Đề án 14.000 tỷ đào tạo tiến sĩ thất bại: Vì đâu nên nỗi?

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, đề án 911 thất bại do không tìm được người có đủ tiêu chuẩn đi học ở nước ngoài. Nghiên cứu sinh trong nước vừa học vừa làm, không đảm bảo chất lượng.

Kết quả Kiểm toán Nhà nước về đề án có kinh phí 14.000 tỷ đồng đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ đẳng giai đoạn 2010-2020 (đề án 911) cho thấy hàng loạt mục tiêu không đạt được. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị về xử lý tài chính đối với Bộ GD&ĐT, thu hồi nộp ngân sách hơn 50 tỷ đồng.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - phân tích nguyên nhân thất bại của đề án và hướng đi tiếp theo cho việc đào tạo tiến sĩ.

Nhiều nghiên cứu sinh ra nước ngoài bị sốc

- Thưa PGS.TS Đỗ Văn Dũng, theo Kiểm toán Nhà nước, nguyên nhân thất bại của đề án 911 là xây dựng mục tiêu quá cao, thiếu cơ sở khảo sát, đánh giá và không sát thực tế, dự kiến nguồn tuyển không đúng. Quan điểm của ông như thế nào?

- Nhiều học viên theo đề án 911, 322 hay một số đề án khác có tình trạng chung là không đạt chuẩn kỹ năng, có đầu vào tiếng Anh thấp khi ra nước ngoài học tập.

Để viết được báo cáo và làm nghiên cứu, học viên cần trình độ Ielts 7.0. Điều này dẫn đến việc nhiều nghiên cứu sinh kéo dài thời gian hoặc không hoàn thành học tập.

de an 14000 ty dao tao tien si that bai vi dau nen noi

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: Phước Tuần.

Như vậy, vấn đề lớn nhất của đề án 911 là là không tìm được người đủ tiêu chuẩn đi học ở nước ngoài. Những kinh nghiệm của nghiên cứu sinh và môi trường làm việc trong nước không đáp ứng được yêu cầu, họ đến nơi công nghệ tiên tiến, có thể bị sốc. Một thực tế là gần như 99% nghiên cứu sinh phải thay đổi đề tài so với thỏa thuận ban đầu với giáo sư.

Nghiên cứu sinh có thể mất 2 năm mới thích nghi được với đề tài mới, cộng thêm thời gian các môn học khác dẫn đến việc đào tạo tiến sĩ trong 3 đến 4 năm là không đủ.

Một số nghiên cứu sinh khác lại quá giỏi nên khi học xong họ ở lại luôn nước ngoài để làm việc.

Những năm 1990, Trung Quốc từng đưa 50.000 người ra nước ngoài học tiến sĩ nhưng không có ràng buộc yêu cầu phải trở về. Ai trở về, họ trọng dụng, còn nếu làm việc tại nước ngoài sẽ là những cây cầu nối Trung Quốc với các nền khoa học tiên tiến trên thế giới.

Bấy giờ, 90% người Trung Quốc học ở Mỹ làm việc cho nước sở tại. Họ chính là nguồn chuyển giao công nghệ về nước, làm nên các mối quan hệ hợp tác sau này.

- Vấn đề đào tạo tiến sĩ trong nước thì sao, thưa ông? Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, nghiên cứu sinh thuộc đề án 911 bảo vệ thành công công trình nghiên cứu không khác biệt nhiều so với đào tạo tiến sĩ đại trà?

- Tôi cho rằng đa phần trường đại học trong nước chưa phải là đào tạo nghiên cứu đúng nghĩa, thiếu môi trường làm việc.

Cụ thể, việc đào tạo này thường được nói là chính quy nhưng thực tế đều theo hình thức tại chức, vừa làm vừa học, thời gian tập trung nghiên cứu rất ít, mỗi năm chỉ khoảng vài tháng. Vì thế, họ không thể toàn tâm toàn ý. Do học bổng thấp, họ phải đi làm để trang trải cuộc sống, nếu không sẽ đói.

Còn ở nước ngoài, nghiên cứu sinh có thể đi làm trợ giảng cho giáo sư, không phải lo cho cuộc sống và gia đình.

Hướng đi nào cho đào tạo tiến sĩ?

- Với sự thất bại này, chúng ta có nên đặt câu hỏi một đề án đào tạo tiến sĩ mới có cần thiết?

- Số lượng tiến sĩ hiện tại tập trung nhiều hơn ở các cơ quan Nhà nước, không nhiều ở cơ sở giáo dục.

Trong đó, một số trường top như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Bách Khoa… đạt tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ 40%-45%. Nhưng tính tổng các trường, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 23%.

Thậm chí, tại nhiều trường, số tiến sĩ đếm trên đầu ngón tay. Muốn công tác nghiên cứu, giảng dạy có hiệu quả thì cần thiết nâng cao số lượng tiến sĩ, ít nhất phải đạt 30%-40%.

Đề án tiến sĩ về lâu dài có những tác động tích cực. Ví dụ, trong số 110 tiến sĩ về ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM những năm qua, 10%-20% số tiến sĩ đã theo đề án 322, 911. Họ có những đóng góp tốt và củng cố cho chương trình đào tạo quốc tế.

Việc đầu tư tiến sĩ là đầu tư cho tương lai. Những tiến sĩ chất lượng mang lại tư tưởng, kiến thức, phương pháp đào tạo mới, ảnh hưởng hàng ngàn hàng chục nghìn sinh viên nên việc đào tạo là cần thiết.

- Phải nhìn nhận thẳng thắn và khách quan là việc sử dụng nguồn kinh phí của đề án 911 chưa hiệu quả. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

- Sắp tới có đề án mới, chúng ta cần làm kỹ ngay từ đầu chứ không phải năm nay làm như năm ngoái. Chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc và có biện pháp để sử dụng tiền thuế của dân sao cho hợp lý.

Bên cạnh đó, nếu cần thiết chúng ta cần có những chế tài để thu hồi tiền của những nghiên cứu sinh không đảm bảo, dù đây là bài toán rất khó.

Việc nghiên cứu sinh ra nước ngoài không trở về là lỗi của cá nhân, không thể trách Bộ GD&ĐT. Chúng ta phải có chế tài mong nghiên cứu sinh dù ở đâu, làm gì cũng cần cống hiến cho đất nước.

- Vậy hướng đi nào cho việc đào tạo tiến sĩ có chất lượng, thưa ông?

- Chúng ta phải nâng cao chất lượng đầu vào của nghiên cứu sinh, nâng cao việc đào tạo tiến sĩ trong nước. Đây là vấn đề tiên quyết để tạo ra những tiến sĩ có chất lượng. Không thể vì không tuyển đủ chỉ tiêu để hạ chỉ tiêu tuyển sinh.

Các tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài cần chú trọng giải pháp đồng bộ, điều kiện để sau khi về nước, họ có môi trường để tiếp tục nghiên cứu, phát triển.

Điều quan trọng nữa là cần đảm bảo thu nhập cho tiến sĩ. Thực tế, lương hiện nay của người trình độ tiến sĩ chỉ khoảng 5-7 triệu đồng/tháng. Nhiều người chấp nhận bồi hoàn chi phí đào tạo cho các trường đại học để tìm cơ hội tốt hơn, thu nhập cao hơn.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.