Đánh đổi tương lai, cô gái dân tộc Thái vượt qua đớn đau để trở về giới tính thực của mình

22 năm cam chịu sống trong “vỏ bọc” của người con gái, những tưởng cuộc sống vẫn đầy những xót xa, hờn tủi. Nhưng tình yêu và khát khao về một mái ấm gia đình đã khiến “cô gái” dân tộc này quyết tâm vượt hơn 500km từ Lai Châu xuống Hà Nội để tái tạo lại bộ phận sinh dục là nam giới của mình.

"Tình yêu chính là động lực"

Nguyễn Thị Nga sinh năm 1994 là người dân tộc Thái, tại một vùng quê nghèo của tỉnh Lai Châu. Nhìn nước da ngăm ngăm đen, gương mặt góc cạnh, cùng giọng nói trầm ấm của em... hẳn ai cũng nghĩ đó là một chàng thanh niên. Thế nhưng oái ăm thay, 22 năm qua em phải sống trong “vỏ bọc” là con gái. Sau hơn 3 tháng kể từ khi tiến hành ca phẫu thuật tái tạo lại bộ phận sinh dục nam, em đã thay đổi rất nhiều. Giờ đây, Nga đã được sống đúng với giới tính thật của mình. Chỉ qua cuộc trò chuyện ngắn ngủi với em, chúng tôi có thể cảm nhận được rõ niềm vui và hạnh phúc lan tỏa từ ánh mắt đến nụ cười của chàng trai ấy.

danh doi tuong lai co gai dan toc thai vuot qua don dau de tro ve gioi tinh thuc cua minh
Bệnh viện Xanh Pôn nơi Nga thực hiện phẫu thuật

Nga kể lại: “Kể từ khi sinh ra, em đã có những bất thường ở bộ phận sinh dục. Bên ngoài bộ phận sinh dục của em nhìn như con gái nhưng 2 bên lại có tinh hoàn. Vào thời điểm đó, bố mẹ em vô cùng lo lắng vì từ trước đến giờ ở bản làng chưa từng có đứa trẻ nào kì quái như vậy”. Khi ấy, gia đình Nga cũng đã muốn được tái tạo bộ phận sinh dục đúng giới tính là nam. Tuy nhiên, các bác sĩ cho hay, đợi lớn lên sẽ phẫu thuật còn nếu thực hiện ngay sẽ khá tốn kém với chi phí lên đến 500 triệu đồng và phải thực hiện ở nước ngoài. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ cũng cũng chỉ đưa em đi khám gần nhà mà không lên tuyến trên.

Sau đó, Nga được bố mẹ dạy theo hướng của một người con gái. Từ bé, Nga đã để tóc dài, mặc quần áo con gái, các hành động và điệu bộ như con gái. Khi còn nhỏ, sự khác biệt không đủ lớn để em cảm thấy điều khác lạ. “Chỉ mãi tới khi học đến cấp 2 em mới thấy hết được sự khác biệt của bản thân với những bạn nữ khác. Em chỉ thích chơi với con trai, chơi các trò của con trai. Hơn nữa, xét về mặt sinh lý thì ở thời điểm đó khi các bạn nữ cùng tuổi phổng phao, có kinh nguyệt, vòng 1 phát triển, thì em lại không có những điều đó..

Nhận thấy sự khác biệt của mình, nhiều lần Nga đã về nhà hỏi mẹ nhưng người mẹ nghèo cũng không biết giải thích với con như thế nào. Bản thân Nga cũng cảm thấy rất hoang mang, khi ấy vì không thể nhận thức được giới tính thật sự của mình, có thời điểm ngày nào Nga cũng khóc. Em chia sẻ: “Sự khác biệt khiến em thấy mình như một “sinh vật” lạ. Con trai không phải con trai, con gái cũng không ra con gái. Ngày nào cũng bị bạn bè xung quanh trêu chọc em cảm thấy rất tủi thân”.

