Ngày 4/10, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Hội An toàn giao thông Việt Nam, Hiệp hội Các doanh nghiệp Rượu châu Á Thái Bình Dương (APIWSA) và Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia "Công bố kết quả Nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển môtô, xe máy tại Việt Nam".
Đối tượng nghiên cứu là người điều khiển môtô, xe máy ở TP HCM, Bình Dương, Hà Nội từ tháng 5 - 12/2018. Kết quả thể hiện, có đến 80-90% nam giới gây ra các vụ TNGT do uống rượu bia – lái xe. Tai nạn xảy ra vào buổi tối (18h - 24h) và cao hơn vào các ngày cuối tuần; phương tiện chủ yếu là xe máy với 70% - 90% số vụ.
Có đến 80-90% nam giới gây ra các vụ TNGT do uống rượu bia – lái xe. (Ảnh minh hoạ: Ngự Kỳ).
Quan trắc hành vi tại các nhà hàng, quán nhậu cho thấy hành vi uống rượu bia – lái xe rất phổ biến bất chấp các quy định luật pháp hiện hành. Tỉ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm tỉ lệ 68% (xe máy 62%, ôtô 6%). Khoảng 40% người đi nhậu ra về trong tình trạng bị say và tỉ lệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ rất cao, cụ thể 36% không bật xi nhan khi sang đường, 26% đi ngược chiều và 17% không bật đèn xe.
Qua khảo sát, phân tích chuyên sâu tâm lí hành vi người điều khiển xe máy cho thấy, chủ phương tiện cho rằng việc uống rượu bia – lái xe gây ra khoảng 11-17% các vụ TNGT đối với bản thân họ. Một số nhận thức thường thấy là "tôi nghĩ rằng lái xe máy sau khi uống rượu bia vẫn an toàn như mọi khi" và "đi quãng đường ngắn nên tôi nghĩ là an toàn".
Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Nam, trường Đại học Việt Đức, trưởng nhóm nghiên cứu chỉ ra, theo số liệu của công an, số vụ TNGT liên quan tới nồng độ cồn 4%. Song, con số này thấp hơn rất nhiều so với số liệu thống kê TNGT do rượu bia nhập viện tại một số bệnh viện.
Theo ông Tuấn, cần sửa đổi Nghị định 46 và Luật Giao thông đường bộ với nguyên tắc "nồng độ cồn trong máu bằng 0 khi điều khiển xe máy"; tăng mức phạt tiền và bổ sung các hình phạt mới như lao động công ích…
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Nam cho rằng, ngoài các chốt cố định nên có các đội tuần tra lưu động thường xuyên khắp thành phố. Lực lượng không cần dày nhưng phải tổ chức bài bản, liên tục và ngẫu nhiên.
Về phần mình, ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM đánh giá, dù các lực lượng chức năng tại TP HCM đã đẩy mạnh nhiều hình thức tuyên truyền, xử phạt nhưng tình trạng tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia chưa giảm.
Tình trạng này chủ yếu xảy ra tại các quận huyện ngoại thành và cá biệt có địa phương có 14/15 vụ tai nạn giao thông chết người có liên quan đến nồng độ cồn. Thời gian tới, Ban ATGT TP HCM sẽ tận dụng các kết quả nghiên cứu để thay đổi phương thức tuyên truyền cho hiệu quả hơn.