Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa biển, Cục Cảnh sát giao thông (C67), Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường các biện pháp đấu tranh với hoạt động trái phép này.
Theo thông tin từ Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục C67, Bộ Công an cho biết: Vào khoảng 00 giờ 30 phút sáng 12-1, Cục C67 phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường (C49), Phòng Cảnh sát đường thủy (PC68), Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra, phát hiện, bắt giữ 5 phương tiện thủy đang có hoạt động khai thác cát trái phép tại khu vực ngã ba sông Đuống với sông Hồng (đoạn cửa Dâu) thuộc địa phận TP Hà Nội.
Các phương tiện khai thác cát trái phép đoạn cửa Dâu thuộc địa phận TP Hà Nội bị bắt giữ rạng sáng 12-1.
Các phương tiện khai thác cát trái phép đoạn cửa Dâu thuộc địa phận TP Hà Nội bị bắt giữ rạng sáng 12-1. |
5 phương tiện khai thác cát đều mang biển kiểm soát tỉnh Hải Dương gồm: HD-0240; HD-2428; HD 1302; HD-2208; HD-0759 trên mỗi tàu đều có 2 đến 4 máy hút cát công suất lớn.
Tại thời điểm kiểm tra 5 phương tiện nêu trên không xuất trình được bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, giấy đăng ký, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của phương tiện, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc cát trên phương tiện và các giấy tờ liên quan đến việc cấp phép bơm hút cát trong khu vực.
Khai thác ban đầu, các công nhân làm việc trên tàu đều thừa nhận lợi dụng đêm tối hút cát trái phép tại khu vực cửa Dâu sau đó đem đi tiêu thụ.
Thượng tá Đỗ Thanh Bình (chính giữa) kịp thời đến hiện trường vụ việc động viên cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ. |
Nhận được báo cáo nhanh từ tổ công tác, Thượng tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục C67 đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra động viên cán bộ, chiến sĩ trong tổ công tác. Thượng tá Đỗ Thanh Bình còn chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, củng cố chứng cứ để xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Hiện vụ việc đang được các đơn vị chức năng tiến hành xác minh, điều tra làm rõ.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng hướng dẫn tuyên truyền pháp luật, Cục C67 cho biết: Trong năm 2017, có đến vài trăm trường hợp khai thác cát trái phép đã bị lực lượng CSGT các địa phương phát hiện, kiểm tra, xử lý.
Các đối tượng kẻ cảnh giới, người trực tiếp vận hành máy bơm hút cát, còn đối tượng khác thì ngồi trong khoang máy, sẵn sàng tăng tốc bỏ chạy nếu phát hiện thấy cơ quan chức năng kiểm tra. Dù trọng tải các phương tiện này chỉ vài chục tấn, song nếu như không bị lực lượng Cảnh sát đường thủy phát hiện, ngăn chặn chỉ trong một đêm, những chiếc tàu này cũng "đục rỗng" hết cả một khúc sông, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Theo đánh giá của Cục C67: Thực trạng hiện nay, nhu cầu mua bán vật liệu xây dựng để san lấp, xây dựng hiện đang rất cao. Để giải quyết nhu cầu của người dân, nhiều khu vực dù đã được các cơ quan chức năng cấp phép cho nạo vét, khơi thông hoặc khai thác song có không ít những cá nhân, đơn vị lợi dụng vào việc cấp phép này để hoạt động sai mục đích, hoặc cố tình lập lờ để vi phạm, khai thác cát trái phép. Việc xác định ranh giới khai thác trên sông cũng gặp nhiều khó khăn, bởi công tác này đòi hỏi phải có sự chính xác tuyệt đối.
“Nhiều tàu, thuyền dù hoạt động ở bãi cấp phép song trên thực tế dưới đáy thuyền vòi rồng vẫn vươn sang phần sông không được cấp phép để hoạt động. Hơn nữa, không giống như khai thác đá, khi diện tích khai thác cứng, việc khai thác cát, sỏi dưới lòng sông đã làm chuyển hướng, thay dòng chảy ở ngay cả khúc sông, phần sông cấm khai thác”.