San lấp, phân lô tùy tiện
Hàng chục ha đất nông nghiệp ở khu vực đường Cây Thông Ngoài bị "xẻ thịt", phân lô. |
Từ bến phà Thạnh Thới đến thị trấn Dương Đông lên Nam đảo, xuống Bắc đảo “đập” vào mắt những người đến Phú Quốc là nhan nhản bảng hiệu mua bán đất công, đất nền. Những khu đất rộng hàng chục nghìn m2 được khoét sâu giữa núi đồi bạt ngạt ngàn đang tấp nập máy ủi, máy xúc tiến hành san lấp.
Dọc con đường Búng Gội đến Cây Thông Ngoài (xã Cửa Dương) có khá nhiều biển báo của Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc với nội dung: “Bảo vệ rừng là trách nhiệm của mọi người, hãy hành động từ ngay hôm nay” nhưng chỉ cách biển báo ấy vài chục mét, nhiều mảnh đất nông nghiệp bị “xẻ thịt” không thương tiếc, cây cối bị chặt hạ, đất đá bị đào bới chở đi phục vụ san lấp dự án ở nơi khác.
Thậm chí, ngay tại nơi cắm tấm biển cảnh báo "Nghiêm cấm mọi hành vi khai thác đất rừng phòng hộ trái phép" thì đất đá xung quanh cũng bị đào bới, chở đi.
Ngay tại nơi cắm tấm biển cảnh báo "Nghiêm cấm mọi hành vi khai thác đất rừng phòng hộ trái phép" thì đất đá xung quanh cũng bị đào bới, chở đi. |
Đáng chú ý là các dự án phân lô bán nền đều thực hiện việc đấu nối giao thông “vô tội vạ”, dù quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phân lô, tách thửa đối với đất ở có diện tích trên 500m2 và đất nông nghiệp trên 1.000m2 nhưng thực tế tại Phú Quốc thì việc phân lô, tách thửa diễn ra ồ ạt, không theo quy định nào.
Chủ đầu tư chỉ cần mở đường bê tông giữa các lô đất, đấu nối giao thông với đường chính là có thể phân lô, bán nền. Khảo sát thực tế của PV Dân trí, hầu hết các lô, đất nền được chào bán ở Phú Quốc chỉ có diện tích khoảng 120m2 nhưng “cò đất” vẫn trưng ra sổ đỏ đã tách thửa, có sổ riêng. Trong đó chỉ thể hiện thửa đất, xung quanh không đường đi. Chỉ riêng địa bàn xã Cửa Dương đã có hàng chục dự án phân lô, bán nền đang được chào bán với giá từ 900 triệu đồng – 1,3 tỷ/nền có diện tích gần 120m2.
Một khu đất nông nghiệp rộng hàng chục nghìn m2 tại xã Cửa Dương đang được san lấp mặt bằng. |
Đặc biệt đất rừng phòng hộ tại Phú Quốc đang bị “bốc hơi”, bao chiếm ồ ạt, trong khi chính quyền địa phương quản lý yếu kém, tham mưu chính xác, trùng lắp diện tích; không lập bản đồ địa chính, hiện trạng sử dụng đất; không tổ chức thanh, kiểm tra...
Buông lỏng quản lý đất rừng phòng hộ
Hàng loạt sai phạm trong việc quản lý đất rừng phòng hộ tại Phú Quốc được Thanh tra tỉnh Kiên Giang phát hiện. |
Theo tài liệu PV Dân trí có được, trong đợt thanh tra việc quản lý, sử dụng đối với diện tích đất rừng phòng hộ đã được đưa ra khỏi quy hoạch theo Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010 và Quyết định số 868/QĐ-TTg ngày 17/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương quản lý trên địa bàn huyện Phú Quốc vào cuối năm 2017, Thanh tra tỉnh Kiên Giang xác định, UBND huyện Phú Quốc thực hiện việc quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương chưa tốt; thiếu kiểm tra, giám sát các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn thực hiện việc bàn giao thực địa dẫn đến không chấn chỉnh các vướng mắc trong việc bàn giao; không báo cáo cấp trên để lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và quản lý hồ sơ địa chính, là vi phạm Điều 22, Điều 23 Luật Đất đai năm 2013.
