ĐBQH: Cần lập đội PCCC ở chung cư lớn, công khai chủ đầu tư vi phạm trên báo chí

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) cho rằng một bộ phận người dân sống ở đô thị có hiểu biết về pháp luật phòng cháy, chữa cháy nhưng lại không tự giác chấp hành. Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) cho rằng cần phải thành lập đội phòng cháy, chữa cháy ở những chung cư lớn.

Lập đội PCCC ở chung cư lớn

Chiều 13/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) cho rằng một bộ phận người dân sống ở đô thị có hiểu biết về pháp luật phòng cháy, chữa cháy nhưng lại không tự giác chấp hành.

Bên cạnh đó, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy thiếu về số lượng, kém cả về chất lượng, kinh phí đầu tư cho công tác này còn khá hạn hẹp.

"Đáng chú ý là những hạn chế, bất cập đó đã được diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, nhiều đơn vị và đã được phát hiện trong thời gian dài nhưng chậm được khắc phục", đại biểu Hà cho ý kiến.

Đại biếu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) cũng cho rằng công thanh tra, kiểm tra chuyên đề phải mang tính xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp.

"Chương trình giám sát phải bao gồm cả việc kiểm tra hạ tầng phòng cháy, chữa cháy, bố trí công cộng như là các họng cấp nước trên hành lang công cộng.

Vì thực tế kiểm tra cho thấy có nhiều họng nước để cung cấp cho phòng cháy, chữa cháy gần như khô cạn.

Bên cạnh đó cũng có những họng nước làm thất thoát nước rất nhiều nhưng chưa được kịp thời kiểm tra, xử lí, vì đây là nguồn lực thiết yếu cho hoạt động của công tác phòng cháy, chữa cháy", đại biểu Như Ý nói.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, với sự phát triển nhanh của các cụm dân cư, các chung cư cao tầng, nơi trọng yếu của dân sinh, nếu xảy ra hỏa hoạn thì mức độ thương vong rất cao.

Do đó, cần phải thanh tra, kiểm tra với tần suất cao hơn, không thể để tình trạng chủ đầu tư rao bán cho cư dân vào nhà mà chưa được thẩm định phòng cháy, chữa cháy và chưa được định kì kiểm tra cũng như trong báo cáo đã có đề cập.

Về vấn đề PCCC ở chung cư, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) cho rằng cần phải thành lập đội phòng cháy, chữa cháy ở những chung cư lớn.

"Để khi có tình huống xảy ra, chúng ta thấy đường xá chật hẹp, giao thông xe phòng cháy trở nên khó hoạt động thì lúc này lực lượng tại chỗ phải có những lực lượng đủ mạnh để xử lí", đại biểu Nghĩa lí giải.

74886479_794021474366125_5237527435662065664_n

Đại biểu đề xuất lập đội PCCC ở chung cư lớn. (Ảnh minh họa: Di Linh).

Công khai chung cư vi phạm, chây ì PCCC

Về ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết đã có qui định rất cụ thể về quy hoạch hệ thống đường giao thông để phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, các trạm phòng cháy, chữa cháy, bố trí các trụ nước, qui định về việc phòng cháy, báo cháy, ngăn cháy lan, chữa cháy và cũng có những qui định rất cụ thể về phòng, chống cháy trong một số công trình chuyên ngành.

"Ví dụ như nhà ở, chung cư, chợ, công trình thương mại, dịch vụ..., trong Luật Nhà ở đã qui định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, của Ban quản trị nhà chung cư trong việc thực hiện các qui định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy cũng như việc mua bảo hiểm về cháy, nổ.

Tuy nhiên, có một hạn chế rất căn bản là còn tản mạn, có một số nội dung đã lạc hậu, còn thiếu một số qui định để đáp ứng đối với yêu cầu và sự phát triển rất nhanh của lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị", ông Hà nói.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Hà cũng thừa nhận công tác thanh tra, kiểm tra và đặc biệt là xử lí vi phạm chưa nghiêm.

"Trong báo cáo của Đoàn giám sát và các đại biểu cũng rất bức xúc tại sao có những công trình chưa nghiệm thu mà trong đó có phòng cháy, chữa cháy thì đã đưa vào sử dụng.

Một số các vi phạm đã phát hiện ra nhưng xử lý không nghiêm dẫn tới chủ đầu tư, một số chủ thể liên quan có biểu hiện nhờn", ông Hà nói.

Về vấn đề xử lí vi phạm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết với công trình vi phạm về PCCC, Bộ này đã kiên quyết xử phạt theo qui định của pháp luật.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị UBND cấp tỉnh có các biện pháp xử lí bắt buộc chủ đầu tư thực hiện như công khai danh sách các chủ đầu tư và các công trình vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

Không xem xét và cấp phép đầu tư các dự án mới cho các chủ đầu tư chưa khắc phục những vi phạm đối với các tòa nhà hiện hữu, công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đã được thực hiện nghiêm túc.

Ngoài ra, Bộ này sẽ chỉ đạo lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tăng cường công tác quản lí, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các qui định của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

"Quá trình kiểm tra, phát hiện vi phạm, kiên quyết xử lí nghiêm các chung cư, nhà cao tầng, chủ đầu tư vi phạm, cố tình chây ỳ, không chấp hành, khắc phục các vi phạm sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân cùng tham gia giám sát, kiểm tra với các cơ quan quản lí nhà nước", Bộ trưởng Công an cho biết.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.