Để TP HCM là trung tâm kết nối giao thông vùng – Bài 2: Kỳ vọng dự án lớn

Theo quy hoạch, khu vực TP HCM kết nối với các địa phương lân cận có rất nhiều dự án lớn… Hiện nay, trên cơ sở những định hướng của Trung ương, các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang cùng nhau triển khai nhiều dự án kết nối nhằm tạo “sức bật” phát triển, nhất là phục hồi sau giai đoạn bị ảnh hưởng nằng nề do dịch Covid-19.

Ưu tiên các dự án kết nối

Tại buổi làm việc với Thường trực Chính phủ vừa qua, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo triển khai sớm các dự án giao thông trọng điểm vùng, liên vùng. Đó là cao tốc TP HCM - Mộc Bài; hoàn chỉnh cao tốc TP HCM - Trung Lương; mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; Vành đai 3 và Vành đai 4 TP HCM; cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường sắt TP HCM - Cần Thơ; đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành…

Dự báo giai đoạn đến năm 2030, Đông Nam Bộ có nhu cầu vận tải vượt xa so với năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vốn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Hiện giao thông kết nối liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ; các quốc lộ chính yếu nhiều đoạn đã mãn tải. Hệ thống cao tốc liên vùng, hướng tâm, vành đai, tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu quốc tế là trục xương sống của hệ thống đường bộ đang triển khai rất chậm. 

Theo Bộ Giao thông vận tải, những tồn tại này dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt tại các cửa ngõ ra vào TP HCM, các tuyến kết nối đến cảng biển, cảng hàng không ngày càng nghiêm trọng. Hệ thống đường bộ, đường sắt đô thị vẫn là “nút thắt” ảnh hưởng đến sự phát triển và năng lực cạnh tranh của Đông Nam bộ, với trung tâm là TP HCM.

 Hiện trục chính kết nối khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long qua TP Hồ Chí Minh vẫn là Quốc lộ 1, khiến áp lực giao thông rất lớn. 

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa qua ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông của Đông Nam bộ.

Nghị quyết xác định tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai TP HCM; đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển; tập trung xử lý căn bản ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, nhất là tắc nghẽn giao thông, ngập úng ở TP HCM.

Theo tinh thần đó, mục tiêu đến năm 2026, Đông Nam bộ hoàn thành đường Vành đai 3 và mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành đường Vành đai 4; tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng công trình giao thông theo quy hoạch đã được duyệt.

Hiện nay, các địa phương trong vùng đang tập trung triển khai dự án Vành đai 3 TP HCM và xúc tiến triển khai Vành đai 4. Cụ thể, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đang nỗ lực tối đa để sớm khởi công dự án Vành đai 3 vào giữa năm nay. Đây là dự án lớn, với sự quyết tâm cao của các địa phương nhằm gỡ “điểm nghẽn” trong kết nối vùng. Với chiều dài gần 90 km, dự án này có tính chất liên kết vùng, là điểm đầu của các tuyến cao tốc, kết nối với tuyến quốc lộ hướng tâm.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết, dự án Vành đai 3 có tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian và động lực phát triển kinh tế - xã hội TP HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện dự án sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội không chỉ các tỉnh có dự án đi qua mà còn cho Vùng Đông Nam Bộ, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

“Việc hoàn thành dự án Vành đai 3 sẽ mang đến sự thay đổi đột phá về cục diện giao thông, góp phần tháo gỡ 3 điểm nghẽn đã tồn tại thời gian dài trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đó là nghẽn về giao thông; nghẽn về không gian phát triển và nghẽn về động lực, nguồn lực phát triển”, ông Bùi Xuân Cường chia sẻ.

Cùng với Vành đai 3, trong vòng 5 năm đến 10 năm tới, khu vực Đông Nam bộ sẽ triển khai hàng loạt dự án như khép kín Vành đai 2, Vành đai 4, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, các đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, TP HCM - Chơn Thành…

Chờ dự án mới

Đối với “trung tâm kết nối” TP HCM, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của TP HCM bảo đảm tổng thể, đồng bộ và hiện đại; trong đó, chú trọng phân bổ hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, kết hợp đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hình thức đối tác công - tư (PPP).  

Trên cơ sở đó, TP HCM chủ động thúc đẩy liên kết vùng, phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu trong liên kết phát triển nhằm thực hiện các đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực, địa phương trong cả nước.

Để thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp mà Trung ương đề ra, TP HCM sẽ phải nỗ lực tối đa, huy động các nguồn lực để phát triển. Cùng với đó, TP HCM cũng cần những cơ chế vượt trội, sự chung tay của các địa phương trong vùng để phát huy tiềm năng lợi thế và phá bỏ những “điểm nghẽn” còn tồn tại về hạ tầng giao thông kết nối.

Hiện dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài đang được TP HCM và Tây Ninh thúc đẩy. Cao tốc này có điểm đầu giao với đường Vành đai 3 và điểm cuối là cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Chiều dài toàn tuyến 50 km, đoạn qua TP HCM dài 23,7 km. Giai đoạn 1 thực hiện từ 2022 – 2027, tổng mức đầu tư khoảng 16.729 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng 6.355 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư 7.433 tỷ đồng (trên địa bàn TP HCM là 5.901 tỷ đồng; Tây Ninh là 1.532 tỷ đồng).

Ngoài các dự án lớn trên, cuối tháng 2/2023, Thành phố đã khởi công dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn). Với tổng mức đầu tư hơn 8.200 tỷ đồng, dự án này mang tính chất phục vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM trong tương lai. 

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, việc triển khai thi công, hoàn thành dự án Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên chắc chắn sẽ tạo bước đột phá cho hạ tầng đô thị thành phố, chỉnh trang và nâng cao diện mạo đô thị cho khu vực nói riêng và Thành phố nói chung. Qua đó, dự án sẽ hình thành tuyến giao thông đường thủy, đường bộ liên kết qua 7 quận huyện, là động lực phát triển kinh tế, xã hội của khu vực.

Hiện Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Theo ông Phan Văn Mãi, trong dự thảo thay thế Nghị quyết 54 về phát triển thành phố liên quan nhiều đến các cơ chế đầu tư, giải phóng mặt bằng và những cơ chế thu hút vốn khác. Nếu đến tháng 5/2023, Nghị quyết được Quốc hội thông qua, sau đó triển khai thì sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy đầu tư công cũng như đầu tư thu hút xã hội khác.

Năm 2023, ngành giao thông thành phố tin tưởng sẽ là khởi đầu hành trình 10 năm đột phá về hạ tầng giao thông của TP HCM cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Người dân TP HCM sẽ chứng kiến một loạt dự án được triển khai, từ khép kín mạng lưới đường vành đai, tăng tỷ lệ đường cao tốc, những dự án lớn mang tính liên vùng, kết nối cho tới những dự án cầu, đường vùng nội đô mà người dân đã chờ đợi từ rất lâu trong thời gian qua.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.