Đấu thầu để chọn doanh nghiệp tốt nhất vận hành xe buýt

Chuyên gia cho rằng thay vì chỉ định thầu, Nhà nước nên tổ chức đấu thầu để lựa chọn những doanh nghiệp tốt nhất vận hành xe buýt. Những doanh nghiệp xứng đáng cả về văn hóa phục vụ cả về chất lượng phục vụ thì phải được chọn.

Dịch vụ của xe buýt chưa tạo được sự yên tâm cho người dân. (Ảnh minh họa: Huy Hoàng).

Trong nhiều năm qua, nhiều địa phương đã có các hình thức hỗ trợ, ưu tiên, nhưng xe buýt vẫn chưa trở thành phương tiện vận tải công cộng tiện lợi được người dân lựa chọn.

Có nhiều nguyên nhân khiến khách hàng ''quay lưng'' với xe buýt như đa số là xe cũ, xuống cấp; nhà xe thiếu chuyên nghiệp, thiếu tiềm lực tài chính; nhân viên phục vụ chưa tốt, vẫn còn tệ nạn móc túi, quấy rối trên xe; điểm lên xuống chưa thuận tiện, thời gian giãn cách giữa các chuyến dài, khiến khách hàng phải chờ đợi lâu, chưa tạo thuận lợi cho người cao tuổi, người khuyết tật,..

Thời gian gần đây, dư luận "nóng'' lên với câu chuyện một doanh nghiệp xe buýt ở Hà Nội xin trả lại 5 tuyến buýt được trợ giá. Hay tại TP HCM, nhiều đơn vị vận tải xe buýt kêu lỗ vì nguồn thu không đủ bù chi.

Chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu người dân

Tại tọa đàm “Để xe buýt thực sự là một lựa chọn văn minh” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức vào chiều ngày 25/7, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh nêu thực trạng đáng buồn hiện nay về xe buýt công cộng tại các đô thị lớn, đặc biệt tại Hà Nội và TP HCM và nhận định còn rất nhiều tồn tại chưa giải quyết được.

Ông Thanh cho rằng hành khách quay lưng với xe buýt, nhiều người cảm thấy không còn thói quen đi xe buýt nữa bởi mất mấy tháng, thậm chí cả năm trời không đi và họ đã dần quen đi xe cá nhân nên muốn phục hồi lại càng khó khăn hơn.

"Nếu càng ít khách đi thì trợ giá cho các doanh nghiệp xe buýt lại bị giảm xuống thì càng lấy đâu tiền để đổi mới phương tiện, lấy đâu tiền để đầu tư cho hạ tầng xe buýt, thậm chí chi lương cho cán bộ nhân viên của công ty còn khó khăn", Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay.

Các chuyên gia dự tọa đàm “Để xe buýt thực sự là một lựa chọn văn minh”. (Ảnh: VGP).

Nêu ý kiến, TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng vẫn còn những vấn đề khiến xe buýt kém hấp dẫn khi dịch vụ chưa tạo được sự yên tâm cho người dân, gây ra ách tắc giao thông, nhiều lái xe chạy ẩu, thậm chí vượt cả đèn đỏ, gây tai nạn.

Ngoài ra, tiến sỹ cũng nêu thực trạng gây ô nhiễm của xe buýt hay việc quản lý đô thị chưa chặt chẽ dẫn đến chậm đổi mới giao thông công cộng, ảnh hưởng đến vận hành xe buýt, chưa đáp ứng thời gian di chuyển của hành khách.

Lấy ví dụ về xe buýt của công ty Phương Trang, ông Lưu Bình Nhưỡng khẳng định với quyết tâm của doanh nghiệp, không cần trợ giá vẫn có lãi. Nếu làm tốt, trợ giá là thừa. "Có thể thấy rõ một công thức là phương tiện hiện đại cùng với chất lượng tốt, hài lòng khách hàng sẽ cho ra hạch toán tốt", ông Nhưỡng đánh giá.

"Không thể không đấu thầu"

Bàn về vấn đề ùn tắc giao thông, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, trước khi đổ lỗi cho giao thông cần nhìn nhận do lỗi quy hoạch đô thị. Câu chuyện phát triển xe buýt ở đô thị lớn nhiều năm nay vào ngõ cụt, từ buýt nhỏ, BRT, đến đường trên cao...  

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị nghiêm túc xử lý quy hoạch đô thị rõ ràng, thậm chí phá bỏ những nhà cao tầng làm ách tắc giao thông, sau đó mới đến tổ chức giao thông, đầu tư hạ tầng. Việc này cần làm bài bản để doanh nghiệp nhảy vào cuộc bằng cơ chế khuyến khích, trợ giá, đấu thầu minh bạch. 

Đồng quan điểm, TS Lưu Bình Nhưỡng nhận định không thể không đấu thầu. Nhà nước phải thay nhân dân tìm được nhà thầu tốt nhất, đấu thầu đoàng hoàng, không để tình trạng quân xanh quân đỏ.

Về vấn đề quy hoạch, ông cho rằng phải nằm trong quy hoạch về kinh tế - xã hội nói chung. Ông cũng phản đối quy hoạch các loại đô thị lớn mọc lên ở hai đầu cầu gây ùn tắc giao thông.

Quy hoạch giao thông thì việc phân luồng tuyến bến bãi phải rõ ràng. Xe buýt không được xung đột với các loại hình giao thông khác, xe buýt phải nằm trong luồng tuyến của các loại hình khác thì mới có nhiều giá trị.

Từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. (Ảnh minh họa: Huy Hoàng).

Còn theo ông Đào Viết Ánh, Tổng Giám đốc CTCP xe khách Phương Trang, các địa phương cần nghiên cứu đề án xe buýt của riêng mình và tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu nhu cầu đi lại của người dân để tổ chức đấu thầu nhằm kêu gọi các doanh nghiệp vận tải tham gia.

Ông Ánh đề xuất những tuyến kém phải yêu cầu doanh nghiệp đổi mới và cải thiện dịch vụ, nếu hết thời hạn không thực hiện thì thu hồi để các doanh nghiệp uy tín tham gia.

"Đừng bao cấp, xin - cho nữa, để doanh nghiệp tự quyết định chất lượng dịch vụ, người dân cũng tự quyết định, chất lượng cao thì giá cao mà chất lượng vừa thì vừa tiền”, ông Đào Viết Ánh nói.

Kết luận buổi tọa đàm, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng cần tính đến đổi mới và nghiên cứu xây dựng một quy hoạch rất khoa học, nâng cao chất lượng hệ thống xe buýt.

Tiếp theo, ông Dũng kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường để chọn được những doanh nghiệp có năng lực nhất cung cấp dịch vụ này. Những doanh nghiệp xứng đáng cả về văn hóa phục vụ cả về chất lượng phục vụ thì phải được lựa chọn.

Ông cũng nhấn mạnh việc phải tổ chức đấu thầu để chọn những doanh nghiệp có chất lượng, không vì quan hệ quen biết, thân thiết mà chọn theo cách chỉ định thầu.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.