Siêu bong bong
Bitcoin (BTC) tiếp tục làm mưa làm gió trên thế giới với hàng loạt các kỷ lục được thiết lập. Từ mức giá chưa tới 0,1 cent (năm 2009), bitcoin được đánh giá vượt quá xa giá trị thật khi lên 2 USD hồi năm 2011.
Tuy nhiên, “đồng tiền” này nhanh chóng vượt ngưỡng 1.000 USD/BTC hồi tháng 1/2017 trước khi tăng thêm khoảng 20 lần nữa, vượt ngưỡng 20.000 USD/BTC vào hôm 17/12/2017 vừa qua.
Tốc độ tăng giá của bitcoin là phi mã, hiện giá đã cao gấp khoảng 15 lần so với 1 ounce vàng.
Tổng vốn hóa của bitcoin đã vượt ngưỡng 330 tỷ USD, lớn hơn GDP của nhiều quốc gia. Còn tính cả các “đồng tiền ảo” khác, vốn hóa thị trường “tiền ảo” - tiền điện tử - (cryptocurrency) đã lên tới 600-700 tỷ USD và được chuyên gia trên CNBC dự báo đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2018.
Tại cuộc tọa đàm "Bitcoin và làn sóng Blockchain” mới đây, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, có 2 lý do để bitcoin tăng nhanh như thời gian qua. Đó là vì bitcoin là một công cụ đầu cơ và công cụ chuyển tiền ẩn danh.
Ông Nguyễn Việt Bách đến từ một sàn tư vấn giao dịch bitcoin Việt Nam cũng xác nhận tình trạng bong bóng của “đồng tiền” này nhưng vẫn cho rằng, trong vòng 1-2 năm nữa, bitcoin vẫn có thể tăng, đến 50.000-100.000 USD trước khi bị cạnh tranh bởi các “đồng tiền” khác.
Trước đó, ông trùm diệt virus John McAfee cho rằng, đến năm 2020 bitcoin sẽ đạt 1 triệu USD dựa vào mô hình dự đoán của riêng mình, cao gấp đôi so với dự báo trước đó.
Ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Basico, nhìn nhận, bitcoin không hề có giá trị, là siêu siêu rủi ro và trong khoảng 5 năm nữa bitcoin sẽ về gần với số 0 cho dù bong bóng có thể phình nở tiếp, không loại trừ khả năng bitcoin lên tới cả triệu USD.
Trước đó, rất nhiều chuyên gia và nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới cũng bày tỏ nỗi lo về quả bong bóng bitcoin. CEO JPMorgan Chase Jamie Dimon từng gọi bitcoin là “lừa đảo”, cho rằng những người đầu tư vào nó là ngu ngốc.
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng từng khuyên rằng, nên tránh xa khỏi bitcoin.
Một số ngân hàng cảnh báo rằng việc giá bitcoin lao dốc có thể là một trong những nguy cơ của thị trường tài chính thế giới vào năm sau.
Với mức vốn hóa nhiều trăm tỷ, thậm chí lên tới cả ngàn tỷ trong năm sau, bitcoin còn được ví như một ponzi vĩ đại, vượt qua vụ lừa đảo kinh dị của Bernard Madoff cách đây 10 năm.
Cú sốc thúc đẩy công nghệ blockchain
Với kinh nghiệm của một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng, bitcoin không phải là tiền mà chỉ là một loại tài sản đầu cơ. Theo đó, tiền được phát hành và kiểm soát bởi ngân hàng trung ương của các quốc gia, và có tỷ giá hối đoái giữa các loại tiền phụ thuộc vào nền kinh tế và cán cân thương mại của các quốc gia. Trong khi bitcoin không được phát hành bởi bất kỳ quốc gia nào và giá thay đổi hoàn toàn chỉ dựa vào cung cầu của nhà đẩu tư.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, bitcoin đang được một số tổ chức và cá nhân sử dụng làm công cụ chuyển tiền ẩn danh nhưng khi các quốc gia thừa nhận và giám sát thì việc chuyển tiền qua giao dịch bitcoin có thể kiểm soát và phát hiện dễ dàng qua việc truy xuất thông tin tại hệ thống máy chủ.
Ông Hưng cho rằng, bitcoin thực chất đang được nhìn nhận đơn thuần là một tài sản đầu cơ, giá được định đoạt bởi cung và cầu tại từng thời điểm. Do lượng người quan tâm đến bitcoin nói riêng và các coin khác nói chung ngày càng nhiều nên giá tăng rất nhanh, biến động với biên độ lớn thu hút ngày càng nhiều người tham gia thử vận may trong cơn sốt này. Nhưng đây cũng chính là mảnh đất mầu mỡ để các tổ chức và cá nhân hình thành các hoạt động lừa đảo. Nhà nước cần nhanh chóng có khung pháp lý để điều chỉnh hoạt động này.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước không cho bitcoin và các loại tiền ảo vào nhóm các phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Nếu dùng bitcoin thanh toán có thể bị tù 3 năm.
Mặc dù không được thanh toán, nhưng theo ông Trương Thanh Đức việc trao đổi, mua bán, cho tặng bitcoin là không bị cấm.
Ông Đức cũng khẳng định, bitcoin không phải là tiền, không phải là giấy tờ có giá, cũng không phải là hàng hóa. Tuy nhiên, đó chắc chắn là một loại tài sản vì nó có giá, có giao dịch cho dù về giá trị đằng sau loại tài sản này là gần như không có gì. Nó khác xa so với cổ phiếu, cổ phần của doanh nghiệp. Bong bóng bitcoin hay các loại tương tự có thể sẽ nổ vỡ tung, không còn gì.
Mặc dù vậy, hầu hết các chuyên gia trong và ngoài nước đều thống nhất một nhận định cho rằng, bitcoin là một cú huých cho sự phát triển của công nghệ blockchain. Bitcoin chỉ là một trong rất nhiều các ứng dụng của công nghệ này và nó nổi bật vì là một ứng dụng đầu tiên.
Tương lai công nghệ blockchain sẽ được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống xã hội. Trong khi giá trị của bitcoin trong tương lai còn là câu chuyện tranh cãi, thì vấn đề quan trọng hiện nay là: Nhà nước cần có hành lang pháp lý, qua đó sẽ minh bạch thị trường mua bán, kiểm soát được các hoạt động phạm tội, giảm thiểu rủi ro cho những người tham gia và quan trọng nhất là nhà nước kiểm soát được hoạt động và thu được thuế.