Kể từ khi lên đến cấp 3, em cảm thấy rất thích một bạn nữ nên em lờ mờ nhận ra có lẽ mình là con trai. Khi ấy em đã về nhà đòi bố mẹ cho đi khám bệnh bằng được, bố mẹ em đành phải đưa em xuống Hà Nội khám. Thế nhưng khi ấy, bác sĩ đã cắt 2 tinh hoàn để em có thể làm con gái. Em cảm thấy rất buồn, thậm chí có những đêm em còn lén khóc một mình. Thế nhưng chưa bao giờ em từ bỏ khát vọng được làm một chàng trai thật sự”. Sau khi cắt bỏ 2 tinh hoàn, Nga trở về học tập như bình thường. Em cho biết vì biết rõ bệnh tật của mình, nên quyết tâm theo học ngành y để hiểu rõ hơn về những khiếm khuyết của bản thân. Để an ủi bản thân, trừ mái tóc dài ra thì quần áo, giày dép, dáng người hay giọng nói của em đều giống con trai.

danh doi tuong lai co gai dan toc thai vuot qua don dau de tro ve gioi tinh thuc cua minh
Nga trong những ngày đầu tiên nhập viện.

Khi nhắc đến người “trong mộng” của mình, nét mặt chàng trai trẻ ngập tràn trong hạnh phúc: “Cô ấy là người cùng quê với em, hơn em 1 tuổi. Qua bạn bè chúng em mới quen nhau nhưng ngay từ lần gặp đầu tiên em đã cảm thấy thích cô gái ấy. Dần dần, tình cảm của em ngày càng lớn lên. Lớn đến mức em khát khao được ở bên người con gái ấy với tư cách là một chàng trai, em đã có những ước mơ về một mái ấm gia đình thực sự. Cô ấy cũng biết chuyện về những khiếm khuyết của em và là người luôn động viên em đi chữa bệnh”. Cũng là một người học y, nên Nga cũng có tìm hiểu và được biết ở bệnh viện Xanh Pôn các bác sĩ có phẫu thuật được cho những trường hợp giống như em, nên em quyết tâm xuống chữa bệnh.

Theo lời bà Phùng cho biết, con bà được bác sĩ Phạm Thị Việt Dung, thành viên kíp phẫu thuật bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết các xét nghiệm cho thấy Nga có nhiễm sắc thể XY và là nam giới. Nga có bộ phận sinh dục bên ngoài như con gái, không có kinh nguyệt, không phát triên ngực, âm vật phì đại, tinh hoàn 2 bên môi lớn (đã được cắt trước đó), không có tử cung. Vì thế các bác sĩ quyết định phẫu cho bệnh nhân trở về đúng giới tính của mình.

Sau biết bao nhiêu năm tháng chờ đợi, Nga đã được tự tin là một chàng trai “đầy đủ” như bao chàng trai khác. Theo lời Nga chia sẻ, mặc dù ca phẫu thuật thành công, nhưng em vẫn phải tiếp tục trải qua một cuộc phẫu thuật liên quan tới tinh hoàn cho bộ phận sinh dục nữa, thì mới có thể sinh con được, dù biết sẽ đau đớn nhưng bản thân Nga cũng rất lạc quan. Em cho biết đang ấp ủ rất nhiều dự định và kế hoạch cho tương lai.

Khi chúng tôi hỏi rằng em có sợ mọi người biết mình đi phẫu thuật mà chế nhạo, coi thường không thì chàng trai trẻ này lại nhoẻn miệng cười, em cho biết: “Em không sợ, mọi người có biết cũng không sao, em có bệnh thì em chữa không có gì phải xấu hổ cả. Hơn nữa, khát khao tìm lại con người thật của mình đó là một việc vô cùng chính đáng và không có gì đáng phải xấu hổ cả”.

Những ngày nằm trong bệnh viện, Nga đã kịp nghĩ cho mình một cái tên nam tính là Thành Nam. “Em nghĩ rằng sau khi phẫu thuật em được sống đúng với giới tính của mình. Em sẽ được làm một con người mới, cái tên đó sẽ giúp em tự tin hơn để thực hiện những ước mơ, dự định em đã ấp ủ từ lâu”. Ngay sau khi ra viện, việc đầu tiên Nga làm là đi cắt tóc ngắn, chọn mua những bộ quần áo con trai thật đẹp để có thể tự tin đứng trước mặt người con gái mình yêu và bày tỏ tình cảm của mình.

