Đề nghị cho học sinh THPT Hà Nội đi học lại từ 9/3

Chiều 6/3, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã đề nghị cho học sinh THPT đi học lại từ 9/3, học sinh các cấp học khác tiếp tục nghỉ học vì lo ngại dịch bệnh Covid-19.

Chiều 6/3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội đã họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Một trong những nội dung của cuộc họp là quyết định thời gian trở lại trường của học sinh trên địa bàn thành phố.

Báo cáo tại buổi giao ban, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội cho biết, hiện có 282/370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đăng ký hoạt động trở lại với 149.012 học sinh sinh viên. Tính đến hôm nay, 6/3, có 205 đơn vị có số học sinh quay trở lại với tổng số là 65.278/93.352 và có 28.074 học sinh nghỉ.

Theo vị này, số trường chưa cho học sinh đi học có một số nguyên nhân. Thứ nhất, 100% các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên có số học sinh THPT vừa học văn hóa vừa học nghề, hiện vẫn nghỉ (18.058 người). Còn lại, một số học sinh, sinh viên của trường cao đẳng, trung cấp nghề là công dân của một số tỉnh mắc dịch bệnh, nên các trường cũng chủ động cho số này nghỉ.

Đề nghị cho học sinh THPT Hà Nội đi học lại từ 9/3 - Ảnh 1.

An toàn của học sinh khi trở lại trường vẫn là mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh (Ảnh: TN).

Hầu hết các trường đã trang bị máy đo thân nhiệt, nhưng chưa đủ mỗi lớp 1 máy. 50% trường công lập đã bố trí mỗi lớp 1 máy. Các doanh nghiệp có tham gia đào tạo nghề hầu hết chưa bố trí được mỗi lớp 1 máy, theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội.

Giám đốc Sở GD-ĐT Chử Xuân Dũng đề nghị, với tình hình dịch bệnh hiện nay, liên Sở GD-ĐT,  Y tế xin đề nghị cho học sinh THPT cho học sinh trở lại học từ 9/3 sắp tới, còn các cấp học còn lại nghỉ tiếp 1 tuần nữa, tức là đến 15/3.

Đề nghị nhà trường triển khai việc học 1 buổi, không dạy thêm, tổ chức giờ ngoại khóa; đề nghị cha mẹ học sinh cho con em ăn sáng tại nhà; hạn chế tối đa sinh hoạt tập thể.

Theo dự kiến ban đầu của lãnh đạo Hà Nội, ngày thứ hai (9/3) tới đây, học sinh THPT của Hà Nội sẽ đi học trở lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhận định về nguy cơ dịch trên địa bàn chưa giảm, cộng với việc 2/3 trường nghề vẫn đóng cửa dù đã có quyết định đi học lại từ 2/3, vì học sinh không trở lại trường, lãnh đạo thành phố vẫn phải rất cân nhắc trong quyết định.

Trước đó, tại cuộc làm việc của Thường trực Thành ủy với Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ngày 2/3, liên quan đến việc đi học trở lại của học sinh, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, Bộ GD-ĐT đã ban hành khung thời gian năm học điều chỉnh. 

Theo khung này, nếu như học sinh cấp 3 (khối THPT) đi học trở lại từ ngày 9/3 tới đây thì sau khi kết thúc năm học vẫn còn 3 tuần trước kỳ thi đại học, hoàn toàn đáp ứng được chương trình đề ra.

Thậm chí, trong trường hợp dịch vẫn diễn biến phức tạp thì học sinh cấp 3 vẫn có thể nghỉ kịch khung đến hết tuần thứ ba của tháng 3 mà không ảnh hưởng tới lịch học và lịch thi, trừ trường hợp học sinh đi du học sẽ bị ảnh hưởng.

Tương tự, đối với các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trong trường hợp dịch diễn biến xấu thì vẫn hoàn toàn có thể cho nghỉ học đến hết tháng 3.

“Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn giữ được như thế này, vẫn kiểm soát được như hiện nay, cộng thêm yếu tố thời tiết ấm lên thì hoàn toàn có thể yên tâm cho học sinh cấp 3 đi học trở lại từ 9/3, và từ 16/3 thì cho các cấp học còn lại đi học trở lại”, ông Chung nói, đồng thời cho biết, nếu có diễn biến mới, thành phố sẽ tính toán.

Trong một diễn biến liên quan, thì sau Sơn La và Thái Bình, Lào Cai cũng đã đưa ra những thay đổi về thời gian nghỉ học - đi học trở lại của học sinh, trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, Lào Cai đã có công văn gửi UBND tỉnh đề xuất cho học sinh bậc học mầm non, tiểu học và THCS nghỉ học đến hết ngày 15/3; Thái Bình cho học sinh lớp 12 đi học lại từ 4/3; riêng Sơn La cho học sinh tất cả các cấp nghỉ đến 17/3.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.