Đối với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh Kiên Giang xác định đơn vị này thực hiện chưa tốt công tác tham mưu cho UBND huyện về quản lý đất đai; thực hiện chưa tốt việc bàn giao thực địa; chấp hành chưa nghiêm quyết định của UBND huyện về việc rà soát công tác bàn giao và quản lý đất thu hồi; không kiểm tra, rà soát diện tích đất trên địa bàn nên có việc giao đất cho các xã, thị trấn có trùng lắp, sai lệch diện tích nhưng không nắm được; không báo cáo cấp trên để lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và quản lý hồ sơ địa chính theo quy định dẫn đến các xã, thị trấn không quản lý đất được giao, để xảy ra khuyết điểm sai phạm như đã nêu.
Thanh tra tỉnh Kiên Giang xác định, UBND huyện Phú Quốc thực hiện việc quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương chưa tốt; thiếu kiểm tra, giám sát các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn. |
Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc quản lý đất rừng trước khi bàn giao chưa được chặt chẽ, không nắm rõ có bao nhiêu hộ đang sử dụng, bao nhiêu hộ lấn chiếm đất rừng; thực hiện việc bàn giao chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, không thực hiện thống kê, lập danh sách, diện tích, hiện trạng đất các hộ đang sử dụng để bàn giao; khi tiến hành bàn giao không bàn giao toàn bộ ranh, mốc cụ thể cho UBND các xã, thị trấn dẫn đến địa phương gặp khó khăn trong quản lý đất nhận bàn giao.
UBND các xã, thị trấn nhận bàn giao nhưng không kiểm tra đầy đủ các mốc, ranh giới khu vực đất được nhận, số hộ, diện tích, hiện trạng các hộ đang sử dụng đất nhưng vẫn ký nhận vào biên bản; sau khi nhận bàn giao quản lý chưa chặt chẽ, không đề xuất với cấp trên lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và quản lý hồ sơ địa chính tại địa bàn mình để quản lý; hàng năm không thống kê đất đai, rà soát diện tích đất được giao là vi phạm tại Khoản 2, Khoản 5, Điều 34 Luật Đất đai năm 2013.
Đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ tại Phú Quốc đang bị "xẻ thịt" ồ ạt. |
Thanh tra tỉnh Kiên Giang cũng nêu rõ sai phạm của nguyên Chủ tịch thị trấn Dương Đông, An Thới, nguyên Chủ tịch các xã Cửa Dương, Hàm Ninh, Dương Tơ cùng một số công chức địa chính – Xây dựng đã để xảy ra sai phạm.
Dù Thanh tra tỉnh Kiên Giang đã chỉ rõ sai phạm và giao UBND huyện Phú Quốc kiểm điểm, chấn chỉnh. Tuy nhiên, việc buông lỏng quản lý dẫn đến nguy cơ phá nát quy hoạch đang diễn ra tại “đảo ngọc”.
Văn phòng Chính phủ vừa gửi đi thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình về việc xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Theo văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, trong thời gian vừa qua, tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang diễn ra phức tạp (chuyển nhượng, san lấp, phân lô, xây dựng hạ tầng và nhà ở trên đất nông nghiệp), nguy cơ phá vỡ quy hoạch nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã giao Thanh tra Chính phủ bổ sung thanh tra việc quản lý, sử đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc vào Kế hoạch tiến hành thanh tra của Đoàn thanh tra theo Quyết định số 106/QĐ-TTCP ngày 28/3/2018 của Tổng Thanh tra Chính phủ. Trong đó cần tập trung làm rõ trách nhiệm quản lý đất đai; việc san lấp, phân lô, xây dựng hạ tầng và nhà ở trên đất nông nghiệp; việc giải quyết tách thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất nông nghiệp được tách.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang kiểm tra và xử lý các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp tại huyện Phú Quốc theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/7/2018.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Đất Phú Quốc lại 'sốt 39 độ'!
Tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Phú Quốc (Kiên Giang) thời gian qua diễn ra khá phức ... |
Kiên Giang điều tra sai phạm đất đai ở đảo ngọc Phú Quốc
Ngoài việc chỉ đạo UBND tỉnh, các ngành kiểm tra, xử lý sai phạm đất đai ở Phú Quốc, Tỉnh ủy Kiên Giang còn yêu ... |
Dân Phú Quốc kể chuyện giá đất tăng như vàng, mua 800 triệu bán 18 tỷ
Khi đảo ngọc Phú Quốc sắp trở thành đặc khu kinh tế, giá đất tại đây đã tăng mạnh, giao dịch cũng tăng tuy nhiên ... |
Tới đảo Hòn Thơm, Phú Quốc chinh phục cáp treo 3 dây dài nhất thế giới cùng nhóm bạn 9X
Với Trung Đức, được tận hưởng năm tháng thanh xuân tươi đẹp bên những người bạn thân bằng cách cùng nhau vi vu đến những ... |