Bán 4 con trâu không đủ tiền cho con phẫu thuật

Chia sẻ với chúng tôi, bà Lò Thị Phùng, 43 tuổi mẹ của Nga thổn thức: “Khổ quá, con tôi bà mụ nặn nhầm, thành ra suốt 22 năm qua nó tự ti và khép mình với tất cả mọi người”. Theo lời kể của bà Phùng từ khi nhận thức được sự khác biệt của mình, càng ngày Nga càng trở lên trầm, khó tính hơn và hay cáu bẳn. Bởi vậy đến năm 17 tuổi, Nga được gia đình đưa xuống Hà Nội nhưng khi đó bác sĩ chỉ cắt 2 tinh hoàn. “Lúc đó bác sĩ bảo cắt tinh hoàn để tái tạo cho cháu trở thành con gái, con bé khóc và nói với bố mẹ muốn làm con trai. Lúc đó tôi cũng không biết làm thế nào dù trong tâm tôi biết con mình là trai”, bà Phùng nói.

Được biết, vợ chồng bà Phùng sinh được tất cả 3 người con, Nga là con cả trong nhà, sau còn 2 em nhỏ, một em đang học lớp 8 và một em đang đi học mẫu giáo. Điều khiến bà Phùng phân vân và thắc mắc đến nay vẫn chưa có lời giải đáp đó là: “Các em của Nga sinh ra đều bình thường, không hiểu sao con bé lại khác người như vậy. Ngay từ đời ông bà, bố mẹ chúng tôi cũng chưa từng có ai gặp phải vấn đề như con bé cả”. Vốn là người dân tộc Thái, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào chăn nuôi và làm nông nghiệp, kinh tế của gia đình bà Phùng cũng khá khó khăn. “Để có tiền phẫu thuật cho con, vợ chồng tôi đã phải bán cả 4 con trâu đi. Mà nói trâu, chứ nghé con vợ chồng tôi cũng phải bán. Trâu thì cũng được 18 triệu/con, chứ nghé thì chỉ được 10-12 triệu/con thôi. Nhìn nghé đang tầm nhanh lớn cũng tiếc, nhưng thiếu tiền vợ chồng tôi cũng đành chịu”, bà Phùng kể lại.

Dù tốn kém, nhưng người mẹ nghèo cũng quyết tâm chữa chạy cho con đến cùng. Bởi lẽ càng lớn, càng biết suy nghĩ thì ước nguyện được sống với đúng giới tính của Nga càng mạnh mẽ và quyết liệt hơn bao giờ hết. Nga sẵn sàng đánh đổi công việc để thực hiện đước mong muốn của cuộc đời mình. Bà Phùng cho biết: “Ngày con bé tốt nghiệp trường Cao đẳng Y với tấm bằng khá vợ chồng tôi mừng lắm. Tính dành tiền để làm phí cho con xin một công việc ổn định. Nhưng không ngờ, con bé nằng nặc xin dành số tiền ấy để đi phẫu thuật tái tạo cơ quan sinh dục”. Mặc dù đã được cảnh báo trước, đi viện hết tiền là nhà cũng không còn tiền lo việc cho mình, nhưng bản thân Nga vẫn kiên quyết với lựa chọn và quyết định của bản thân.

3 tháng sau phẫu thuật, thấy con hạnh phúc khi được sống với giới tính thật của mình, vợ chồng tôi mừng tới rớt nước mắt. Từ ngày con lớn, chưa khi nào chúng tôi cảm nhận được con sống vui vẻ, và lạc quan đến vậy”, bà Phùng chia sẻ.

(Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)

chọn
Lãi sau thuế Văn Phú giảm 76%, dòng tiền kinh doanh âm hơn 500 tỷ đồng
Do doanh thu bất động sản sụt giảm, lãi sau thuế nửa đầu năm của Văn Phú đạt 97 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 527 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 55 tỷ đồng.