Đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam có cách đi khá đặc biệt thông qua hợp đồng tổng thầu

Thực tế, FDI của Trung Quốc đổ vào Việt Nam những năm gần đây không lớn như suy đoán của nhiều người. Tuy nhiên, dòng vốn của nhà đầu tư Trung Quốc xuất hiện tại Việt Nam rất nhiều qua các hợp đồng tổng thầu.

Tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu "Một số nhận định về vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam" do Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức chiều 22/7,  PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng của VEPR cung cấp một số thông tin đáng chú ý về nguồn vốn Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam gần đây.

Theo thông tin nghiên cứu, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam tăng dần qua từng năm, và tập trung chủ yếu từ khu vực Đông Bắc Á. Nếu như đến năm 2012, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 208 tỉ USD, trong đó khu vực Đông Bắc Á đóng góp 46% thì lũy kế đến giữa năm 2019, nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng lên 352 tỉ USD. Trong số này, tỉ trọng vốn khu vực Đông Bắc Á tăng lên 54%.

4

Tổng mức vốn đăng kí hàng năm của các quốc gia Đông Bắc Á tại Việt Nam. (Ảnh: Báo cáo VEPR).

Cũng theo báo cáo, vốn FDI đang được tập trung vào ngành chế biến, chế tạo.

 Ông Thành nhận định Việt Nam đang thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua ngành này. Bằng chứng là năm 1995, tỉ lệ đóng góp chuỗi giá trị toàn cầu là 34%, trong đó 12% đến từ nội địa. Hiện tại, tỉ lệ nà đãy nâng lên mức 56%, nhưng khu vực trong nước lại giảm còn 11%.

"Điều này phần nào phản ánh sự thất bại của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu", ông Thành nói.

Trong đó, vốn FDI Trung Quốc tới Việt Nam dù đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây, song vẫn chiếm tỉ lệ không lớn. Theo ông Nguyễn Đức Thành, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới mới chỉ trở thành nước xuất khẩu vốn trong những năm gần đây, nhưng số vốn ra ngoài Trung Quốc lại chủ yếu tập trung vào Hong Kong, thay vì những nước đang phát triển.

2

Trong giai đoạn 2012-2018, tổng lượng đăng kí vốn mới của Trung Quốc tăng mạnh, nhưng chưa quá nổi trội. (Ảnh: Báo cáo VEPR).

"Sự hiện diện của Trung Quốc tại Việt Nam thông qua hai kênh ODA và FDI chưa lớn, không so sánh được với các quốc gia khác như Hàn Quốc hay Nhật Bản", ông Nguyễn Đức Thành đánh giá. 

Lí do là bởi đầu tư FDI chịu ảnh hưởng từ tư nhân và mô hình kinh doanh, mang tính thị trường và đề cao giá trị lợi nhuận. Doanh nghiệp Trung Quốc tính toán rất kĩ, và họ hiểu rằng người Việt Nam "chưa có thiện cảm" với vốn đến từ Trung Quốc. 

Các nhà đầu tư thường thành lập công ty ở nước khác có sự tin tưởng lớn như Nhật Bản, sau đó mới đầu tư vào Việt Nam.

1

Tổng số vốn FDI đăng kí mới và tăng thêm của Trung Quốc tại Việt Nam chưa thể so sánh với Hàn Quốc hay Nhật Bản (Ảnh: Báo cáo VEPR).

Tuy nhiên, đại diện VEPR cho biết vốn của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam có cách đi khá đặc biệt, đó là thông qua con đường tổng thầu EPC.

Hợp đồng thiết kế - Cung ứng vật tư, thiết bị - Xây dựng (viết tắt là EPC) hay hợp đồng chìa khóa trao tay là sự thỏa thuận bằng văn bản, được kí kết giữa chủ đầu tư dự án với một nhà thầu hoặc một liên danh nhà thầu (gọi chung là tổng thầu EPC), để thực hiện các công việc về thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị, dịch vụ kĩ thuật, xây dựng và lắp đặt một dự án hay một gói thầu.

Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc VEPR, cũng chung nhận định: Nguồn vốn Trung Quốc vào kinh tế Việt Nam không đến từ FDI, mà thông qua các hợp đồng EPC.

Tính đến năm 2017, trong hệ thống định chế tài chính nước ngoài tài trợ cho dự án nhiệt điện tại Việt Nam, ngân hàng đến từ Trung Quốc đóng góp tỉ trọng nhiều hơn tất cả các ngân hàng của những quốc gia khác cộng lại, với gần 1,6 tỉ USD từ China Development Bank, 0,8 tỉ USD từ Bank of China, 0,78 USD tỉ từ China Construction Bank và 36 triệu USD đến từ China Communication Bank.

3

Ví dụ từ ngành điện than cho thấy nhà thầu Trung Quốc đang thống trị đầu tư thông qua hợp đồng EPC. (Ảnh: Báo cáo VEPR).

VCES cũng nghiên cứu riêng đầu tư Trung Quốc dưới hình thức EPC của ngành điện than với 40 dự án được khảo sát. Hiện tại, trong 44 nhà máy nhiệt điện, có tới 21 nhà máy có tổng thầu là người Trung Quốc. Trong tổng giá trị hợp đồng EPC theo quốc gia với ngành điện than, Trung Quốc chiếm tới gần 70%.

Với nhiệt điện, nhà thầu Trung Quốc cũng đang tham gia khá sôi động. Dự án nhiệt điện Duyên Hải 3 đang được Changda-Dec-Swepdi-Zepc đầu tư với mức vốn 1,17 tỉ USD. Dự án Duyên Hải do Dongfang Electric Corp phụ trách, giá trị 1,57 tỉ USD, dự án Vính Tân 1 và Vĩnh Tân 2 lần lượt có mức đầu tư 1,75 tỉ và 1,38 tỉ USD.

Tập đoàn Huadian đầu tư vào nhiệt điện Việt Nam mạnh mẽ nhất, thông qua con đường EPC, với hai dự án Kiên Lương và Duyên Hải 2, tổng giá trị lên tới 4,4 tỉ USD.

Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành đánh giá nhà thầu Trung Quốc đang dẫn đầu cả về số vốn và sự xuất hiện của các nhà máy, với những ngành có hợp đồng EPC.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đưa ra quan điểm: "Trước nguồn vốn đến từ Trung Quốc, Việt Nam cần có sự giám sát chặt chẽ khi lựa chọn nhà thầu, lựa chọn dự án cũng như công nghệ".

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.