thông; hỗ trợ xử lí vi phạm.
Với 775 camera giám sát, trong đó có 118 camera đo đếm lưu lượng phương tiện giao thông kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu, hình ảnh về tình hình giao thông khu vực trung tâm thành phố sẽ được truyền liên tục về trung tâm điều hành giao thông thông minh.
Thông qua hệ thống màn hình, nhân viên vận hành kịp thời ghi nhận tình hình giao thông tại các nút giao thông, để thông báo cho các đơn vi chức năng phối hợp xử lí khi có sự cố kẹt xe, tai nạn…
Dữ liệu về tình hình giao thông cũng được chia sẻ trực tiếp với người sử dụng phần mềm cảnh báo giao thông, cổng thông tin giao thông để quyết định đường đi phù hợp, tránh khu vực ùn tắc.
Ông Nguyễn Thiện Nhân (giữa) kiểm tra Trung tâm điều hành giao thông thông minh. (Ảnh: Ngự Kỳ).
Tại buổi kiểm tra Trung tâm điều hành giao thông thông minh của TP HCM ngày 15/7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, đây là một trong những công trình quan trọng, giúp giao thông thành phố có thể vận hành hiệu quả hơn.
"Kết quả đạt được rất tốt, tuy nhiên chúng ta cần áp dụng kinh nghiệm của các nước đã thành công để hoàn thiện hơn trong việc phát triển đô thị thông minh. Tôi sẵn sàng viết thư mời chuyên gia Hàn Quốc đến TP HCM để giúp chúng ta tổng kết giai đoạn 1 và hoàn thành giai đoạn 2 của đề án này", ông Nhân cho biết.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh, dân số TP HCM cũng là một nguồn dự trữ nhân lực dồi dào để đào tạo lực lượng vận hành đô thị thông minh nói chung, và giao thông thông minh nói riêng.
Thông qua hệ thống màn hình, nhân viên vận hành kịp thời ghi nhận tình hình giao thông. (Ảnh: Ngự Kỳ).
Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng đánh giá cao tính hiệu quả của trung tâm và phần mềm cảnh báo ùn tắc giao thông. Theo ông, thông qua ứng dụng, người dân có thể tự phản ánh tình hình giao thông, tự điều tiết nhằm giảm bớt sức nặng cho giao thông thành phố.
Theo đó, trung tâm đã đầu tư cơ sở trang thiết bị cùng hệ thống phần mềm của Đức với trị giá hơn 500.000 USD. Ngoài chức năng giám sát, phân luồng, đưa ra giải pháp khắc phục, trung tâm này còn có khả năng dự báo, mô phỏng nhu cầu giao thông trên cơ sở thu thập dữ liệu. Qua đó, góp phần định hướng xây dựng chính sách, quản lí giao thông đô thị và xây dựng hạ tầng trong tương lai.