Đất Nhơn Trạch lại bị 'hét giá'

Thông tin Chính phủ đồng ý giao cho Đồng Nai làm cầu Cát Lái trong tháng 8 vừa qua đã khiến cho thị trường bất động sản ở huyện Nhơn Trạch sôi động trở lại sau một thời gian im ắng. Giá đất ở, đất nông nghiệp hiện đang bị đẩy tăng thêm khoảng 20-30% so với dịp đầu năm 2019.
Đất Nhơn Trạch lại bị 'hét giá' - Ảnh 1.

Dự án Đông Sài Gòn nằm gần trung tâm huyện Nhơn Trạch là nơi được nhiều nhà đầu tư mua đi bán lại. Ảnh: H.GIANG

Những khu vực có giá đất tăng cao nhất là các xã Phú Hữu, Đại Phước, Phú Thạnh, Long Tân... Người mua đất từ nhiều nơi đổ về như: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, người mua chủ yếu để đầu cơ, chờ giá tăng để “ôm lãi”.

* Giá các loại đất đều tăng

Huyện Nhơn Trạch là nơi được quy hoạch nhiều dự án khu dân cư nhất tỉnh. Toàn tỉnh có hơn 300 dự án khu dân cư, riêng huyện Nhơn Trạch có khoảng hơn 100 dự án khu dân cư.

Có thể nói hiện nay, huyện Nhơn Trạch là nơi có văn phòng, cơ sở mua bán đất đai nhiều nhất tỉnh. Chỉ cần đếm sơ dọc các tuyến đường chính dẫn đến phà Cát Lái, đã có đến hơn 40 điểm mua bán đất đai.

Đất được rao bán tại các điểm giao dịch này có đủ loại để khách hàng có thể lựa chọn. Trong đó, có cả đất nền của các dự án khu dân cư đã có hạ tầng kỹ thuật hoặc đất các dự án đang xây dựng hạ tầng. Giá bán từ 900 triệu đồng  đến 1,5 tỷ đồng/nền (1 nền 80-100m2), tùy theo vị trí.

Ông Lê Đình Bình, nhân viên bán hàng của dự án Khu dân cư Mega City 2 ở xã Phú Hội nói: “Đất thuộc các dự án khu dân cư hiện đã tăng từ 250-300 triệu đồng/nền so với dịp đầu năm. Đơn cử như dự án Khu dân cư Mega City 2, đầu năm nay chỉ bán 650-800 triệu đồng/nền, nhưng hiện giá đã lên từ 900 triệu đồng đến 1,1 tỷ đồng/nền và khách mua đi, bán lại cũng rất nhiều”. Đất thổ cư dọc các tuyến đường lớn thuộc các xã Phú Hữu, Đại Phước, Phú Thạnh cũng dao động từ 15-22 triệu đồng/m2, tăng khoảng 30% so với cách đây 2-3 tháng.

Bà Hoàng Thị Nhung (xã Phú Hữu) cho hay: “Gia đình tôi có thửa đất thổ cư ngay mặt tiền đường lớn, cách phà Cát Lái hơn 1km. Gần 2 tháng trước, khách đến hỏi mua với giá  18 triệu đồng/m2 nhưng tôi chưa bán, mới đây nhiều người đến trả 22 triệu đồng/m2 nhưng tôi dự tính giữ lại khi xây dựng cầu xong giá sẽ còn lên cao hơn nữa”.

Đất nông nghiệp ở Nhơn Trạch hiện cũng tăng mạnh với mức tăng từ 1-1,5 tỷ đồng/sào (1 ngàn m2). Cụ thể, đất trồng cây hằng năm, cây lâu năm ở các xã Phú Hữu, Đại Phước, Phú Hội, Long Tân... hiện được sang nhượng 2,5-3 tỷ đồng/sào, đất trồng lúa giá từ 1,5-2,5 tỷ đồng/sào. Nhiều “cò” đất ở huyện Nhơn Trạch nhờ làm môi giới mua đi, bán lại đã kiếm lời từ vài tỷ đồng đến cả chục tỷ đồng.

* Chủ yếu mua đầu cơ

Huyện Nhơn Trạch là nơi đang có đất đai “sốt” nhất địa bàn tỉnh. Bên cạnh thông tin làm cầu Cát Lái thì nhiều dự án hạ tầng khác cũng thu hút các nhà đầu tư đến “lướt sóng” đất đai như: cầu quận 9 (TP.Hồ Chí Minh) nối với huyện Nhơn Trạch đang thi công, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường vành đai 3, vành đai 4...

Những tuyến đường và các cây cầu trên khi hoàn thành sẽ  rút ngắn thời gian di chuyển về huyện Nhơn Trạch. Đặc biệt khi 2 cây cầu nối TP.Hồ Chí Minh sang huyện Nhơn Trạch làm xong, có thể sẽ có xu hướng nhiều người dân TP.Hồ Chí Minh sang Nhơn Trạch sinh sống. Nguyên nhân là do giá đất phía huyện Nhơn Trạch hiện chỉ bằng 40-50% so với đất ở các nơi như quận 2, quận 9 (TP.Hồ Chí Minh). Do đó, nhiều nhà đầu tư hy vọng vào cơ hội trong tương lai nên thời điểm này đã mua để đón đầu.

Bà Kim Xuyến, nhân viên bán hàng tại Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Đại Phước nằm trên địa bàn xã Đại Phước cho biết: “Khách mua đất nông nghiệp diện tích lớn hoặc đất nền chủ yếu là đầu cơ, rất ít người mua để ở. Có nhiều khách mua đất sau 1-2 tuần đã ký gửi tại công ty để giới thiệu bán lại với giá tăng thêm 15-20%”.

Do đa số khách hàng chỉ mua đầu tư nên giá đất ở huyện Nhơn Trạch trong vòng 3 năm trở lại đây liên tục được đẩy lên cao. Có những thời điểm giá đất tạm lắng xuống, nhưng khi có thông tin mới về việc triển khai các dự án hạ tầng như cầu, đường thì giá lại bị các nhà đầu tư “thổi” lên thành cơn sốt.

Thực tế, tại huyện Nhơn Trạch hiện đang có rất nhiều khu dân cư đã hoàn thành hạ tầng nhiều năm nhưng vẫn vắng vẻ, không có người sinh sống. Lý do là vì chỉ mua để đầu tư, lướt sóng mà không xác định ở lâu dài nên tại nhiều nơi, các khu nhà xây thô và đất nền dù đã được bán qua tay nhiều chủ vẫn là những khu đất bỏ hoang.

Theo Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ, huyện đã đề xuất tỉnh sớm triển khai các dự án kết nối giao thông, tạo thuận lợi để người dân đến các dự án khu dân cư đã hoàn thành hạ tầng sinh sống lâu dài. Bên cạnh đó, huyện cũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế... cùng các dịch vụ kết nối khác nhằm tạo ra các tiện ích cho các khu dân cư để thu hút những người có nhu cầu ở thực sự, thay vì chỉ mua đất để đầu cơ trong một thời gian rất ngắn.


chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.