Trong đó, sở này đã khéo léo dùng các BV công tên tuổi như cái móc để kéo các BV tư “cá kình” lên.
Thực tế, khi ban hành bộ tiêu chí chất lượng BV Việt Nam năm 2016, Bộ Y tế có ý áp dụng chung, không phân biệt công tư. Quan điểm chủ đạo của bộ tiêu chí là lấy người bệnh làm trung tâm, hướng đến sự hài lòng của bệnh nhân.
Sở Y tế TP.HCM cho biết, đã thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng khám chữa bệnh của các BV trên địa bàn TP.HCM dựa trên thang điểm tối đa của bộ tiêu chí này là 5. Và chính sở cũng cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy “có sự chênh lệch rõ rệt về chất lượng giữa các BV và các nhóm tiêu chí”. Cụ thể, các BV thành phố (công lập) tập trung trong mức 3 - 4 điểm, BV quận huyện (công lập) tập trung ở mức 2,5 - 3,5 điểm, còn các BV tư nhân có điểm số “dặt dẹo” từ 1,5 - 4 điểm.
Trong báo cáo tại buổi lễ, dù có đầy đủ bảng tổng kết từ thấp đến cao dành riêng cho BV công cấp thành phố, cấp quận huyện và BV tư, Sở Y tế TP.HCM vẫn cố tình đưa ra bảng tổng kết sau cùng, nghe rất kêu “Tốp 10 BV có điểm chất lượng cao nhất”, trong đó đánh đồng các BV công có nhiều cống hiến với các BV tư phục vụ mục đích kinh doanh.
Hướng đến sự hài lòng của bệnh nhân là tiêu chí xếp hạng bệnh viện |
Cụ thể, theo “sắp xếp” của sở dựa trên điểm số, 10 BV có điểm đánh giá chất lượng khám chữa bệnh cao nhất, theo thứ tự gồm BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, Viện Y dược học dân tộc, BV Nhi Đồng 1, BV Q.Thủ Đức, BV Từ Dũ, BV Đa khoa quốc tế Vinmec Central Park, BV Hùng Vương và BV Bệnh nhiệt đới.
Dễ dàng thấy là, “Top 10” BV có những cái tên không khó đoán. Chẳng hạn như về đa khoa, BV Nhân dân 115 đang sắp lên hạng đặc biệt (ngang với BV Chợ Rẫy), hoàn toàn xứng đáng xếp số 1. Về sản khoa, cả phía Nam không BV nào qua mặt được Hùng Vương và Từ Dũ. Về nhi khoa, chả ai qua được Nhi Đồng 1, còn BV Q.Thủ Đức là BV cấp quận huyện đầu tiên được lên hạng 1…
Thế nhưng, theo một cựu lãnh đạo của Sở Y tế TP.HCM, kiểu “dồn hết vô một rổ” như thế là quá khập khiễng. Có nhiều BV công dù có làm chuyên môn tốt cỡ nào, nhưng chỉ cần quá tải, cơ sở vật chất lâu đời, xuống cấp… thì đều bị trừ điểm và xếp ở hạng thấp. Không thể gọi đây (Top 10) là các BV tốt nhất, mà chỉ nên xem đây là các BV đạt điểm cao theo bộ tiêu chí của Bộ Y tế.
Phần lớn tử vong trong y tế do chẩn đoán sai
Cục trưởng cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, ông Trần Đắc Phu đã đưa ra nhận xét trên khi nói đến tỉ ... |
Cũng theo vị này, nhiều BV công còn không quan tâm điểm này cao hay thấp, vì lúc nào họ cũng quá tải. Chưa kể, với việc chấm điểm không phải từ một cơ quan độc lập mà do Sở Y tế chia ra nhiều đoàn đi đánh giá, có đoàn dễ, đoàn khó, sẽ cho ra rất nhiều “sai số” trong kết quả.
Còn người dân chúng tôi thì sao? Điều mà chúng tôi quan tâm khi nghĩ đến một cơ sở y tế đó là vào đó thì hết bệnh, trả chi phí hợp lý, được đối xử bình đẳng giữa khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và dịch vụ. Công bằng mà nói, so với 5 - 10 năm trước, bộ tiêu chí mà ngành y tế dùng để đánh giá chất lượng BV hiện đã cải thiện rất nhiều. Bởi theo cách làm trước đây, đơn vị nào cũng xuất sắc. Tuy nhiên, xét ở góc độ mà người dân quan tâm như đã trình bày, bộ tiêu chí hiện thời vẫn còn quá chú trọng những hạng mục đánh giá mang tính hình thức, hồ sơ, sổ sách, cơ cấu tổ chức, phòng ban…
Đã vậy, Sở Y tế TP.HCM còn “trộn” luôn công tư vào chung một bảng xếp hạng, khiến cho kết quả, vốn đã tương đối, càng trở nên xa rời thực tế. BV công phục vụ công ích, quanh năm quá tải để khám chữa bệnh cho đa số người dân gồm bệnh nhân BHYT, người nghèo, diện chính sách, cán bộ công chức… BV tư được xây dựng mới, sạch đẹp phục vụ phân khúc người có tiền. Về mặt hiệu quả kinh tế, BV công là nơi chịu lỗ để phục vụ xã hội. Còn BV tư là đơn vị làm kinh tế có lãi, tái đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn nhưng ngược lại, người bệnh phải trả giá cho cái “tốt”, cái “chất lượng” đó… một cách sòng phẳng.
Do vậy, không thể đánh đồng bảng xếp hạng BV công với BV tư như cách làm của Sở Y tế TP.HCM. Làm như thế không những gây ngộ nhận mà còn gây tổn thương cho những đơn vị đang phục vụ tốt cho công ích mà chưa được nhà nước đầu tư xứng đáng. Và nếu có làm kiểu “gà lẫn vịt” như thế thì BV tư có được xếp hạng cao đi nữa, cũng chẳng mang ý nghĩa nào với dân nghèo, vốn chiếm đa số trong xã hội.
Quan điểm chủ đạo của bộ tiêu chí là lấy người bệnh làm trung tâm. Vậy chúng ta lấy người bệnh nào, người có tiền hay người bệnh ít tiền làm trung tâm?
Quan điểm chủ đạo của bộ tiêu chí là hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Ấy nhưng, một trong hai BV tư nhân lọt vào “top 10” của Sở Y tế TP.HCM, có BV hoàn toàn không có cột “điểm hài lòng của người bệnh”. Hỏi ra mới biết, phòng Nghiệp vụ y của sở đã “quên” đưa BV này vào danh sách đánh giá sự hài lòng của người bệnh. Phải chăng “người ta” bỏ trống cột điểm này vì sợ lâm vào tình thế “điểm chất lượng thì cao, điểm hài lòng của người bệnh thì đội sổ”?