Đầu tư 388.000 tỷ đồng cho Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết tổng số vốn NSNN đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 388.000 tỷ đồng.

2 tỷ USD đầu tư cho tuyến đường ven biển miền Tây và các công trình giao thông quan trọng

Tại Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sáng 13/3, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) dự kiến hỗ trợ cho các dự án tại 13 tỉnh miền Tây dự kiến đạt khoảng 266.000 tỷ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020. Trong đó, nguồn vốn địa phương là khoảng 162.000 tỷ, vốn từ Trung ương là khoảng 82.000 tỷ; nguồn vốn nước ngoài là 22.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, vốn NSNN đầu tư qua một số Bộ như Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án đạt khoảng 121.000 tỷ đồng. Do đó, tổng số vốn ngân sách đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của vùng khoảng 388.000 tỷ đồng.

Đầu tư 388.000 tỷ đồng cho Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP).

Số vốn được bố trí như trên sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng như thông toàn bộ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau; các tuyến đường giao thông có tính chất liên kết vùng và một số tuyến quốc lộ trong vùng, đặc biệt là tuyến đường ven biển khép kín của ĐBSCL, hệ thống thủy lợi và chuyển nước cho Cà Mau. 

Riêng đối với nguồn vốn ODA, để bổ sung tăng thêm 2 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025 cho vùng theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, xây dựng báo cáo đề xuất khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL, quy mô dự kiến 1,05 tỷ USD.

Số tiền này sẽ dành để hoàn thành được các công trình như đường ven biển đối với các tỉnh có biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang, hồ chứa nước ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất vùng tứ giác Long Xuyên, một số công trình giao thông liên tỉnh có tính lan tỏa, tạo động lực cho phát triển của vùng.

Đầu tư 388.000 tỷ đồng cho Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 2.

Kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025 cho ĐBSCL. (Ảnh: VGP).

Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh số vốn trên mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu của các địa phương, chưa thể kết nối liên tục các tuyến ven biển, còn nhiều nơi như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau vẫn phải đi phà hoặc vòng sang cầu hiện hữu đã quá tải.

Do đó, để có thêm nguồn lực, Bộ KH&ĐT đã làm việc và nhận được nhiều đề xuất cam kết và cung cấp khoản vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại của các đối tác phát triển.

Sớm hoàn thành Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng kiến nghị một số nội dung có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng ĐBSCL.

Về nguồn vốn ODA, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý tiếp nhận 2,0 tỷ USD hỗ trợ thêm cho vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025, tăng thêm 950 triệu USD ngoài khoản 1,05 tỷ USD mà Ngân hàng Thế giới đã cam kết, theo cơ chế đặc thù, vượt trội và thực hiện cơ chế cấp phát 100% cho các địa phương trong vùng để hoàn thiện khép kín toàn bộ tuyến đường ven biển, hoàn thành các cầu lớn kết nối các địa phương trong vùng, các dự án thuỷ lợi liên kết vùng, có tính lan toả, tập trung phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và thích ứng với biến đổi khí hậu và một số trục giao thông động lực của Vùng.

Đầu tư 388.000 tỷ đồng cho Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 3.

(Ảnh: VGP).

Về công tác quy hoạch, kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng xem xét, sớm tổ chức thẩm định Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 4/2021, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn vùng.

Về phân bổ nguồn lực, các địa phương cần ưu tiên nguồn lực và bố trí nguồn vốn đối ứng để triển khai các dự án có tính chất kết nối liên vùng, liên tỉnh, có tác động lan tỏa; mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất cho sản xuất kinh doanh, kết nối tuyến giao thông hành lang ven biển; ưu tiên cho các dự án giao thông đường ven biển, nhằm kết nối khép kín tối đa tuyến đường ven biển của vùng ĐBSCL.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.